Khi nữ sinh đổ xô quan tâm ngành hot công nghệ bán dẫn

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo chuyên gia, trong chuỗi tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp vừa qua, nhiều nữ sinh quan tâm đến ngành công nghệ bán dẫn, chứng tỏ ngành này đang rất có sức hút.

Khi nữ sinh đổ xô quan tâm ngành hot công nghệ bán dẫn - 1

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh trường đại học tại Hà Nội (Ảnh: Ngô Huy).

Ngành thu hút thí sinh

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp 2024, diễn ra ở ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 17/3, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, cho biết trong chuỗi tư vấn diễn ra tại một số tỉnh thành vừa qua, nhiều nữ sinh rất quan tâm đến ngành hot công nghệ bán dẫn, chứng tỏ ngành này đang thu hút đông đảo thí sinh và cơ hội việc làm trước mắt sẽ cao.

"Ngành này đang hot trong vài năm trở lại đây. Đến năm 2030, toàn bộ thị trường ngành công nghệ bán dẫn sẽ chiếm khoảng 10.000 tỷ USD, rất lớn. Riêng Việt Nam đang thiếu khoảng 50.000 kỹ sư. Như vậy, cơ hội việc làm ngành này rất lớn và quan trọng", PGS Khánh nói.

Cũng theo chuyên gia này, trước đây ngành công nghệ bán dẫn chưa phát triển, các đơn vị thường làm cả 3 công đoạn, thiết kế, sản xuất và kiểm thử. Thế nhưng do tính chất phức tạp, hiện các tập đoàn chuyên môn hóa 3 công đoạn trên. 

Từ đặc thù như vậy, nhiều trường đang mở các ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn như: Thiết kế vi mạch bán dẫn (nằm trong khối ngành điện tử viễn thông) hoặc liên quan đến chip bán dẫn (nằm trong ngành công nghệ vật liệu)…, tạo cơ hội cho các em.

Khi nữ sinh đổ xô quan tâm ngành hot công nghệ bán dẫn - 2

Năm 2024, nhiều trường đại học mở rộng tuyển sinh ngành hot công nghệ bán dẫn (Ảnh: Ngô Huy).

Được biết trong một hội thảo trước đó, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM (UIT), cho biết theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hiện nay Việt Nam chỉ cung cấp được 20% nhu cầu nhân lực.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng kỹ sư về thiết kế vi mạch cần thêm 12.000-15.000 kỹ sư.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, mỗi năm số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600.000 thí sinh nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80%, như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này cho thấy khi đăng ký nguyện vọng đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau. Qua các chương trình tư vấn, Thứ trưởng hy vọng các em chọn được ngành đào tạo và trường phù hợp nhất.

Trả lời phóng viên Dân trí, TS Thân Thanh Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết để kịp nắm bắt xu thế ngành hot, nhà trường đã chọn cách đi tắt đón đầu.

Cụ thể, sau khi sinh viên tốt nghiệp các ngành như: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông..., các em có thể học thêm một năm theo chương trình kỹ sư về thiết kế vi mạch.

"Sinh viên vốn có kiến thức nền tảng với các ngành trên đây, sau khi học thêm một năm, các em có thể hướng chuyên sâu về thiết kế vi mạch. Nhà trường cũng bắt tay với nhiều đơn vị lớn trong nước nhằm mở rộng đào tạo ngành này trong thời gian tới", TS Sơn cho biết.

Về xu thế không chỉ nam giới mà nhiều nữ sinh cũng đang rất quan tâm tới ngành kỹ thuật này, TS Sơn cho rằng, ngành nào cũng có thể phù hợp với cả nam và nữ nếu các em có đam mê và yêu thích.

Khi nữ sinh đổ xô quan tâm ngành hot công nghệ bán dẫn - 3

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh và cơ hội nghề nghiệp của Học viện Phụ nữ (Ảnh: Ngô Huy)

Chọn ngành phù hợp hay đua theo ngành hot?

Công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành hoàn toàn mới. Một số trường đại học lớn trong nước đã triển khai đào tạo từ nhiều năm nay và nội dung về thiết kế vi mạch bán dẫn đã nằm trong các ngành gần như điện tử - viễn thông, kỹ thuật máy tính, vật lý kỹ thuật... 

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, ông rất khuyến khích thí sinh tìm hiểu về ngành công nghệ bán dẫn bởi theo ông, trước mắt ngành này có nhu cầu nhân lực khá cao, cơ hội việc làm tốt.

"Tôi rất khuyến khích thí sinh tìm hiểu về ngành này nhưng quan điểm của tôi, đừng vì nó là ngành hot mà các em "chạy" vào. Trước hết, các em hãy xem mình có thích ngành đấy không, có năng lực không, có phát triển không, học phí phù hợp không, điểm chuẩn phù hợp không? Các em hãy tự xác định bản thân, sau đó mới chọn ngành", PGS.TS Khánh nói.

Về điều này, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, các em nên lựa chọn ngành sẽ gắn với nghề nghiệp sau này của mỗi cá nhân. Sự lựa chọn này không chỉ có ý nghĩa vài năm hay mười năm mà nó gắn với cả cuộc đời.

"Thực tiễn cho thấy ở mỗi giai đoạn có những ngành nổi trội lên như xu hướng thời thượng nhưng sau đó lại trở nên bình thường, đó là do sự thay đổi của nền kinh tế xã hội.

Ngành hot đó có thể phù hợp với đặc điểm cơ thể, năng lực, khí chất của người này nhưng không phù hợp với người khác. Vậy nên thí sinh cần ưu tiên tìm các ngành mà cá nhân hội tụ nhiều điểm mạnh để phát triển bản thân hơn là chạy theo xu hướng ngành hot của xã hội", PGS.TS Trần Quang Tiến nói.

Đưa ra lời khuyên cho thí sinh, TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cũng chia sẻ, thí sinh hãy cho mình nhiều cơ hội, không nên học một ngành duy nhất.

Các em nên học liên ngành, dưới hình thức nào đó để có lượng kiến thức đủ, sao cho có thể ứng phó với tương lai. Nếu các em học giỏi ở lĩnh vực nào đó, khái niệm ngành VIP hay hot không còn khó khăn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm