Giáo viên đưa học sinh chính khóa vào trung tâm để dạy có đúng quy định?
(Dân trí) - Việc giáo viên đưa học sinh chính khóa vào trung tâm để dạy trực tiếp nhưng thu tiền gián tiếp qua trung tâm có được xem là đúng quy định theo Thông tư 29 hay không?
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm đã có hiệu lực từ ngày 14/2. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo ngại việc dạy thêm, học thêm chỉ "tạm dừng", "tạm hoãn" một thời gian và sẽ biến tướng theo nhiều cách khác nhau.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, phụ huynh nêu trường hợp giáo viên hợp tác với trung tâm ngoài nhà trường để đưa học sinh chính khóa vào học một cách hợp pháp. Giáo viên vẫn trực tiếp dạy học sinh của mình ở trung tâm nhưng việc thu tiền do trung tâm đứng ra thu.
Phụ huynh đặt câu hỏi: "Phụ huynh vẫn đóng học phí nhưng giáo viên không phải người nhận tiền trực tiếp. Vậy giáo viên có vi phạm Thông tư 29 hay không?".
Ở nội dung này, Thông tư 29 nêu rõ: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường".
![Giáo viên đưa học sinh chính khóa vào trung tâm để dạy có đúng quy định? - 1 Giáo viên đưa học sinh chính khóa vào trung tâm để dạy có đúng quy định? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/cJFr7ci0gK6czkSEXU2-7DqDXwg=/thumb_w/1020/2025/02/14/hocsinhtuutruonghailong9-1724033-1739544700300.jpg)
Học sinh tiểu học tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).
Như vậy, chỉ cần giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa "của mình" mà cha mẹ học sinh phải trả tiền cho buổi học đó thì việc giáo viên trực tiếp nhận hay gián tiếp nhận bằng tiền công thông qua cơ sở dạy thêm đều là vi phạm quy định.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng làm rõ nội dung này trên cổng thông tin của Bộ như sau:
"Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…
Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên "kéo" học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm".
Một nỗi lo khác của phụ huynh là liệu Thông tư 29 có được các địa phương, nhà trường, giáo viên tuân thủ chấp hành hay không.
Anh Hoàng Minh Quân (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Năm 2013, khi con trai đầu của tôi học lớp 5, việc cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học cũng rầm rộ trên mặt báo.
Nhưng chỉ chừng vài tháng sau đó, mọi việc trở về "bình thường cũ". 12 năm qua, việc dạy thêm, học thêm bậc tiểu học trở nên công khai ở ngay giữa trung tâm thủ đô.
Không chỉ giáo viên trong các trường học dạy thêm, các trung tâm cũng công khai tuyển sinh, công khai mở lớp, công khai ôn luyện cho học sinh tiểu học, sau này là công khai quảng cáo trên mạng xã hội. Nhưng dường như chưa có trung tâm nào hay giáo viên nào ở Hà Nội bị phạt vì dạy thêm cho học sinh tiểu học.
Vậy điều gì đảm bảo cho phụ huynh chúng tôi rằng Thông tư 29 sẽ không bị phớt lờ như Thông tư 17, nhất là khi các chế tài xử lý là chưa đầy đủ và rõ ràng?
Những phụ huynh tuân thủ Thông tư liệu có thiệt thòi trong khi các nhiều phụ huynh và giáo viên "vượt rào" bất chấp hay không?".
Hiện, giáo viên là viên chức nếu vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm sẽ bị xử lý theo Nghị định 112 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, hiệu trưởng sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh báo đến buộc thôi việc.
Ngoài ra, giáo viên có thể bị xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng nếu dạy thêm theo hình thức kinh doanh hộ gia đình mà không đăng ký kinh doanh, từ 25-50 triệu đồng nếu dạy thêm theo hình thức doanh nghiệp mà không thành lập doanh nghiệp.