Dạy con trẻ: Người lớn phải làm gương!

(Dân trí) - “Trẻ con hư từ khi chúng hiểu người lớn. Xã hội người lớn bây giờ còn có người xấu xí, làm sao dạy dỗ được con trẻ đây? Với tư cách một người làm bố, tôi mong sao người lớn chúng ta hãy tự ngẫm lại bản thân và cố gắng sửa đổi để làm gương cho con trẻ”.

Ý kiến của độc giả Hữu Thành, email:  nghthanhsg@gmail.com cũng là chia sẻ của đông đảo độc giả khi đọc bài viết “Học sinh hư, đáp án là bố mẹ” và bài “Giáo dục gia đình không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng nữa?!” trên báo Dân trí.

 

 “Trước khi dạy con hãy dạy chính mình. Tôi thấy rất nhiều người lớn bây giờ rất vô ý thức. Cha mẹ như thế sao dạy đượcc con, người lớn như vậy sao làm gương cho các cháu?” - Người gửi:  Huỳnh Quí, email:  quihuynh108@gmail.com 

 

“Con ngoan, chưa chắc bố mẹ đã "ngoan" nhưng con hư thì chắc chắn bố, mẹ không "ngoan".  - Người gửi:  Nguyễn Trung, email:  huongthien8@gmail.com 

 

 “Tôi thấy bài viết có ý đúng, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình không tốt làm sao tạo nên một xã hội tốt. Ví dụ ngay từ nhận thức và văn hóa của rất nhiều người làm cha, làm mẹ không tốt, đèo con đến trường đầu không đội mũ bảo hiểm, lấn làn, leo lên vỉa hè, vượt đèn đỏ… vậy thử hỏi đứa trẻ ngồi sau xe đó lớn lên có nhận thức, có văn hóa tốt hay không? Trước hết cha, mẹ và những người lớn nên tự làm gương trước đã, xem lại trách nhiệm của mình trong việc giáo dục trẻ...” - Người gửi:  Nguyễn Thương, email:  thuongcis@gmail.com 

                                                           

“Con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ và những người thân trong gia đình để tự bắt chước, học theo, từ cách ăn mặc, nói năng, cư xử… Những nét tính cách thật thà, dũng cảm, cần cù, chịu khó, yêu lao động, ngăn nắp, kỷ luật, biết quan tâm đến người khác, không nói tục chửi bậy… được các em học tập ngay từ chính những người thân trong gia đình, mà trước hết là từ bố mẹ của mình.” - GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam

“Tôi là một giáo viên. Tôi không phân tích sâu, chỉ nêu ra vài hiện tượng cho các bạn thấy phụ huynh thế nào: 1. Gần trường tôi có hai ngã tư. Tôi thấy vài phụ huynh chở con mình đến trường cứ vượt đèn đỏ thoải mái. 2. Vì bênh vực con mình mà cả hai phụ huynh huy động "lực lượng" đến trước cổng trường đánh nhau, rượt đuổi nhau vào luôn sân trường đang giờ chơi! 3. Khi được nhà trường mời vào làm việc vì con mình vi phạm, phụ huynh nào "khủng" thì bênh con mình, nạt cả giáo viên, phụ huynh nào nhẹ nhàng một chút thì "ở nhà con tôi ngoan lắm thầy ơi"! Còn một loại phụ huynh "nhẹ" hơn nữa thì "tôi cấm nó cái này, cái kia thì nó đòi tự tử"! .... Thế thì hỏi làm sao giáo dục được?” -

Email:  daohvt@gmail.com 

 

 “Tôi đồng tình với quan điểm của GS, TS Nguyễn Ngọc Phú. Hôm trước đi ăn sáng, tình cờ tôi nghe một người mẹ nói với con trai (cháu bé khoảng 5 tuổi): Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi, nó cào vào mặt mình một, con phải cào trả nó năm cơ mà! Các bạn nghĩ xem lợi hại của lời dạy này nhé. Riêng tôi thì thấy buồn và thất vọng.” - Người gửi:  nguyenkimthu339, email:  kimthu339@gmail.com 

 

“Chính cái thái độ này sinh con ra mà không biết dạy nên con mới hư. Ngày xưa cha mẹ nghèo nhưng sống đạo đức mẫu mực, tu thân tại gia, con cái kề bên tự học theo gương đèn sáng là đã có thể thành người rồi. Ngày nay cha mẹ có điều kiện, biết lên internet đọc báo mạng nhưng kém cỏi không dạy nổi con mà không chịu nhìn ra lỗi ở mình, cứ chăm chăm đổ cho xã hội, con hư là phải.” - Người gửi:  Hoàng Nguyễn, email:  nguyenhoang@gmail.com 

 

"Người lớn dạy trẻ con theo 3 cách quan trọng: cách thứ nhất là làm gương, cách thứ hai là làm gương, cách thứ ba là làm gương." - Nhà triết học, thần học người Đức Albert Schweitzer (1875 - 1965), đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1952

“Hôm 25/9 đưa con đi học, kế bên thấy một bà mẹ cũng đưa con đến trường, đứa bé không tức tưởi, tui hỏi Sao khóc dữ vậy con?, bà mẹ nói Quên chai nước mà nó khóc vậy đó. Đứa bé vào cổng xong, bà mẹ lại nói Tui chạy ngược chiều một chút mà nó khóc như vậy đó ". - Người gửi:  Nguyễn Minh Hưng, email:  nmhung33@yahoo.com 

 

Dạy con trẻ: Người lớn phải làm gương!
Muốn dạy con trẻ, người lớn phải làm gương. Trong ảnh: Có những phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông.
 
“Tôi hoàn toàn nhất trí với Giáo sư Nguyễn Ngọc Phú. Không cha mẹ nào muốn con cái hư, cái này đúng. Nhưng cha mẹ luôn đổ lỗi cho nhà trường và xã hội là cha mẹ sai. Lỗi đầu tiên ở cha mẹ. Tôi có một cháu nội năm nay 3 tuổi, khi bố mẹ bảo Sao con không đi dép vào cho ấm chân?, cháu trả lời Thế bố mẹ có đi đâu? Bố mẹ đi làm ra tiền sau đó đưa tiền cho nhà trường và xã hội dạy con, coi như bố mẹ đã làm hết nghĩa vụ! Không phải thế. Con cái học bố mẹ từ lúc khóc chào đời, nếp ăn, nếp ngủ đi vào tiềm thức, và cứ dần dần đến năm ba tuổi thì các cháu đã có thói quen rồi. Bố mẹ hiện nay làm ăn nhiều khi không thông sáng, cũng ảnh hưởng đến thói quen của con. Bố mẹ làm ăn chụp giật, cũng ảnh hưởng đến con. Bố mẹ lấy tiền để giải quyết mọi quan hệ trong xã hội cũng ảnh hưởng đến con. Vì thế tôi nghĩ các bậc bố mẹ hãy tham gia vào giáo dục con cái trước khi giao trách nhiệm cho nhà trường và xã hội. Chúng ta không nên ngồi đổ lỗi. Phải hành động, kẻo muộn.” - Người gửi:  Mai Văn Thử, email:  maithu435@gmai.com 

   

“Quan điểm của giáo sư rất chính xác, cha mẹ là tấm gương mà con thường soi, một gia đình nhìn bề ngoài giàu, thành đạt, có địa vị trong xã hội nhưng chưa chắc có lối sống, nhân cách tốt, thiếu tình cảm nên con hư là chuyện thường.” - Người gửi:  Nhất Đạt, email:  Nhatdlk@yahoo.com 

 

“Bài viết rất hay, anh sinh ra con anh, nếu con anh hư hỏng, nguyên nhân chính đầu tiên là do anh cũng hư hỏng - có điều chúng ta thật khó mà biết được, và cũng rất khó để thừa nhận rằng mình hư hỏng. Bố mẹ có thể làm ông này bà nọ, chức cao vọng trọng, nhưng sống giả dối, sính danh, hám vị, coi đồng tiền là tất cả… đó cũng là một cái tật xấu rất nhiều người mắc phải, con cái không hư hỏng thì hơi lạ.” - Email:  dtkien01@gmail.com 

 

“Nếu bản thân bố mẹ cũng không ra gì cả thì sao có thể dạy con nên người được?” - Email:  tdlhnvn@yahoo.com 

 

Xin mượn lời chia sẻ của độc giả Phavi làm lời kết cho bài viết:

 

“Muốn dạy con tốt, giáo dục con nên người, trước hết bố, mẹ phải là những người tốt, mẫu mực để con học tập và noi gương. Trẻ em thật không hề có lỗi. Nếu có là cái tội chúng ta. Chúng ta làm mẹ, làm cha. Trồng cây sửa nụ, chăm hoa thế nào...". - Người gửi: Phavi, email:  phavi0510@gmail.com 

 

Thu Minh (tổng hợp)

Dòng sự kiện: Học sinh hư, vì sao?