(Dân trí) - Hoàng Thị Minh Thương (1991, Thái Nguyên) là cô giáo dân tộc Tày giàu nghị lực; vừa chống chọi với căn bệnh hen suyễn, vừa chăm sóc mẹ bệnh tật, nhưng cô vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà giáo.
Lớn lên không nhận được tình yêu thương của cha, bản thân từ nhỏ đã bị bệnh hen suyễn hành hạ, nhưng cô gái dân tộc Tày vẫn luôn ấp ủ giấc mơ "gieo" chữ nơi vùng núi nghèo khó.
"Tôi lựa chọn nghề giáo vì tôi yêu những đứa trẻ, yêu những đôi mắt long lanh biết nói ấy. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã quyết tâm theo đuổi giấc mơ "trồng người". Đam mê và nhiệt huyết với nghề, tôi luôn mong muốn đem những kiến thức của mình truyền tải lại cho các em", cô giáo Thương bày tỏ.
Nghề giáo giúp cô gái Tày trưởng thành hơn từng ngày, rèn luyện tính kiên nhẫn, sự bản lĩnh và chủ động trong công việc. Đặc biệt, ở một vùng đồi núi nghèo, thứ lớn lao và quý giá nhất nhà giáo ấy nhận được chính là tình cảm chân thành từ học sinh và phụ huynh.
"Trường THCS Hợp Thành, nơi tôi đang công tác nằm trên địa bàn xã khó khăn của huyện Phú Lương, vậy nên cuộc sống của người dân còn rất khó khăn, nhiều em gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, cả trường chỉ có đúng một cái máy chiếu; nếu muốn dạy máy thì phải đăng kí trước một tuần với nhà trường, vì thế việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học còn rất hạn chế.
Tuy vậy, nhưng các em học sinh nơi đây luôn gần gũi với thầy cô, chăm học và rất lễ phép. Chúng tâm sự và chia sẻ với tôi như người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng hết sức nhiệt tình, nồng hậu. Đó có lẽ là niềm vui lớn nhất của tôi trong nghề", cô giáo dân tộc Tày chia sẻ.
Chia sẻ về cơ duyên đến với bộ môn Lịch sử, cô giáo Thương bộc bạch rằng bản thân đã yêu thích môn học này từ cấp 3, luôn tò mò và hứng thú muốn tìm hiểu về quá khứ của đất nước và thế giới.
Với cô, Lịch sử là một môn học thú vị, giúp các bạn học sinh biết trân trọng cuộc sống hòa bình hiện tại, hiểu rõ nguồn gốc của tổ tiên và khơi gợi lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt, học Lịch sử không chỉ là tiếp thu lý thuyết thuần túy mà từ đó các em học sinh có thể rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai.
Hơn 8 năm bám nghề "gieo" chữ, cô giáo dân tộc Tày gặp không ít những khó khăn liên tiếp, dồn dập.
Năm cô học cấp 3, gia đình phát hiện mẹ cô Thương bị bệnh suy thận. Cho đến khi cô đỗ Đại học Sư phạm Thái Nguyên, bệnh của người mẹ ngày càng trở nặng, một tuần phải chạy thận 3 lần.
Khó khăn chồng chất khó khăn, mức lương của một giáo viên hợp đồng không thể đủ cho cô giáo trẻ trang trải cuộc sống cùng căn bệnh hen suyễn quái ác. Cô đã phải làm thêm rất nhiều công việc khác nhau, kể cả công việc chân tay như đi cấy thuê hay hái chè thuê.
Khi đến lớp, để có những giờ dạy tốt, nhà giáo ấy bỏ qua tất cả những phiền muộn, những lo toan trong cuộc sống cá nhân để toàn tâm toàn ý mang tri thức đến cho lũ trẻ.
"Với cuộc sống quá nhiều khó khăn, trắc trở, đôi lúc tôi đã từng nghĩ đến việc bỏ nghề, nhưng tâm huyết tôi dành cho sự nghiệp "trồng người" và tình yêu với lũ trẻ đã giữ tôi ở lại và tiếp tục những bước đi của một nhà giáo.
