Bạn đọc hiến kế đổi mới giờ dạy Văn

(Dân trí) - Đọc những bài viết trao đổi của giáo viên dạy Văn về thực trạng dạy môn Văn ở các trường phổ thông hiện nay, một Bí thư Đoàn trường THPT ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) gửi ý kiến đến ban Giáo dục báo <i>Dân trí</i> đề xuất phương pháp để giờ dạy Văn có hồn hơn.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

 

Bao giờ cho đến ngày xưa... Nhưng ngày xưa của em cách đây đã gần 20 năm rồi, nhưng những lời văn, phong cách của thầy cô giáo dạy Văn cấp THPT ngày ấy bây giờ em vẫn nhớ. Đó là tính lãng mạn, là sự thăng hoa trong từng giờ dạy, là phong cách nhẹ nhàng trong từng lời nói… Tuy mỗi thầy cô có các mạch văn khác nhau, nhưng em cảm nhận được các thầy cô yêu văn và tình yêu ấy đã lây sang thế hệ học trò chúng em.

 

Ngày nay thì các thầy cô đã mất đi nhiều điều như vậy.

 

Em cho rằng các thầy cô đã đưa giờ Văn đi đến:

 

- Thực tế hóa trong mỗi giờ dạy: Học sinh không phải lãng mạn, bay bổng trong lĩnh hội văn học nữa mà đôi khi được tiếp xúc với ngôn ngữ quá đời thường của cuộc sống “đứa này, con kia…”. Cô giáo dạy Văn thì vì thực tế của cuộc sống đã tạm quên đi tính lãng mạn…, hoặc một số thầy cô giáo làm thầy cô giáo dạy Văn trong khi không có tình yêu với môn này thì các thầy cô cũng không thể làm cho giờ học sinh động hơn…

 

- Chương trình môn Văn trong giáo dục phổ thông rất nặng nề, lại đòi hỏi nghiêm ngặt về chuẩn mực của khung giáo án, tiết dạy thêm, tự chọn, theo phân phối chương trình chính khóa nhiều. Do đó các thầy cô dạy Văn hầu như mỗi ngày phải soạn từ 1 đến 2 giáo án, vậy thì thời gian đâu các cô đầu tư chuyên môn gắn với đời sống gia đình? Điều này thì em tin các thầy cô giáo ngày xưa của em cũng “ngán ngẩm” với chương trình dạy Văn ở cấp THPT hiện nay.

 

- Do sự đa dạng thông tin: Học sinh chưa kịp cảm thụ văn học, chưa kịp thấy được cái hay, cái đẹp qua mỗi bài văn thì nào là tin nhắn với các ký tự mà chỉ các em mới hiểu, nào là tiếp xúc với mạng xã hội, với các thể loại ngôn ngữ của những người xung quanh và các trò vui chơi giải trí khác… Nói tóm lại, cảm thụ văn học không thể nhanh như cà muối xổi được.

 

Em là một giáo viên không dạy Văn, không chọn khối C để thi Đại học, nhưng mà em lại thích Văn vì đó là: “Nét chữ nét người”; “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, là văn hóa của mỗi con người, giúp con người được gần nhau hơn. Em mong các giờ Văn lại trở lên có hồn hơn bằng cách:

 

Dạy học nêu gương: Các thầy cô giáo phải làm gương, phải yêu và thổi hồn cho học sinh tình yêu văn học.

 

Dạy học phân luồng học sinh: Tùy thuộc vào trình độ học sinh mà quy định số lượng giờ học, kiến thức yêu cầu tối thiểu và tối đa cho từng đối tượng học sinh.

 

- Quy định soạn giáo án cũng không nhất thiết phải nhất nhất theo quy định chung mà phải phụ thuộc vào đặc thù của mỗi bài văn, yêu cầu nội dung từng bài học.

 

Kính mong được xem xét nghĩ suy.

 

Phạm Minh Tuân

Bí thư Đoàn Trường THPT Sơn Nam (Sơn Dương, Tuyên Quang)

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!