Đề Sinh học THPT quốc gia: Phổ điểm sẽ ở 4- 6 vì xuất hiện dạng bài “hiếm gặp”

(Dân trí) - Theo nhận định của nhiều giáo viên đề thi Sinh học THPT quốc gia năm nay rất hay, mức độ phân hóa cao, các câu hỏi trong đề thi có mức độ khó tăng dần và điểm sẽ không cao vì xuất hiện dạng bài “hiếm gặp”.


Nhìn chung, nếu nhìn vào nội dung đề Sinh 2018 thì có thể nói rằng Bộ đã thành công trong việc biên soạn một đề thi đạt hai mục đích

Nhìn chung, nếu nhìn vào nội dung đề Sinh 2018 thì có thể nói rằng Bộ đã thành công trong việc biên soạn một đề thi đạt hai mục đích

Phổ điểm 4 - 6 sẽ nhiều

Thầy giáo Đặng Hùng Dũng – Giáo viên Trường THPT Phúc Thọ cho rằng, đề thi năm nay rất hay, mức độ phân hóa cao, các câu hỏi trong đề thi có mức độ khó tăng dần. Các câu hỏi thể hiện 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, bám sát hướng dẫn của Bộ.

Đối với mã đề 214, trong đó có 12 câu mức nhận biết; 8 câu mức thông hiểu; vận dụng 8 câu; vận dụng cao 12 câu.

Trong 40 câu đề thi năm nay có 20 câu mệnh đề, điều này rất hay vì đánh giá được năng lực học sinh rất tốt. Học sinh muốn giải quyết được những câu này phải có kiến thức tổng hợp.

Đề thi không mang tính hàn lâm mà cần có cả kiến thức về lý thuyết, thực hành và vận dụng trong cuộc sống. Ví dụ ở câu 97 yêu cầu học sinh thực hành phát hiện hô hấp thực vật, từ đó học sinh sẽ có được các kỹ năng về thực hành, nhận biết các hiện tượng xảy ra và có thể vận dụng vào cuộc sống. Hay ở câu 101, vận dụng kiến thức trong chuyển hóa vật chất và năng lượng (Sinh học lớp 11)…

Với đề này học sinh ở mức độ trung bình để xét tốt nghiệp dễ dàng đạt điểm theo nguyện vọng, phổ điểm 4-6 sẽ nhiều; còn học sinh muốn đỗ đại học phải học nghiêm túc, điểm 9-10 năm nay sẽ không nhiều.

Đề không gây bất ngờ cho học sinh. Những học sinh ở tốp đầu của Trường THPT Phúc Thọ có thể đạt 9-9,5 điểm.

Còn theo thầy giáo Thịnh Nam - giáo viên Trường THPT Đoàn, Hà Nội, đề Sinh năm nay có độ khó và tính phân loại cao hơn năm 2017. Số câu vận dụng và vận dụng cao nhiều hơn, cụ thể đề Sinh 2018 có 20 câu vận dụng (8 câu vận dụng và 12 câu vận dụng cao).

Đề có 20% (8 câu) thuộc kiến thức lớp 11, điểm đặc biệt kiến thức lớp 11 chỉ ra vào chương 1 và câu hỏi chỉ tập trung ở mức độ nhận biết (4 câu) ; thông hiểu 2 câu; vận dụng 2 câu. Phần câu hỏi vận dụng cao có 6 câu về quy luật di truyền, 4 câu về cơ chế di truyền và biến dị.

Đề không quá bất ngờ so với đề minh hoạ và xu thế chung của 2018. Đề có 20 câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi này theo thầy Nam rất phù hợp để học sinh dễ dàng đạt được 5 điểm khi nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Nhìn chung, nếu nhìn vào nội dung đề Sinh 2018 thì có thể nói rằng Bộ đã thành công trong việc biên soạn một đề thi đạt hai mục đích (xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng). Phổ điểm đề sinh năm nay, theo thầy Nam học sinh có học lực trung bình khá sẽ phân bố chủ đạo ở khoảng 6 đến 7 điểm.

Đề Sinh có tính phân loại cao nhưng không có dạng bài mới, do đó phổ điểm từ 8 đến 10 điểm sẽ phân bố khá đều. Ở đề thi này thì số thí sinh đạt 10 điểm tuyệt đối trên dưới 100 em.