Dù vậy, bệnh tật vẫn là một chướng ngại vật lớn của tôi những ngày đứng lớp. Căn bệnh hen suyễn có thể tái phát bất kì lúc nào, ngay cả lúc tôi đang giảng dạy. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh luôn phải đeo khẩu trang giảng bài, tôi thường phải cho học sinh nghiên cứu bài rồi ra ngoài xịt thuốc và hít thở không khí, tầm 5 tới 10 phút khi dễ thở hơn tôi mới có thể tiếp tục bài giảng", cô giáo Thương tâm sự.
Trong thời gian học sinh phải ngừng đến trường và học trực tuyến. Bản thân cô phải sắp xếp thời gian hợp lý để vừa làm tròn trách nhiệm của người giáo viên vừa làm tròn bổn phận của một người con, người vợ, người mẹ. Đôi vai nhỏ bé nhưng kiên cường và giàu nghị lực.
"Nhiều em gia cảnh khó khăn, không có điện thoại thông minh để tham gia học, tôi đã in bài, câu hỏi và mang tới tận nhà cho từng bạn rồi nhờ các tình nguyện viên của xóm, xã thu bài; sau đó, tôi chữa và gửi lại cho các em.
Bên cạnh đó, cũng có một số bạn do tham gia học giờ cao điểm, mạng kém, không học được, tôi đã dành thời gian vào các buổi trưa hoặc tối muộn để trao đổi và hướng dẫn thêm cho các em", cô giáo Thương chia sẻ.
Trong suốt quá trình công tác, cô nhớ nhất câu chuyện của Ma Nguyễn Tiến - cậu học trò thay đổi ngoạn mục ở tích cách.
Cô kể: "Năm 2016-2017, tôi được phân công làm công tác chủ nhiệm, Tiến là học sinh lớp tôi. Cậu bé nghiện chơi điện tử, vi phạm nhiều quy định của trường lớp nhưng không hợp tác với giáo viên để sửa đổi.
Sau đó, tôi quyết định tới nhà Tiến, tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh của em với ngôi nhà lụp xụp trong núi sâu. Theo đó, tôi được biết em sống với bố và không nhận được sự chăm sóc chu đáo. Tiến cũng tâm sự thẳng thắn với tôi. Em kể nhiều hôm đói nên hai bố con đi trộm gà của hàng xóm về ăn, vừa đáng trách, vừa đáng thương.
Đợt ấy, tôi tâm sự với em rất nhiều về cuộc sống, về những khó khăn tôi đã trải qua, động viên em cố gắng "bám" con chữ để thành công sau này. Bên cạnh đó, tôi cũng an ủi, khích lệ bố của Tiến cùng nhà trường chăm lo và giúp đỡ em học tập tốt.
Nhờ có sự ủng hộ của mọi người mà cuộc sống của 2 bố con bớt khó khăn hơn rất nhiều. Tiến cũng đã thay đổi, tập trung học hành khiến tôi rất vui".
Sau này, Tiến không còn ham chơi điện tử. Vào ngày 20/11 năm đó, sau khi tan trường, cậu học trò nhỏ đứng lấp ló sau cửa và ngập ngừng tặng cô giáo Thương hai mươi quả trứng gà nhà nuôi được. Giây phút đó, tôi xúc động vô cùng; thấy công sức nhỏ bé của mình đã góp phần giúp thay đổi một đứa trẻ.
Món quà quê đơn sơ, giản dị nhưng vô giá. Thấy Tiến tiến bộ, thay đổi và chăm ngoan hơn, tôi cảm thấy hạnh phúc. Đó chính là niềm vui khó tả của những cô giáo "gieo" chữ vùng núi như tôi".
Ngày lễ dành cho các nhà giáo năm nay, cô giáo Hoàng Thị Minh Thương cũng được vinh danh là một trong những giáo viên tiêu biểu vượt khó trong thời kỳ dịch bệnh tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức.