Gặp cô giáo đi vận động khai sinh cho từng đứa trẻ đồng bào Rục

(Dân trí) -Đối với bà con đồng bào Rục ở xã miền biên Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), mỗi khi nhắc đến cô Thái Thị Kim Liên có lẽ không ai là không quý mến, bởi cô chính là người đi vận động khai sinh và dạy cái chữ cho chính những đứa con của họ.

Giữa tiết trời se se lạnh của một ngày chớm đông, chúng tôi tìm về với bà con người Rục, nơi cô Thái Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Thượng Hóa đang công tác. Con đường dẫn vào bản Mò Ó Ô Ồ giờ đã được bê tông hóa khang trang, tất cả mọi nhà trong bản đều có điện thắp sáng, học sinh được đến trường đầy đủ, đúng độ tuổi.
 
Nói về sự học của học sinh đồng bào Rục, cô Liên được xem là người mẹ “đặc biệt” của nhiều thế hệ trẻ em dân bản. Bởi cô không chỉ là người tiên phong trong việc gieo chữ mà còn là người đi vận động khai sinh cho từng đứa trẻ ở đồng bào dân tộc vùng xa xôi hẻo lánh này.
 
Cơ sở vật chất nghèo nàn của Trường Mầm non số 2 Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình).
Cơ sở vật chất nghèo nàn của Trường Mầm non số 2 Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình).

Năm 2007, cô Liên được cử lên công tác tại Trường Mầm non số 2 Thượng Hóa, điểm trường đóng ở một bản nằm sâu trong núi, đường đi phải leo đèo, lội suối cả chục cây số. “Năm đó, đứa con gái đầu mới 10 tuổi, còn đứa con trai thứ hai chỉ mới 3 tuổi, nhiều lúc không biết gửi cho ai nên phải mang con theo. Nhiều đợt, thời tiết mưa lũ, phải ở lại trường cả mấy tuần liền”, cô Liên bồi hồi nhớ lại.

Lúc mới lên, cô Liên và một số thầy cô khác đi sâu vào tận trong bản để vận động phụ huynh cho con đến trường. Nhưng vì lúc đó họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nên công tác vận động gặp không ít khó khăn. “Để các em được đến trường, chúng tôi phải vào từng nhà, vận động từ già làng, trưởng bản rồi đến từng hộ dân. Tuy nhiên, ban đầu hầu hết họ không đồng ý cho con đi học, nhiều người còn bảo con tôi chứ có phải con cô đâu mà cho đi học, nhiều người lại còn nói học làm sao no cái bụng được”, cô Liên nhớ lại.

Nhưng không vì thế mà cô từ bỏ niềm tin gieo từng con chữ, viết ước mơ đến từng em nhỏ đang ngày ngày theo ba, mẹ lên nương rẫy trong tận rừng sâu. Cô luôn hy vọng một ngày nào đó, dân bản sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc học.
 
Cô Thái Thị Kim Liêm, người gieo chữ cho biết bao đứa trẻ đồng bào Rục.
Cô Thái Thị Kim Liêm, người gieo chữ cho biết bao đứa trẻ đồng bào Rục.

Mưa dầm thấm lâu, lúc đầu chỉ có một vài hộ đồng ý cho con đi học, nhưng sau ngày khai trường có rất đông phụ huynh đã chủ động đưa con tới trường xin học. Thấy trẻ đến trường đông, cô Liên mừng lắm, nhưng lúc đó điều khó khăn nhất là làm sao để phân loại độ tuổi của trẻ để vào lớp nào cho đúng độ tuổi, bởi trong số đó chỉ có vài em có giấy khai sinh.

Vận động dân bản cho con đi học đã khó, bây giờ không biết phân trẻ vào lớp nào cho đúng lại khó khăn hơn, giờ mà cho tất cả vào cùng học lớp Mần non để năm sau lên lớp Mẫu giáo nhỡ, rồi năm sau nữa lại cho nó học lên lớp Mẫu giáo lớn thì không đúng với quy định ngành.

Để giải quyết bài toán này, cô Liên lại phải đến gõ cửa từng nhà để hướng dẫn cho các hộ đi khai sinh cho con để từ đó có cơ sở phân lớp phù hợp với từng lứa tuổi. Và cho đến bây giờ 100% trẻ con của đồng bào Rục từ 3 - 5 tuổi đã có giấy khai sinh và được đến trường đúng độ tuổi.

Khi được hỏi về những tấm bằng khen treo trên tường, cô Liên khẽ cười: “Có gì đâu em. Mình chỉ làm đúng với trách nhiệm và đạo đức của một nhà giáo thôi. Nhưng có lẽ tình thương yêu dành cho các em nhỏ là niềm động lực lớn nhất để mình cố gắng vượt qua những ngày tháng khó khăn để gieo ước mơ cho các em”.
 
Cô Thái Thị Kim Liêm, người gieo chữ cho biết bao đứa trẻ đồng bào Rục.
Cô Thái Thị Kim Liên chia sẻ về những năm tháng vất vả trong sự nghiệp trồng người ở đồng bào Rục.

Nói về nghị lực và thành tích đáng nể phục của cô Liên, bà Đinh Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Minh Hóa đánh giá: “Mặc dù là một đơn vị nghèo, khó khăn thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất, đặc biệt học sinh ở đó chủ yếu là con em dân tộc thiểu số (Rục, Sách - PV), nhưng cô Liên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong sự nghiệp giáo dục, vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ban ngành. Cô Liên như là “người mẹ hiền” gieo ước mơ con chữ với mong muôn thoát nghèo cho các em học sinh nơi các bản làng xa xôi của đồng bào Rục”.

Với những thành tích trên, dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, cô Liên vinh dự là người duy nhất của tỉnh Quảng Bình được ra Hà Nội nhận bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt Nam vì có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục.
 
Một trong những thành tích mà cá nhân cô Kim Liên và tập thể nhà trường vinh dự được nhận.
Một trong những thành tích mà cá nhân cô Kim Liên và tập thể nhà trường vinh dự được nhận.

Chia tay các em học sinh Trường Mầm non số 2 Thượng Hóa ra về mà lòng chúng tôi không khỏi xúc động về những cống hiến thầm lặng của các thầy cô và đặc biệt là cô Liên, người đã không quản ngại khó khăn để ngày đêm gieo từng con chữ cho biết bao lớp trẻ ở đồng bào Rục.

Văn Lịnh