"Nhồi 600 nghìn sinh viên đại học trong nội đô sẽ không có chỗ thở"
(Dân trí) - "Hà Nội hiện có gần 600 nghìn sinh viên đại học. Nếu cứ khư khư nhồi trong nội đô, sẽ không có chỗ thở. Do đó, cần mạnh dạn di dời các trường đại học ra ngoại thành", TS Lê Đông Phương nêu.
20 năm tính toán đất đai cho trường nhưng không tính nổi
Ngày 1/8, tại Đại học Thái Nguyên, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm góp ý kiến về dự thảo thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
Tại tọa đàm, nhiều lãnh đạo, đại diện các trường đại học băn khoăn, nếu tất cả các trường đều đạt được quy định 25m2/sinh viên như dự thảo chuẩn cơ sở giáo dục đại học đưa ra quá lý tưởng.
Nhưng hiện nay có bao nhiêu trường đại học ở Việt Nam đạt được tiêu chuẩn này? Lộ trình đặt ra đến năm 2030 có đạt được con số này hay không?
Đặc biệt, tiêu chí diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo hiện nay là 2,8 mét vuông, nay nâng lên 5m2/sinh viên rất khó đạt.
TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhớ lại, cách đây 30 năm, Trường ĐH Bách khoa có diện tích 26 ha, lúc đó ai cũng cảm thấy rất rộng nhưng giờ đây đã chật. Vì vậy về lâu dài, chúng ta cần có tiêu chuẩn về tỷ lệ đất và sàn trên mỗi sinh viên.
"Khi sang nước ngoài, cán bộ Việt Nam thường xuýt xoa, thế này mới là trường. Ví dụ ở Malaysia, có trường 13.000 ha đất.
Vì thế chúng tôi đưa tiêu chuẩn này vào để phục vụ quy hoạch giáo dục đại học. Đó sẽ là nền cho tất cả các tỉnh, địa phương bố trí quỹ đất cho các trường không phải xin đất.
Hà Nội hiện nay có gần 600.000 sinh viên đại học. Nếu cứ khư khư giữ trường đại học trong nội thành, sẽ không có chỗ để thở.
Đất Hà Nội và đất vàng, chúng ta không thể hy vọng mở rộng nội đô. Chỉ còn cách cơi nới, đưa đại học ra bên ngoài, ví dụ Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Ninh…. Vậy nên các thầy cô cứ mạnh dạn phát triển", chuyên gia này phát biểu.
Theo Thạc sỹ Trương Đại Lượng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ở tiêu chí 3.1 của dự thảo về diện tích đất trên một người học chính quy không nhỏ hơn 25m2/sinh viên sẽ khó thực hiện.
"Đã 20 năm qua, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tính toán về đất đai cho trường nhưng không khả thi, hết tính chỗ này đến chỗ khác nhưng không động đậy gì hết.
Do vậy, nếu giới hạn từ nay đến 2030 sẽ phải hoàn thiện tiêu chí này, tôi cho là không khả thi. Chúng tôi đồng ý với tiêu chí này nhưng nên có đặc thù", ông Lượng nói.
Giải pháp mà chuyên gia này đưa ra, nếu các trường không đáp ứng tiêu chí đất đai trên đây, tạm thời không tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm đó. Đến lúc nào trường đáp ứng được tiêu chí này, mới được tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Khư khư giữ trường ở nội thành sẽ không có chỗ thở
Tại tọa đàm, PGS.TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình Hà Nội (ĐH) cho rằng, nếu so sánh tỷ lệ đất/sinh viên/cả nước hiện có, so với tiêu chí chúng ta đề ra trong tương lai, hệ thống giáo dục đại học đang lãng phí tài nguyên. Đó là sự mất cân đối giữa hai đô thị Hà Nội, TPHCM với các tỉnh thành ở địa phương.
Cũng theo chuyên gia này, xu hướng chung, sinh viên tập trung ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TPHCM nhưng quỹ đất không nở ra được tiếp, lấy đâu ra đất cho sinh viên học.
"Nếu chúng ta có đánh giá sâu hơn nữa về tiêu chí đất đai này, các trường sẽ yên tâm hơn. Đặc biệt, chúng ta có thể áp dụng xu hướng dạy học trực tuyến, các chương trình online, sẽ không cần đến con số đất sàn trên mỗi sinh viên cao như quy định", ông Đông đề xuất.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, một số trường đại học băn khoăn tỷ lệ giảng viên là giáo sư, tiến sĩ trên mỗi sinh viên hiện còn cao nhưng đây là điều chúng ta nên làm bởi phải đào tạo có tầm chiến lược.
Nhưng các trường có thể tính toán các cách làm phù hợp hơn. Chẳng hạn, trường có 200 giảng viên nhưng 100 tiến sĩ cũng chất lượng hơn trường có rất nhiều giảng viên nhưng trình độ cử nhân.
Đồng thời thay vì đào tạo, các trường đại học có thể hút tiến sĩ ở nơi khác về cũng sẽ đạt được tỷ lệ như mong muốn.
Về quy định tối thiểu quỹ đất trên mỗi sinh viên, ông Quang cho hay, nếu ban hành được phụ lục cho trường sư phạm, trường y, trường nông lâm nghiệp có thêm đất để làm cơ sở thực hành sẽ rất tốt.
Trả lời ý kiến của đại diện các trường đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần phải đưa ra con số cụ thể về tỷ lệ m2 đất trên mỗi sinh viên và các trường phải đề xuất bởi có như thế, các địa phương mới dành quỹ đất cho các trường đại học.
Trường đại học không thể chỉ là nơi để đào tạo, đó phải là trung tâm tri thức, trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo, do vậy chúng ta không thể không có không gian để phát triển.
Dù học online, các trường đại học vẫn phải cần đất. Các trường cần phấn đấu, có đất đai sẽ có nhiều việc để làm, ví dụ hợp tác với doanh nghiệp nghiên cứu phát triển…
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí. Chuẩn cơ sở GDĐH quy định các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động của một cơ sở GDĐH làm cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDĐH, thẩm định và giám sát điều kiện hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; giảm thiểu rủi ro cho người học và các bên liên quan khác, tiền đề phát triển bền vững.
Bộ GD&ĐT dự kiến công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở GDĐH của các cơ sở đào tạo trước ngày 30/6 hàng năm, bắt đầu từ năm 2025, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động GDĐH.