Đoàn giám sát của Quốc hội cảnh báo mức chiết khấu sách giáo khoa quá cao
(Dân trí) - Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mức chiết khấu đối với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay quá cao.
Vấn đề biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (SGK) còn bất cập được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu khá chi tiết tại kết luận buổi làm việc với Chính phủ về chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông".
Đoàn giám sát cho rằng, việc tổ chức triển khai biên soạn SGK để cụ thể hóa và đáp ứng các yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ GD&ĐT thực hiện; đã xây dựng được các bộ SGK để triển khai theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Về cơ bản, các bộ SGK đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, hỗ trợ việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh theo năng lực, phẩm chất.
Tuy nhiên, đoàn cũng đề nghị Chính phủ xem xét một số tồn tại.
Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rằng, việc biên soạn, thẩm định SGK còn nhiều bất cập. Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, ảnh hưởng tới trách nhiệm Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó, đoàn nhấn mạnh tới công tác quản lý, phát triển nội dung SGK; quản lý giá SGK; thực hiện chính sách xã hội với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, trang bị sách tại thư viện trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Quy định về lựa chọn SGK chưa chặt chẽ, thống nhất. Đoàn giám sát cho rằng, mức chiết khấu đối với SGK, sách tham khảo hiện nay quá cao.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tổng hợp, đánh giá hiệu quả các nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong phối hợp triển khai thực hiện; việc huy động kinh phí từ xã hội chưa đạt yêu cầu.
Đoàn cũng kiến nghị cần quản lý các rủi ro trong trường hợp không có SGK hoặc SGK không bảo đảm chất lượng, yêu cầu; quản lý giá SGK.
Thư viện các trường cần được trang bị sách; cần biên soạn sách chữ nổi cho người khiếm thị; cung cấp SGK cho học sinh và thư viện các trường thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ đánh giá về việc triển khai thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK; có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ SGK cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không.
Một số vấn đề khác cần được đánh giá như: Sự cần thiết sửa đổi định để thực hiện thống nhất việc lựa chọn SGK và giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn SGK, hướng tới để quyền lựa chọn SGK là của học sinh, giáo viên, phụ huynh.
Vấn đề khác là tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương.
Đoàn đề xuất chú trọng ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, định giá tối đa SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá SGK.
"Tăng cường công tác thanh tra việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị, tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông; quản lý chặt chẽ việc biên soạn, in ấn, phát hành, lựa chọn SGK, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc; xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm", kiến nghị của Đoàn giám sát nêu rõ.