Dư chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, TPHCM chỉ đạo xem xét tuyển bổ sung
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu đảm bảo tối đa quyền được học trường công, nghiên cứu tuyển bổ sung lớp 10 công lập.
Đây là yêu cầu được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh trong phần kết luận phiên họp kinh tế, xã hội thường kỳ tháng 7/2023, diễn ra vào ngày 1/8.
Trường công phải đảm bảo chỗ học
Báo Dân trí trước đó đã có loạt bài phản ánh về hiện tượng "Hàng ngàn học sinh bỏ suất vào lớp 10 công lập, bỏ cả trường top đầu" tại TPHCM. Theo đó, nhiều thí sinh từ chối cơ hội vào lớp 10 công lập để đi du học, theo học trường ngoài công lập hoặc chuyển hướng sang giáo dục thường xuyên.
Số liệu cập nhật tới cuối tuần trước, toàn thành phố có 71.254 trong tổng số 76.028 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập đã nhập học. Như vậy, có gần 5.000 thí sinh chưa đến nộp hồ sơ vào học lớp 10 công lập.
Chỉ đạo về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM cần chú ý vấn đề tuyến sinh đầu cấp, đặc biệt là tuyển sinh vào lớp 10.
"17h chiều nay kết thúc đăng ký, Sở GD&ĐT cần báo cáo, đánh giá, đề xuất việc gì có thể khắc phục ngay tại kỳ thi tuyển năm nay, việc gì cần nghiên cứu bài bản để thay đổi thời gian tới", Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu, tính toán số lượng trường chất lượng cao, trường điểm, khu vực bố trí trường.
Mặt khác, các trường công tại các địa bàn cần đảm bảo chỗ học cho con em người dân thành phố.
"Trường công phải đảm bảo chỗ học cho con em, đó là câu trả lời dứt khoát và không có lý do, lý lẽ nào khác", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch TPHCM lấy ví dụ, các trường ở khu vực trung tâm tuyển không đủ chỉ tiêu, trong khi một số học sinh rớt cả 3 nguyện vọng, nhưng vẫn cao hơn điểm sàn của các trường này.
Do đó, ông Phan Văn Mãi nêu nhiệm vụ cần nghiên cứu phương án tuyển bổ sung với các em này, đảm bảo tối đa quyền đi học của học sinh trên địa bàn.
Trường top đầu đạt trên 80% thí sinh nhập học
Theo thống kê tính đến 26/7 (sau 15 ngày nhập học đầu tiên), các trường chuyên, trường có điểm chuẩn cao cũng không đủ thí sinh đến nhập học.
Trong đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chỉ đạt tỷ lệ lần lượt là 81,82% và 75,68%.
Trong top 10 trường tuyển sinh hệ thường có điểm chuẩn cao nhất cũng chỉ có THPT Nguyễn Hữu Cầu đạt 100% thí sinh nhập học.
Các trường đạt tỷ lệ này trên 80% gồm: THPT Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Nguyễn Hữu Huân, Bùi Thị Xuân. Các trường còn lại đạt trên 90%.
Một số trường có tỷ lệ nộp hồ sơ thấp xếp cuối là: THPT Vĩnh Lộc B (40,63%), Nguyễn Văn Linh (61,6%), Phong Phú (61,92%), Diên Hồng (62,96%), Trung Lập (71,08%), Năng khiếu TDTT Bình Chánh (73,15%), Nguyễn Văn Tăng (74,8%), Ngô Gia Tự (80,25%), Hoàng Hoa Thám (81,84%), An Nhơn Tây (82,55%), Đa Phước (83,72%), Long Trường (86,92%),…
Thống kê này cũng cho biết, toàn thành phố chỉ có 28 trường THPT đã đạt 100% tỷ lệ học sinh nộp hồ sơ.
Dù đây mới chỉ là số liệu của 15 ngày đầu nhập học nhưng theo dự báo của các trường, con số này có ít biến động bởi nhiều học sinh từ bỏ cơ hội trúng tuyển.
Đây nghịch lý của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM - cuộc đua khốc liệt được cho là căng thẳng hơn thi đại học.
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - nhận định thực trạng học sinh trúng tuyển lớp 10 nhưng không nhập học đã xảy ra trong nhiều năm qua.
Ông cho rằng điều này cần được giải quyết bởi thực tế không ít học sinh điểm cao, khao khát được vào trường công do đặt sai cả 3 nguyện vọng. Đối tượng khác là học sinh nhà nghèo, trượt công lập phải đi học trường tư có học phí đắt đỏ.
"Chúng ta đang thiếu trường công nhưng lại thừa chỗ học. Đây là nghịch lý", ông Ngai nói.
Vì thế, ông Ngai cho rằng TPHCM có thể tính toán tới phương án tuyển bổ sung thí sinh trượt cả 3 nguyện vọng để "lấp" vào những khoảng trống do thí sinh đỗ mà không học tạo ra.
Trước đó, báo cáo gửi Bộ GD&ĐT và UBND TPHCM, phía Sở GD&ĐT cho biết một số trường ở các vùng ven có tỷ lệ nộp hồ sơ chưa cao do chưa hết thời gian nộp hồ sơ (hạn chót là 17h ngày 1/8).
Qua khảo sát hàng năm, các trường hợp thí sinh vùng ven có thể về quê hoặc bận việc gia đình vẫn chưa lên nộp.
Cùng với đó, còn một lượng học sinh nhà ở các quận trung tâm nhưng vẫn đăng ký ở các trường vùng ven nên khi trúng tuyển không thể theo học.
Theo đơn vị này, ban chỉ đạo tuyển sinh của thành phố đã nắm được tình hình các trường vùng ven có thể bị thiếu học sinh. Vì vậy, khi giao chỉ tiêu đã tăng số lượng lên để có thể giảm điểm chuẩn và tạo điều kiện cho các em xung quanh khu vực có điều kiện trúng tuyển vào các trường này.
Do đó, thực tế các trường THPT vùng ven về cơ bản vẫn đủ học sinh theo đúng kế hoạch đề ra.
Về đề xuất hạ điểm chuẩn hoặc tuyển bổ sung, sở nhận định sẽ gây xáo trộn cho việc tuyển sinh của toàn thành phố và cũng không thể giải quyết được việc thiếu học sinh ở các quận, huyện vùng ven.