5 thói quen phổ biến phụ huynh nên tránh khi nuôi con
(Dân trí) - Bà Amy McCready - chuyên gia người Mỹ tư vấn phương pháp nuôi dạy trẻ - với hơn 15 năm kinh nghiệm, đã chia sẻ 5 cách dạy con mà bà... không bao giờ áp dụng.
Theo bà Amy McCready, có những phương pháp thường được phụ huynh áp dụng nhưng có thể gây hại cho trẻ. Dù 5 phương pháp dưới đây rất phổ biến trong các gia đình trên khắp thế giới, nhưng thực tế lại không giúp ích cho việc rèn luyện hành vi hay hình thành tư duy lành mạnh ở trẻ.

Bà Amy McCready - chuyên gia người Mỹ tư vấn phương pháp nuôi dạy trẻ (Ảnh: DM).
Thưởng tiền cho trẻ khi làm việc nhà
Theo bà McCready, trả công cho con khi làm việc nhà có thể gây hại đối với ý thức trách nhiệm của trẻ về dài hạn. Trẻ sẽ nghĩ rằng chỉ nên làm những việc này nếu nhận được phần thưởng.
Điều này làm mất đi động lực nội tại ở trẻ, chẳng hạn như tinh thần trách nhiệm đối với việc chung, ý thức san sẻ, hỗ trợ với người thân, tinh thần hợp tác, sự kiên nhẫn trong công việc...
Trong khi đó, đây là lại là điều phụ huynh đang muốn bồi đắp ở trẻ khi khuyến khích trẻ làm việc nhà. Bà McCready nhấn mạnh rằng việc nhà nên được nhìn nhận là sự chung tay đóng góp của mỗi thành viên dành cho gia đình, thay vì những giao dịch, những "mặc cả" về lợi ích, tài chính.
Phạt úp mặt vào tường hoặc bắt ngồi im một mình

Trẻ không nên bị phạt úp mặt vào tường hoặc bắt ngồi im một mình (Ảnh minh họa: DM).
Dù hình phạt này khá phổ biến, nhưng bà McCready cho rằng phương pháp kỷ luật này không dạy trẻ cách sửa sai mà còn gây phản tác dụng. Cụ thể, phương pháp này làm xói mòn mối liên kết giữa cha mẹ và con cái, tạo ra cuộc chiến quyền lực ngầm giữa đôi bên, khiến trẻ thêm giận dữ, cha mẹ thêm mệt mỏi.
Thay vào đó, chuyên gia McCready khuyến khích phụ huynh không bỏ con lại một mình để con tự ngẫm nghĩ về lỗi sai của bản thân. Ngược lại, phụ huynh nên ở bên con, giúp con bình tĩnh lại và hướng dẫn con cách hành xử đúng.
"Đóng khuôn" trẻ, dù là khen hay chê

Khen hay chê con không đúng cách đều gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ trong quá trình phát triển (Ảnh minh họa: DM).
Khi khen con là ngoan ngoãn, thông minh, chăm chỉ nhất nhà, hay chê con là bướng bỉnh, chậm hiểu, lười biếng hơn các anh chị em khác, phụ huynh đều đang gây hại đối với tâm lý của con.
Khi trong nhà có từ 2 con trở lên, việc cha mẹ đưa ra những khen chê kiểu này sẽ tạo ra sự so sánh, cạnh tranh giữa các con. Trẻ không được khen sẽ cảm thấy mình kém cỏi, ngại ngần thử nghiệm ở những "địa phận" đã được anh chị em khác trong nhà "thống trị".
Ngay cả với trẻ được khen, điều này cũng vô tình tạo áp lực về sự hoàn hảo, khiến trẻ luôn tập trung vào việc phải được tiếp tục khen và duy trì "danh hiệu" mà cha mẹ vốn dành cho mình. Để tạo nên sự động viên tích cực, cha mẹ nên khen ngợi sự nỗ lực, bền bỉ, tiến bộ ở con, khi con hoàn thành tốt một việc gì cụ thể.
Ép trẻ ăn hết bữa chính mới được ăn đồ ăn vặt

Thói quen ăn uống và cảm nhận về đồ ăn được hình thành từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ (Ảnh minh họa: DM).
Chuyên gia McCready phản đối việc dùng các món đồ ăn vặt như một dạng phần thưởng để ép trẻ ăn hết bữa chính. Việc này dễ khiến trẻ hình thành tư duy sai lệch rằng đồ ăn vặt, đồ ngọt là "phần thưởng", còn đồ ăn tốt cho sức khỏe trong bữa chính là "hình phạt".
Tư duy này sẽ khiến trẻ hình thành thói quen ăn uống không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng tới cảm nhận của trẻ về các loại đồ ăn ngay cả khi đã ở tuổi trưởng thành, bởi những ký ức và xúc cảm có từ thuở nhỏ.
Đánh đòn

Đánh đòn là phương pháp mà bà McCready không bao giờ áp dụng với các con (Ảnh minh họa: DM).
Cuối cùng, chuyên gia McCready nhấn mạnh bà tuyệt đối không bao giờ dùng đến roi vọt để kỷ luật con. Bà McCready lấy dẫn chứng rằng một số nghiên cứu cho thấy hình phạt bằng đòn roi làm tăng mức độ hung hăng ở trẻ, khiến trẻ có xu hướng nói dối chối tội để tránh bị phạt. Hành động phạt đòn cũng làm tổn hại đến mối quan hệ cha mẹ và con.
Thay vì học được cách hành xử tốt hơn để cải thiện bản thân, trẻ sẽ rơi vào trạng thái hoảng sợ, thậm chí phản ứng hung hăng, tiêu cực khi bị cha mẹ phạt đòn. Trạng thái này khiến trẻ "đóng cửa" với mọi bài học tích cực đáng lẽ cha mẹ có thể giúp con tiếp thu, nếu con không bị phạt đòn.
Sau cùng, bà McCready kết luận rằng không có bậc phụ huynh nào hoàn hảo, nhưng việc cố gắng tránh những cách dạy con sai lầm sẽ giúp cha mẹ nuôi dưỡng con tốt hơn.