Thông tư 29 có hiệu lực, phụ huynh nói gì về quy định dạy thêm, học thêm
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh đồng tình với việc "siết chặt" dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học theo Thông tư 29, nhưng cũng có người mong con được học thêm để củng cố kiến thức.
Ý kiến trái chiều
Ngày 14/2, Thông tư 29/2024/TT-BGD (gọi tắt là Thông tư 29) chính thức có hiệu lực. Đây là thông tư quy định nhiều điểm mới về việc dạy thêm, học thêm, thu hút sự quan tâm của hàng triệu giáo viên và phụ huynh trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Giang (ngụ tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông có con gái đang học lớp 2 và lớp 3. Cả 2 cháu đều học thêm môn toán và tiếng Việt ở nhà cô chủ nhiệm nhưng phải nghỉ hơn 1 tuần nay theo Thông tư 29. Ông nhận thấy việc học thêm giúp các con tiến bộ hơn, được ôn lại kiến thức cũ và học bài mới.
"Theo tôi, việc dạy thêm cũng tốt vì củng cố thêm kiến thức cho các con, nhất là những bé học chậm trên lớp, cha mẹ không có thời gian kèm cặp", ông Giang nêu quan điểm.
Chị Lê Thùy Linh, có con gái học lớp 8 ở tỉnh Bến Tre cho hay, trước đây, mỗi ngày con gái chị đều học thêm 2 buổi chiều và tối. Trong đó ca chiều là học các môn khác nhau, còn tối học tiếng Anh. Tiền học thêm của con chị Linh khoảng 6 triệu đồng/tháng.
"Nhờ học thêm, con tôi có thành tích học tốt, riêng tiếng Anh của cháu luôn được điểm cao top đầu lớp, đã nhận được một học bổng nước ngoài", chị Linh tâm sự.
Tuy nhiên sáng nay chị Linh được các cô giáo đồng loạt thông báo sẽ dừng dạy thêm để chờ thông báo chính thức từ cơ quan chức năng. Quá bất ngờ, chị cũng chưa có dự định thay thế nào cho con gái để tiếp tục bổ trợ thêm kiến thức.
Anh Trần Minh Toàn (ngụ TP Cần Thơ) có hai con trai học tiểu học thì hoan nghênh quy định mới của Thông tư 29 là không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
"Tôi thấy thông tư này quy định rất đúng, siết chặt được tình trạng giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn "ép" học sinh học thêm tại nhà để được ưu ái hơn. Với quy định mới, giáo viên không thể gây sức ép buộc học sinh phải học thêm tại nhà mình nữa", anh Toàn bày tỏ.
Là giáo viên đang dạy lớp 4 ở một trường tiểu học thuộc quận Bình Thủy (TP Cần Thơ, cô Hồ Minh Ngọc cho biết, trước kia do nhu cầu của phụ huynh nên cô có mở lớp dạy thêm cho 10 em học sinh. Trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, chị Ngọc đã nghỉ dạy, đồng thời thông báo cho phụ huynh quy định mới về việc dạy thêm, học thêm.
"Các thầy cô có thể dạy rèn chữ đẹp, dạy thủ công mỹ nghệ, dạy STEM, đàn hát, vẽ tranh nghệ thuật, năng khiếu… cho học sinh. Đây là những môn bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh, không phải là các môn văn hóa nên không phải là trường hợp dạy thêm, học thêm", chị Ngọc nêu quan điểm.
Các sở quyết liệt chỉ đạo thực hiện theo Thông tư 29
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cho biết, đã có văn bản thông báo đến các trường thực hiện nghiêm quy định theo Thông tư 29, từ trước khi thông tư có hiệu lực. Sở đang tham mưu UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
"Đối với việc dạy thêm học thêm, khi học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp ở trường học không bị cấm, không được thu tiền học sinh. Kinh phí tổ chức dạy thêm trong nhà trường sẽ lấy từ ngân sách nhà nước và khoản thu hợp pháp khác.
Các trung tâm luyện thi đại học vẫn hoạt động bình thường nhưng phải có đăng ký kinh doanh, công khai nơi dạy theo quy định...", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ lý giải.
Phía Sở đang lấy ý kiến, góp ý của các đơn vị trường học. Qua các bước phản biện, thẩm định của cơ quan chức năng mới trình UBND TP xem xét.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang cho biết, Sở đã tổ chức hội nghị giao ban triển khai thông tư 29 từ trước Tết. Thầy cô đã được quán triệt và sẽ chấp hành nghiêm chỉnh. Sắp tới, Sở sẽ có kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc dạy thêm, học thêm.