Ngành thiết kế vi mạch bán dẫn có gì hot mà đại học ồ ạt tuyển sinh 2024?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Đón đầu nhu cầu nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới, mùa tuyển sinh 2024 ghi nhận sự đột phá khi hàng loạt trường mở ngành học liên quan tới lĩnh vực này.

Mới đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM (UIT), cho biết theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hiện nay Việt Nam chỉ cung cấp được 20% nhu cầu nhân lực.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng kỹ sư về thiết kế vi mạch cần thêm 12.000-15.000 kỹ sư.

Ông Khang thông tin thêm, năm 2024, lần đầu tiên UIT tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch. Ở các năm học trước, thiết kế vi mạch là một chuyên ngành giảng dạy.

Ngành thiết kế vi mạch bán dẫn có gì hot mà đại học ồ ạt tuyển sinh 2024? - 1

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong một tiết học kỹ thuật (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Theo ông Khang, ngành thiết kế vi mạch là một ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong công nghiệp công nghệ cao (hi-tech industry) để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao trên thế giới.

Các sản phẩm vi mạch do những kỹ sư tốt nghiệp ngành thiết kế vi mạch thực hiện là thiết bị lõi tích hợp trong các sản phẩm công nghệ như: Điện thoại thông minh, máy tính, thiết bị giải trí trong gia đình, thiết bị gia dụng, thiết bị giải trí trong xe hơi, thiết bị điều khiển trong xe điện, thiết bị chuẩn đoán bệnh trong y khoa, thiết bị chăm sóc sức khỏe…

Sản phẩm vi mạch cũng có thể tích hợp trong các hệ thống tính toán hiệu năng cao (high performance computing - HPC), hệ thống tính toán trên cloud (cloud computing), hệ thống phân tích dữ liệu thông minh (AI data center).

Chung nhận định, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho hay công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành hoàn toàn mới.

Một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay và nội dung về thiết kế vi mạch bán dẫn đã nằm trong các ngành gần như điện tử - viễn thông, kỹ thuật máy tính, vật lý kỹ thuật... 

Trước tín hiệu về nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong thời gian tới, các đơn vị cho rằng năm 2024 là thời điểm thích hợp để phát triển chuyên ngành này thành một ngành riêng.

Điểm khó khi đào tạo ngành học này là yêu cầu về mặt công nghệ rất cao và chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm, nghiên cứu rất lớn, nhiều cơ sở giáo dục rất khó để tạo dựng, do đó, cần sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và các doanh nghiệp, TS Nguyễn Trung Nhân nhận định.

Thông tin tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn sẽ nâng tầm và vị thế của Việt Nam với thế giới.

Trong đào tạo nhân lực ngành công nghệ chip bán dẫn, cần hướng đến tư duy toàn cầu, chú trọng nghiên cứu khoa học.

Bức tranh nguồn nhân lực cho ngành được một số chuyên gia kinh tế dự báo trong khoảng 5 năm tới cần khoảng 20.000 người; 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi số nhân lực thiết kế vi mạch hiện khoảng 5.000 người.

Hàng loạt trường mở ngành thiết kế vi mạch

Trong số gần 50 trường đại học đã thông tin về phương án tuyển sinh 2024, có hơn 10 trường mở các ngành liên quan: Thiết kế vi mạch, vi điện tử - thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch bán dẫn.

Đi đầu là khối Đại học Quốc gia TPHCM với ba đơn vị là Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Công nghệ Thông tin.

Ngành thiết kế vi mạch bán dẫn có gì hot mà đại học ồ ạt tuyển sinh 2024? - 2

Đại diện trường đại học tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Tại hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam được tổ chức cuối tháng 10 năm ngoái, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân cho biết đơn vị đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.

Trong giai đoạn 2023-2030, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.

Cụ thể, các trường đại học thành viên triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Đại học Quốc gia  TPHCM sẽ xây dựng chương trình giảng dạy hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng phát triển chuyên ngành liên quan tới vi mạch thành ngành đào tạo mới mang tên thiết kế vi mạch.

Các trường đã thông báo tuyển sinh ngành này còn có Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học FPT...

Theo dự báo, khi hơn 200 trường đại học công bố thông tin tuyển sinh 2024, số lượng cơ sở giáo dục tuyển sinh ngành này sẽ tăng lên.