Giá SGK mới tăng 2-3 lần: Khi giáo dục bị thương mại hóa nặng
(Dân trí) - Thực tế có những môn học hiện có quá nhiều đầu SGK. Một số môn như Thể dục, Trải nghiệm hướng nghiệp, có cần SGK cho học sinh khi các em chủ yếu học ngoài trời?
Học sinh cần SGK thể dục, trải nghiệm?
Việc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mức cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa hiện hành gây lo lắng cho nhiều phụ huynh vì gánh nặng tiền trường sẽ gia tăng trong năm học tới.
Theo lý giải của NXB, SGK tăng giá một phần do chất lượng giấy tốt hơn, sách in màu và không được trợ cấp một phần chi phí.
Điều đáng nói, nguyên nhân việc tăng giá SGK trên đây chỉ một phần, phần nữa do Bộ GD-ĐT cho phép tăng số đầu sách giáo khoa bắt buộc so với chương trình cũ, khiến người dân phải bỏ chi phí lớn để đổ vào việc mua sắm SGK.
Cụ thể, bộ sách lớp 2 cũ chỉ có 6 cuốn với giá bán 53.000 đồng/bộ thì sách mới lên tới 10 cuốn có giá 186.000 đồng/bộ.
Bộ SGK lớp 3 chương trình cũ chỉ gồm 6 cuốn thì bộ mới có tới 12 cuốn, chưa kể sách Tiếng Anh. SGK lớp 7 tăng từ 12 lên 13 cuốn.
Đặc biệt, ở chương trình phổ thông mới, lần đầu tiên học sinh có sách giáo khoa môn "Giáo dục thể chất" và sách giáo khoa của "Hoạt động trải nghiệm sáng tạo".
Một số ý kiến cho rằng, những môn học này, học sinh chủ yếu học ngoài trời. Có nhất thiết "vẽ" thêm SGK cho học sinh khiến tăng đầu sách và đội giá gấp 2-3 lần?
TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho rằng, SGK tăng giá khiến nhiều người lo lắng nhưng quan trọng hơn, những cuốn sách ấy có xứng đáng được đặt giá cao như thế hay không?
Cô H.T, một giáo viên tiểu học cũng cho rằng, tương tự việc tăng đầu sách, các NXB có thể tiết chế hoặc Bộ GD-ĐT nên khống chế số trang để giảm giá thành rất dễ dàng. Phải chăng đấy cũng là kẽ hở để tăng giá hợp pháp? giáo viên này đặt câu hỏi.
Khi SGK bị thương mại hóa quá nặng
Theo Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, giá sách giáo khoa được xây dựng dựa trên các yếu tố: Số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (theo chương trình mới có sự điều chỉnh so với chương trình hiện hành); chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…); chi phí vật tư, công in; chi phí marketing…
Đơn vị này cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, NXB Giáo dục VN đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu.
Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, NXB đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán SGK phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học.
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu SGK chỉ phục vụ giáo dục thì không đến nỗi chênh giá như vậy.
Cái chính hiện nay, SGK mang yếu tố thị trường và "đánh" vào nhu cầu giả khiến phụ huynh phải mua cả bộ nên tăng giá.
"Người ngoài nhìn vào cứ tưởng người học cần tất cả số SGK này. Tuy nhiên, thực tế người học chỉ cần một số cuốn căn bản nhưng người bán SGK vẫn đưa vào và bán được cả bộ nên rất lợi", GS Phạm Tất Dong nói.
Cũng theo chuyên gia này, hiện chúng ta chưa quản lý được thị trường SGK và nó đang bị thương mại hóa quá nặng.
"Nên chăng cần một bộ SGK chính thống để quản lý chặt. Còn lại, phụ huynh học sinh có thể tham khảo tất cả các bộ SGK khác trong xã hội.
Thậm chí SGK cần được số hóa, giáo viên và học sinh chỉ cần xem SGK trên mạng để dạy và học. Thế nhưng vì sao các trường không tải xuống để dùng mà phải đi mua SGK?
Có ý kiến cho rằng, do một số cuốn, học sinh phải điền trực tiếp vào sách nên bắt buộc cần mua mới mỗi năm. Phải chăng điều này do các NXB đã tạo ra những "rào cản" vô hình để người tiêu dùng phải mua sách của mình?
Thậm chí đã SGK lại còn "đẻ" thêm sách tham khảo. Nếu dùng SGK của chúng tôi, thì phải phụ thuộc thêm cả sách tham khảo nên nhiều người cứ thế nghiến răng mua khiến mọi thứ trội lên và lũng đoạn cả thị trường sách. Điều này không vì học sinh, không vì sự nghiệp giáo dục", GS.TS Phạm Tất Dong phân tích.