Giúp các trường lựa chọn được thí sinh giỏi

Cô Trần Thị Bích Thảo - giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho rằng, nội dung đề hoàn toàn đúng với phổ kiến thức và cấu trúc trong chương trình lớp 12 và 11 theo đúng tỷ lệ số câu như đề tham khảo của Bộ GD&ĐT công bố.

Đề có sự sắp xếp từ dễ đến khó, bám sát theo đúng ma trận kiến thức, tạo tâm lý thoải mái và thuận lợi cho học sinh làm bài.

Về độ phân hóa: Sự phân hóa mức độ câu hỏi tương đối rõ ràng. Khoảng 60% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu; 40% câu hỏi còn lại ở mức độ phân hóa học sinh khá giỏi tăng dần, đặc biệt có khoảng 10% câu hỏi ở mức độ vận dụng cao hơn hẳn để phân loại, giúp các trường đại học lựa chọn thí sinh.

Những câu hỏi vận dụng cao thường rơi vào phần: quy luật di truyền, di truyền người, di truyền quần thể.

Một số câu có liên hệ thực tiễn cuộc sống, như câu 118 về di truyền nhóm máu; câu 106 về hệ tuần hoàn của người; câu 101 về chu trình ni-tơ trong khí quyển…

Một điểm cộng cho đề Sinh học năm nay là có câu thực hành thuộc kiến thức Sinh học lớp 11.

Nhận xét chung: đề năm nay rất hay, không quá lạ với học sinh, không khó để học sinh đạt được 7-8; song để đạt 9-10 điểm, yêu cầu học sinh phải có thêm về tư duy tổng hợp, ngoài kiến thức cần có kĩ năng làm bài tốt. Dự kiến năm nay sẽ có ít cả điểm 10 và điểm liệt môn Sinh học.

Xuất hiện dạng bài hiếm gặp

Theo nhận định của giáo viên Tổ Sinh học – Hệ thống giáo dục HOCMAI so với đề thi năm 2017, đề thi năm 2018 ở mức độ khó hơn hẳn, các câu hỏi vận dụng cao đặc biệt nặng về tính toán, điểm 10 chắc chắn sẽ rất hiếm. Trong đó, 20 câu đầu (50% tổng số câu hỏi) ở mức độ Nhận biết; Thông hiểu dùng cho mục đích xét tốt nghiệp. Kể từ câu 101 trở đi, các câu hỏi nâng dần về độ khó nhằm mục tiêu phân loại thí sinh, 10 câu hỏi cuối ở mức độ Vận dụng cao.

Kì thi THPT quốc gia năm 2018 bắt đầu có sự xuất hiện nội dung của chương trình Sinh học 11. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Sinh học 11 là 20 %, còn lại là chương trình Sinh học lớp 12. Trong đó, các câu hỏi thuộc chương trình 11 chỉ rơi vào Chương 1 – Chuyển hóa vật chất và năng lượng (50% là câu hỏi về thực vật, 50% câu hỏi về động vật).

Giữa các mã đề có sự lặp lại về các dạng câu hỏi và thay đổi số liệu. Đặc biệt, 50% tổng số câu hỏi về đếm mệnh đề đúng sai. Tỉ lệ này nhiều hơn so với đề thi năm 2016, 2017.

Để làm được những câu hỏi này thí sinh vừa phải có khả năng tổng hợp kiến thức; có kĩ năng xử lí phương án nhiễu đồng thời phải có phản xạ rất nhanh mới có thể hoàn thiện được. Đề xuất hiện dạng câu hỏi 3 gen cùng nằm trên 1 NST (câu 112 – mã đề 206; câu 117 – mã đề 213; câu 118 – mã đề 223). Đây là dạng bài hiếm khi xuất hiện trong đề thi những năm gần đây.

Đề thi xuất hiện câu hỏi thí nghiệm (câu 99 mã đề 206; câu 93 mã đề 205). Đây là câu hỏi thuộc phần Sinh học 11, học sinh phải liên hệ, suy luận từ kiến thức đã được học trong chương trình sách giáo khoa mới có thể xử lí được câu hỏi.

Thái Bình - Mỹ Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm