Nữ du học sinh bỏ tiền túi giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn mùa dịch
(Dân trí) - Xúc động khi đọc những câu chuyện về các hoàn cảnh thiếu thốn, Đỗ Trang Nhung (Hà Nội) bỏ tiền túi, mua nhu yếu phẩm giúp đỡ hàng chục gia đình mỗi ngày trong mùa dịch.
Nữ du học sinh một ngày cứu trợ 12 gia đình khác nhau
Tranh thủ kỳ nghỉ ở Việt Nam, Đỗ Trang Nhung (20 tuổi) đã sử dụng trang web để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Cô bạn chia sẻ: "Mình xúc động khi đọc được những câu chuyện về hoàn cảnh thiếu thốn của những người chưa từng gặp mặt, biết tên nhưng lại ở rất gần mình. Đây đã là động lực thôi thúc mình hành động, dù ít hay nhiều, để cứu trợ mọi người".
Vì việc di chuyển đến các nơi khác nhau bị hạn chế trong mùa dịch, Trang Nhung ưu tiên giúp đỡ những gia đình gần nhà, vừa thuận tiện cho họ qua lại đảm bảo an toàn.
"Sau khi tìm được người cần trợ giúp, mình sẽ chủ động liên lạc với họ qua số điện thoại rồi hẹn thời gian lấy đồ. Mình ghi lại thông tin của từng gia đình và chuẩn bị dựa trên những đồ họ còn thiếu", Nhung cho biết.
Một túi đồ cứu trợ của Nhung bao gồm 2 kg gạo, 1 kg thịt, 2 kg rau, 10 quả trứng, 10 gói mì tôm và sữa.
Vào ngày đầu tiên, cô đã liên lạc với 12 hộ gia đình để hẹn giao đồ trong ngày. Vì chỉ có một mình để chuẩn bị, từ mua lương thực, đóng gói đồ đến gọi giao hàng tới chỗ các gia đình, nên ngày giao hàng đầu tiên Nhung đã gặp rất khó khăn.
May thay, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, Trang Nhung đã vận chuyển lương thực thành công tới tay người nhận. Sau hôm đó, Nhung đã rút kinh nghiệm: "Trong những ngày tiếp theo, mình chỉ liên lạc giúp đỡ 2-3 gia đình/ngày để giữ gìn sức khỏe. Bản thân mình phải khỏe thì mới có sức để giúp đỡ nhiều người khác".
Điều khiến Nhung vui nhất trong quá trình giúp đỡ mọi người chính là khoảng thời gian sau khi các hộ gia đình nhận được đồ thiết yếu. Họ thường sẽ nhắn tin thông báo và cảm ơn Nhung ngay lập tức.
Nhung tâm sự rằng: "Vì nhận được lời cảm ơn của họ, mọi mệt mỏi trong ngày của mình dường như đều tan biến. Mình cảm thấy biết ơn vì họ thích món quà của mình và cảm thấy hạnh phúc khi biết được đối với họ, sự giúp đỡ bé nhỏ của mình là kịp thời và hữu ích".
Nhung và những gia đình được hỗ trợ cũng thường gửi nhau lời chúc sức khỏe và bình an để động viên cùng vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.
Biến khoản tiền nhỏ thành nghĩa cử lớn
Đọc được những chia sẻ của mọi người trên mạng xã hội về phương thức hỗ trợ trực tiếp "lá lành đùm lá rách" này, Nguyễn Linh Chi (24 tuổi) quyết định cũng góp một phần nhỏ khoản tiền của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn.
Linh Chi cho biết: "Trong thời gian giãn cách, mình không cần chi tiêu tới những khoản như xăng xe, cà phê, ăn trưa... nên muốn dùng khoản tiền đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những bạn làm nghề tự do bấp bênh và thất nghiệp".
Trong toàn bộ quá trình hỗ trợ, Chi cảm thấy rất thuận tiện vì người cho và người nhận được chủ động giao tiếp với nhau. Do không phải qua các bên trung gian, thời gian thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ được rút ngắn và người gửi không phải lo lắng hàng hóa bị cắt xén và thất lạc.
Hàng ngày, Chi cùng mẹ tự tay đóng gói đồ thiết yếu cho các gia đình cần hỗ trợ. Mỗi gói đồ bao gồm 3 kg gạo, 5 gói mỳ, 10 quả trứng, 5 lạng thịt, 3 hộp cá hộp, 2 mớ rau, 1 kg củ quả và sữa hoặc bột đậu dinh dưỡng.
Ngoài ra, Linh Chi cũng gửi thêm một tờ giấy nhắn nhỏ ghi: "Cảm ơn bạn đã nhận món quà nhỏ này, chúc bạn ngon miệng và nhiều sức khỏe"!
Một ngày, Chi sẽ liên hệ khoảng 9-10 trường hợp cần hỗ trợ. Có những lần liên hệ, cô nhận được lời từ chối vì một số người đã được hỗ trợ muốn nhường cho những người khác cần hơn.
Linh Chi cũng không ngần ngại chi tiền mua thêm các đồ dùng bổ sung theo yêu cầu của người nhận. Cụ thể, Linh Chi tận tay lựa chọn sữa theo yêu cầu của gia đình nhận có em bé.
Linh Chi lưu ý những người cho nếu có thể hãy hỏi thăm kĩ càng về hoàn cảnh người mình muốn giúp đỡ, tránh trường hợp trục lợi.
Từ ân nhân trở thành anh em
Một trong những người may mắn được Trang Nhung hỗ trợ chính là anh Nguyễn Tam Quyết (27 tuổi). Vì ảnh hưởng của đợt giãn cách này, Tam Quyết không thể đi làm, khó khăn về kinh tế
Anh đang sống một mình tại thành phố Hà Nội, không có người thân bên cạnh giúp đỡ. Quyết chia sẻ: "Mình may mắn gặp được em Trang Nhung cũng ở khu vực gần đó. Em đã chủ động liên hệ và hẹn mình hôm sau qua lấy đồ".
Cảm xúc của Quyết khi nhận được sự trợ giúp từ Nhung chính là sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
"Mình thấy cuộc sống còn nhiều người tốt chia sẻ với mình, giống với câu thành ngữ "lá lành đùm lá rách" mình hay nghe gần đây. Hơn tất cả, mình trân trọng sự yêu thương, chia sẻ từ mọi người", Tam Quyết tâm sự.
Cuộc trò chuyện giữa Quyết và Nhung không chỉ kết thúc ở đó. Hai người sau đó đã kết bạn và liên lạc thường xuyên với nhau. Anh Quyết không chỉ gặp được ân nhân của mình mà có thêm một người em tốt bụng.
Tam Quyết khẳng định rằng nếu trong tương lai có cơ hội, anh cũng mong có thể trợ giúp lại Trang Nhung.
Những người tham gia chiến dịch "lá lành đùm lá rách" này tin rằng tinh thần tương thân tương ái sẽ ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nhân lên nghĩa cử đẹp trong thời điểm khó khăn này.
Trang web SOSmap do nhóm công nghệ XTEK, phối hợp với Viện Khoa học Phát triển nông nghiệp nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện nhằm kết nối người dân trực tiếp giúp đỡ lẫn nhau trong mùa dịch.
Theo thông tin trên trang web này, người đăng ký tự quyết định bản thân là "người cho" hay "người nhận". Người nhận là những người khó khăn cần được giúp đỡ. Người cho sẽ lựa chọn những người nhận phù hợp với mình nhất để trợ giúp.
Nhờ có nền tảng này, nhiều cá nhân như Trang Nhung đã có hành động trợ giúp thiết thực để cứu trợ các hoàn cảnh gặp khó khăn.