Quảng Nam:

Hai người chiến sĩ cầm súng rồi lại cầm bút

(Dân trí) - Họ là những người đã từng đứng lên cầm súng bảo vệ Tổ quốc, rồi khi ra quân, họ lại cầm phấn cống hiến cho sự nghiệp trồng người trên những vùng còn khó khăn...

Chúng tôi muốn nhắc đến thầy Bùi Văn Tài - giáo viên Toán lớp 10, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) và thầy Trần Văn Nhân - giáo viên Văn lớp 8, Trường THCS Lê Ngọc Giá (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Cùng với hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước, các thầy đang ngày ngày đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. 

Sau tiết dạy ở trường THPT Nguyễn Thái Bình (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), thầy giáo Bùi Văn Tài, năm nay hơn 50 tuổi, lặng lẽ chạy xe về. Theo chân thầy Tài, chúng tôi về thăm nhà thầy. Thầy vừa đi vừa kể: “Quê tôi ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, sau khi học xong thì nhập ngũ đi chiến trường, rồi về dạy tại xã Bình Minh. Ngày xưa đoạn đường này lầy lội lắm, gần biển nên toàn đất cát, cả thầy và trò đều khổ. Mãi đến chục năm trở lại đây, nhà nước cùng bà con trong xã đắp đường, đổ bê tông”.

Thầy Bùi Văn Tài đang giảng bài
Thầy Bùi Văn Tài đang giảng bài.

Dắt xe vào ngõ thì trời cũng chập tối, thầy xếp lại tập giáo án vào bàn. Ngồi xuống uống ngụm trà, rồi lại ngước nhìn lên những tấm bằng khen, ngẫm lại chiến trường những đồng đội xưa cũ.

Năm 16 tuổi, thầy Tài là học sinh Trường Phổ thông Công lập cấp ba Thăng Bình (nay là Trường THPT Nguyễn Thái Bình) và tham gia sinh hoạt đoàn thể thiếu nhi. Tháng 7/1979, cuộc Tổng động viên kêu gọi xuất ngũ. Thầy Tài tình nguyện tham gia chiến trường dù chưa học hết lớp 12.

Năm ấy, thầy gia nhập Tiểu đoàn 407 đặc công Quân khu V hành quân sang chiến trường Campuchia. Đến tháng 1/1981 trong một cuộc giao chiến tại sông Mê Kông, thầy Tài bị thương nặng và được đưa về Tiểu đoàn 979 tại Quy Nhơn để an dưỡng.

Sau những ngày tại chiến trường, nhà giáo cựu chiến binh chia sẻ: “Tôi không bao giờ nghĩ mình còn sống để theo đuổi việc học. Tại Quy Nhơn, tôi đã tiếp tục con đường học vấn dang dở, tôi học Đại học Sư phạm Quy Nhơn và từ đó bước chân vào nghề giáo”.

Thầy Bùi Văn Tài trong một buổi lên lớp
Thầy Bùi Văn Tài trong một buổi lên lớp.

Kể lại những kỷ niệm năm tháng gieo chữ nơi cát trắng, thầy Tài nói: “Tôi nhớ nhất lần lần sau cơn bão Chanchu năm 2006, nhiều học sinh cái ăn còn khó, sách vở cũng không còn, tôi và nhiều giáo viên gom góp cân gạo, ký đường, nhà nào còn chuối thì mang theo cho học sinh để đỡ đói khi đến trường học. Đó cũng là năm có hàng trăm đứa trẻ mất cha, do gặp bão trên biển. Và mỗi người thầy giáo chúng tôi phải tự học cách động viên tinh thần các em, tôi vẫn nhớ cảnh đang học thì có em khóc, khiến cả lớp khóc theo”.

Cũng từng là người lính, thầy Trần Văn Nhân hiện là giáo viên Văn, Trường THCS Lê Ngọc Giá (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thầy đi chiến trường biên giới Tây Nam, tham gia đơn vị Pháo binh mặt đất Tiểu đoàn 572 vào năm 1979. Đến năm 1981, thầy trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng, tiếp tục gắn đời với bục giảng.
 
Video clip: Tâm sự của thầy Bùi Văn Tài và thầy Trần Văn Nhân.

Thầy Trần Văn Nhân quê gốc tại xã Điện Phước (huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Thầy được phân công dạy tại trường THCS Trần Cao Vân (xã Điện Quang), rồi chuyển sang dạy tại xã Điện Phương. Từ năm 2000 đến nay, thầy dạy tại Trường THCS Lê Ngọc Giá, xã Điện Dương. Rời xa cả quê hương lập gia đình ở đất mới. Cuộc sống của thầy đã ổn định, một căn nhà khang trang.

Thầy giáo Trần Văn Nhân kể chuyện chiến trường
Thầy giáo Trần Văn Nhân kể chuyện chiến trường.

Thầy Nhân nói: “Tôi dạy môn Văn học, chỉ mong sao, khi phụ huynh hỏi con em mình học văn của ai thì mấy em trả lời là học Văn thầy Nhân. Chỉ vậy là được rồi, tôi chẳng mong gì hơn!”.

Nguyễn Trang