Doanh nghiệp Đài Loan sang Việt Nam "săn" sinh viên
(Dân trí) - 19 doanh nghiệp và trường đại học Đài Loan vừa sang Việt Nam "săn" sinh viên ngành công nghệ bán dẫn trong "Chương trình giới thiệu cơ hội làm việc và học tập ngành công nghệ bán dẫn tại Đài Loan".
Ngày 8/5, hàng nghìn sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng nhiều trường lân cận, có mặt tại "Chương trình giới thiệu cơ hội làm việc và học tập ngành công nghệ bán dẫn tại Đài Loan", do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên phối hợp cùng Viện Công nghiệp thông tin Đài Loan (TQ) tổ chức tại Hà Nội.
Đại diện nhà trường cho biết, đây là chương trình hợp tác giữa ĐH Khoa học Tự nhiên với các doanh nghiệp và trường đại học ở Đài Loan có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Cú "bắt tay" diện rộng
PGS.TS Phạm Nguyên Hải, khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết vài năm trở lại đây, ngành bán dẫn có sức hút mạnh mẽ, tỷ lệ xin việc rất cao và tùy vị trí, mức lương ngành này khá hấp dẫn. Thế nhưng ít sinh viên theo học ngành này.
Vậy nên, đây là lần đầu tiên, nhiều doanh nghiệp và trường đại học ở Đài Loan cùng đến đây để "săn" sinh viên với nhiều vị trí công việc, mức lương hấp dẫn.
Trả lời phóng viên, ông Oscar Lin, Quản lý Chương trình tuyển dụng tài năng, Công ty Công nghệ Micron Đài Loan cho biết, đây là lần thứ hai đơn vị này đến Việt Nam. Sau khi quan sát và tìm hiểu đào tạo, lần này công ty sẽ tuyển dụng nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với số lượng không hạn chế.
"Nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ bán dẫn trên thế giới hiện nay rất lớn và Micron cũng không ngoại lệ. Do đó, ngoài một số quốc gia, doanh nghiệp này mở rộng tuyển dụng nhân lực từ Việt Nam cùng một số quốc gia Châu Á khác với số lượng không hạn chế, nhân viên chính thức và cả đối tượng thực tập", ông Oscar Lin nói.
Cũng theo chuyên gia này, đối tượng thực tập là sinh viên năm thứ tư và sinh viên năm nhất đang học cao học. Với đối tượng thực tập, các em được cấp vé máy bay miễn phí, lương, bảo hiểm và các điều kiện sống ở Đài Loan...
Ngoài khả năng chuyên môn, doanh nghiệp này đặt yêu cầu cao về tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp, bởi đây là yếu tố quan trọng để nhân viên làm việc tại Đài Loan.
Ông Yu Sheng Winston Su, Giám đốc Chương trình đào tạo thạc sỹ công nghệ bán dẫn, ĐH Giao thông Dương Minh (NYCU) cũng cho hay, nhiều công ty ở Đài Loan cần nhân lực có kỹ năng tốt, trình độ cao để đảm nhận vị trí nghiên cứu phát triển. Trong khi đó, Việt Nam là đất nước đang phát triển, có rất nhiều nhân lực trẻ tài năng.
Chính vì vậy, cách đây 5 năm, Trường đại học Giao thông Dương Minh quyết định hợp tác với Trường đại học Khoa học Tự nhiên đào tạo nhân lực, phối hợp triển khai chương trình thạc sĩ công nghệ bán dẫn.
Nhiều em chỉ học Luật, Ngoại thương để làm giàu
Mặc dù cơ hội việc làm của ngành bán dẫn rất lớn nhưng theo PGS.TS Phạm Nguyên Hải, hiện nhiều em đổ xô học Luật, Ngoại thương với mong muốn làm giàu khiến nhiều ngành khó tuyển sinh viên hoặc không tuyển được người giỏi, gây mất cân đối nghiêm trọng.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, cho biết, ngành bán dẫn đang hot trong vài năm trở lại đây.
Đến năm 2030, toàn bộ thị trường ngành công nghệ bán dẫn sẽ chiếm khoảng 10.000 tỷ USD, rất lớn. Riêng Việt Nam đang thiếu khoảng 50.000 kỹ sư nên cơ hội việc làm ngành này rất lớn và quan trọng.
Công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành hoàn toàn mới. Một số trường đại học lớn trong nước đã triển khai đào tạo từ nhiều năm nay và nội dung về thiết kế vi mạch bán dẫn đã nằm trong các ngành gần như điện tử - viễn thông, kỹ thuật máy tính, vật lý kỹ thuật...
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh khuyến khích thí sinh tìm hiểu về ngành công nghệ bán dẫn bởi theo ông, trước mắt ngành này có nhu cầu nhân lực khá cao, cơ hội việc làm tốt.
Một chuyên gia khác của ĐH Quốc gia TPHCM cũng cho hay, hiện Việt Nam chỉ cung cấp khoảng 20% nhu cầu nhân lực cho ngành bán dẫn.
Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng kỹ sư về thiết kế vi mạch cần thêm 12.000-15.000 kỹ sư.
Tại Việt Nam, các công ty sản xuất phần mềm tập trung ở phía Nam nhưng việc sản xuất linh kiện thực sự chưa nhiều, chúng ta cần phải chuẩn bị nhân lực cho các mảng này.
"Tương lai ngành công nghệ bán dẫn sẽ "hot" như các ngành Khoa học máy tính, Kinh tế…, và có cơ hội tốt không thua kém những ngành vừa kể trên đây. Tôi cho rằng, sớm muộn một số ngành sẽ bão hòa bởi sự thay thế của AI, các nhân viên cũng sẽ dần mất việc.
Ngoài ra, các công ty lớn cũng bắt đầu vào Việt Nam nên tôi hy vọng, nhiều sinh viên có học lực tốt, thay vì vào các ngành đang bão hòa, các em sẽ chọn ngành công nghệ bán dẫn", PGS.TS Phạm Nguyên Hải nói.