20/11, ngày hội tôn vinh những “chiến sĩ thầm lặng”

(Dân trí) -Hôm nay 20/11, cả nước tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong dịp này, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những lời động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo cả nước. Đây cũng là dịp học trò tri tri ân các thế hệ thầy cô giáo.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2094/30-nam-gay-ha-giao-V.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; 30 năm Ngày Nhà giáo VN</b></a>

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo Việt Nam tính đến năm học 2012-2012, trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo trực tiếp đứng lớp là gần 1,2 triệu người. Trong đó, giáo viên mầm non có 229.274 người, giáo viên phổ thông có 804.183 người; giáo viên trung cấp chuyên nghiệp có 19.956 người cùng hơn 81.000 giảng viên các trường ĐH, CĐ.
 
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày nhà giáo VN 20/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 40 nhà giáo và phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 570 nhà giáo.
 
Dự lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú năm 2012, GS Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nước đã có những lời chia sẻ với ngành giáo dục: “Biết bao thế hệ các thầy, cô giáo đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ đào tạo cho đất nước lớp lớp những nhà khoa học, những nhà lãnh đạo, những công dân tài ba… đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Có những nhà giáo ngày đêm cắm bản, cắm trường, bám lớp ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi; hi sinh thầm lặng, miệt mài, tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Có những nhà giáo gắn bó với các em câm, điếc, mù lòa, khuyết tật… giảng dạy với các em bình thường đã khó, với người khuyết tật thì khó khăn, vất vả hơn nhiều”.
 
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ người thầy vẫn không ngừng lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng. Đặc biệt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, các thầy giáo, cô giáo đã đem hết tình cảm và trí lực để “Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực - Bồi dưỡng nhân tài”, đóng góp quan trọng cho sự phát triển, đi lên của đất nước” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, với tất cả tấm lòng và nhiệt huyết, hầu hết thầy cô đã gắn bó cả cuộc đời với nghề nghiệp. Đây chính là cội nguồn của sức mạnh, của tinh thần đoàn kết, thống nhất làm nên những thành tích vẻ vang của giáo dục Việt Nam suốt mấy thế kỷ qua. Sức mạnh và tinh thần đoàn kết, thống nhất đó chính là động lực thúc đầy đội ngũ nhà giáo tiếp tục phấn đấu, thực hiện thằng lợi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, làm sáng danh thiên chức Nhà giáo Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng danh hiệu NGƯT cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phong tặng danh hiệu NGƯT cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Bên cạnh đó, vai trò, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nươc về giáo dục đào tạo ngày càng được khẳng định, tác động tích cực đến tới sự nghiệp đổi mới, phát triển của ngành, bước đầu tạo được những nhân tố mới trong giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục “vùng trũng” được nâng lên, chất lượng giáo dục “đỉnh cao” có những khởi sắc và tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng.

“Công lao này, ngoài sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội thì trước hết thuộc về đội ngũ thầy giáo, cô giáo và những người làm quản lý giáo dục. Các thầy cô đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, tạo tiền đề bứt phá, đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các nhà trường” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.

Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, đứng trước yêu cầu đổi mới, bản chất nghề nghiệp đòi hỏi người thầy phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức phẩm chất chính trị, đạo đức người thầy. Mỗi thầy cô, mỗi cán bộ quản lý giáo dục mà trước hết là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú phải là tấm gương sáng về đạo đức, về tinh thần tự học và sáng tạo, về trình độ và năng lực, về lòng yêu nghề; về sự quan tâm, yêu thương đối với thế hệ trẻ; về tinh thần tận tụy và trách nhiệm trong công việc để đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, phát triển tư duy, trí tuệ cho học sinh.

Trước đó, trong cuộc gặp những nữ giáo viên đang công tác ở vùng khó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Nghề giáo là một nghề rất thầm lặng, đây là đóng góp cần phải có sự hy sinh và chia sẻ. Những cô giáo ở những vùng khó khăn thì càng là những người thầm lặng, chia sẻ nhiều hơn nữa”.

“Hiện nay dân số của chúng ta là 87 triệu người, đến 2020 khoảng 99 triệu người, trong đó lực lượng trẻ có đào tạo là lợi thế chính của Việt Nam trong việc cạnh tranh toàn cầu và các cô chính là những người tạo nên nền tảng đó cho các em. Chúng tôi cũng rất mong, nhân dịp 20/11 năm nay thì cấp ủy chính quyền các cấp tiếp tục rà soát lại sự quan tâm, biện pháp đầu tư của địa phương mình cho giáo dục nhất là các tỉnh miền núi và hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Trong niềm vui và niềm tự hào về nghề giáo ngày hôm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng gửi tới toàn thể các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước lời cảm ơn chân thành về những đóng góp to lớn cho sự nghiệp GD-ĐT nước nhà, góp phần quan trọng vào quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Bộ trưởng mong rằng, các thầy cô giáo luôn phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt”, cống hiến hơn nữa sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người”, góp phần tạo nên sự đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng trân trọng đề nghị các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước phát huy truyền thống và thành tựu đã đạt được, nghiêm khắc tự nhìn nhận lại bản thân và tập thể của mình, tự gột rửa và sửa chữa những khuyết điểm yếu kém, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp sức mình vào công cuộc đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ và sâu rộng của giáo dục nước nhà, đáp ứng kỳ vọng của Đảng và nhân dân.
 
Nhân dịp 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2012), tại nhiều địa phương trong cả nước diễn ra các hoạt động kỷ niệm ngày tri ân các thầy cô giáo. Các thế hệ học trò đã chúc mừng những người thầy cô của mình với những tình cảm biết ơn sâu sắc.

Trong không khí cả nước kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2012), chiều ngày 19/11, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An đã tổ chức trọng thể lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 13 giáo viên, cán bộ quản lý của các trường THPT, ĐH - CĐ trên địa bàn tỉnh. Đây là 13 cá nhân có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong tổng số 570 cá nhân trên cả nước vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trao bằng và gắn huy hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 13 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vì đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Nghệ An: Vinh danh 13 nhà giáo ưu tú
Đến nay, Nghệ An đã có 166 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân. (Ảnh: Doãn Hòa)

Trước đó, sáng ngày 19/11, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng đã long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm ngày nhà giáo Việt Nam. Trong năm học vừa qua, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tiếp tục là một trong những trường dẫn đầu cả nước về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, với 70 học sinh đạt giải quốc gia, 9 em dự thi vòng 2 chọn học sinh dự thi Olympic quốc tế, đưa Nghệ An tiếp tục là tỉnh nằm trong tốp đầu về học sinh giỏi quốc gia.

Lễ kỷ niệm 30 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để thầy trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ôn lại truyền thống vẻ vang và quyết tâm xây dựng trường phát triển, xứng đáng với niềm tự hào của đất học xứ Nghệ. Dịp này, nhà trường có một giáo viên được công nhận là Nhà giáo Ưu tú, hai thầy cô giáo được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu khác.

Sáng 19/11, Sở GD-ĐT Quảng Bình đã tổ chức lễ trao tặng 5 danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 4 tập thể, 4 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều tập thể và cá nhân được Bộ GD-ĐT tặng thưởng cờ thi đua, bằng khen, giấy chứng nhận...

Tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định vị trí, vai trò của ngành GD-ĐT và lương tâm và trách nhiệm của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn đổi mới hiện nay, đồng thời biểu dương những thành quả mà ngành GD-ĐT đã đạt được, những cống hiến to lớn của đội ngũ nhà giáo ưu tú, nhà giáo lão thành và toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng yêu cầu ngành GD-DT tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho nội dung đổi mới và nâng cao hiệu lực công tác quản lý giáo dục, coi đây là khâu đột phá; tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, sắp xếp hệ thống mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, ngành học; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các đề án đã được phê duyệt để mang lại hiệu quả cao nhất...
 
Quảng Bình: Trao tặng nhiều danh hiệu Nhà giáo ưu tú
Trao thưởng nhiều danh hiệu cao quý cho các Nhà giáo ưu tú trong buổi kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Đăng Đức)
 
Sáng 19/11, tại Hội trường ĐH Huế đã diễn ra lễ gặp mặt nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2012

Nhà giáo ưu tú, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc ĐH Huế đã đọc bài phát biểu cảm xúc về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng thời giới thiệu các thế mạnh của ĐH Huế, và tri ân đến các thế hệ thầy giáo đã cùng góp sức cho ĐH Huế phát triển.

Rất đông thầy cô giáo là giảng viên khối ĐH Huế gồm các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc và phân hiệu đến tham dự buổi lễ trong không khí nồng ấm. Đợt này, ĐH Huế đã trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 1 giáo viên và Nhà giáo ưu tú cho 16 giáo viên.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú tới 16 nhà giáo.
ĐH Huế trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú tới 16 nhà giáo. (Ảnh: Đại Dương

Tại Bình Định, ngày 19/11, hòa chung trong không khí nồng ấm của cả nước, Sở GD-ĐT đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và 50 năm giáo dục giải phóng thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Dự lễ có đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều thầy cô giáo nguyên là lãnh đạo, chuyên viên Sở GD-ĐT, Nhà giáo ưu tú và thân nhân 40 liệt sĩ trong ngành GD-ĐT thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Minh - giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định truyền thống mà ông cha ta để lại là nền tảng vững chắc để ngành GD-ĐT của tỉnh ngày càng phát triển, hoàn thành nhiệm vụ nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới.
 
Nhân dịp này, Sở GD-ĐT đã công bố quyết định của Bộ GD-ĐT truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho 40 nhà giáo-liệt sĩ; tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục cho 876 nhà giáo trong toàn tỉnh. Ông Trần Văn Quý, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba; 4 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.
 
Trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều danh hiệu Nhà giáo ưu tú tại buổi lễ kỷ niệm
Sở GD-ĐT Bình Định trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều danh hiệu Nhà giáo ưu tú tại buổi lễ kỷ niệm. (Ảnh: Doãn Công)

Sáng 19/11, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và 50 năm Giáo dục thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã công bố Quyết định của Bộ GD-ĐT Truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 3 nhà giáo Liệt sỹ.

Theo đó, 3 nhà giáo liệt sỹ tại tỉnh Đắk Lắk được Bộ GD-ĐT truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo quyết định số 4179/QĐ-BGDĐT, gồm: nhà giáo Trần Văn Chắc (tức Trần Chắc), quê quán tỉnh Quảng Nam, hy sinh năm 1972 tại Phú Yên; nhà giáo Nguyễn Thị Nhâm, quê quán tỉnh Quảng Nam, hy sinh năm 1972 tại Đắk Lắk và nhà giáo Lê Văn Khả, quê quán tỉnh Quảng Nam, hy sinh tại Đắk Lắk.

Ngoài ra tại buổi lễ, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đã công bố quyết định khen thưởng, tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho 38 tập thể đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua, năm học 2011-2012, được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khen tặng.

Truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 3 nhà giáo Liệt sỹ
38 tập thể đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc trong phong trào thi đua, năm học 2011-2012, tại buổi lễ. (Ảnh: Viết Hảo)
 
Nhóm PV
Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN