10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2018
(Dân trí) - Luật Giáo dục đại học được bổ sung, sửa đổi; Lần đầu tiên, hai đại học Việt Nam lọt vào top 1.000 thế giới; Học sinh Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế... - đó là những thời sự giáo dục nổi bật trong năm 2018.
1. Quỹ Khuyến học cả nước lên tới 3.833 tỷ đồng
Trong năm 2018, công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội Khuyến học tiếp tục phát triển, số chi hội Khuyến học, Ban Khuyến học đều tăng ở khắp các địa phương nhất là các cơ quan, trường học, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng và các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Tính đến giữa tháng 12 năm 2018, số Hội viên khuyến học cả nước đã lên tới hơn 18 triệu hội viên, chiếm khoảng 20% dân số cả nước.
Năm 2018, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, hầu hết các tỉnh đã sơ kết 3 năm triển khai việc thực hiện các mô hình học tập, kết quả đã vượt kế hoạch được qui định trong lịch triển khai Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục tổ chức đa dạng các loại hình học tập cho người lớn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn.
Trung ương Hội và nhiều Hội Khuyến học địa phương đã tích cực triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học như xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mô hình học tập các cấp hành chính, mô hình công dân học tập, thành phố học tập (thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An , Phú Thọ...) qua thực tiễn rất nhiều tỉnh, thành Hội đã góp ý cho các tiêu chí "Đơn vị học tập", tạo điều kiện giúp Bộ GD-ĐT triển khai tiếp Đề án 281.
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 6 (khóa V) ngày 26/12/2018.
Cũng trong năm 2018, hợp tác song phương và đa phương giữa Hội với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... đã giúp cho sự nghiệp khuyến học có một vị thế cần thiết trong xã hội.
Mặc dù năm 2018, các tỉnh miền Trung, miền núi gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của bão lụt, nhưng Quỹ khuyến học của cả nước tiếp tục tăng mạnh, tổng số tiền trong các Quỹ khuyến học là 3.833 tỷ, bình quân 41.296 đồng/1 người dân.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 4, khóa V. Hội nghị đã bầu bổ sung Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vào Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2016-2021.
2. Bộ GD-ĐT công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới
Chiều 27/12, Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Theo Bộ GD&ĐT, chương trình GDPT mới sẽ có thay đổi, trong đó vừa kế thừa vừa phát triển những ưu điểm của chương trình GDPT hiện hành.
Theo đó, chương trình GDPT mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành là giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.
Cùng với việc xây dựng chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT đã xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT; biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục để thực hiện chương trình GDPT mới; tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện thành công chương trình.
3. Gian lận nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia
Ngày 11/7/2018, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018 của hơn 900.000 thí sinh. Điểm giỏi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bất ngờ tăng vọt, trong khi đây đều là những tỉnh vốn có tỷ lệ học sinh bỏ học cao và tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhất cả nước.
Vào cuộc điều tra, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an phát hiện hàng trăm bài thi có can thiệp điểm số ở Hà Giang và Sơn La. Nhiều bài thi trắc nghiệm ở Sơn La và Hòa Bình có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng không khôi phục được bài gốc.
Chiều 17/7, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Giang họp báo công bố về điểm thi bất thường trong kì thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh: Kiên Trung)
Bộ GD-ĐT cho biết, trong sai phạm thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, đã phát hiện chính thức xử lý 11 người theo đúng quy định của pháp luật, xử lý với 151 trường hợp thí sinh theo quy chế và tới đây còn làm tiếp. Trong đó, tổng cộng 11 cán bộ giáo dục, nhà giáo đã bị xử lý kỷ luật, bắt giam. Đầu tháng 12, Bộ GD-ĐT đã đưa ra phương án thi THPT quốc gia cho năm 2019, với những điều chỉnh kỹ thuật nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực.
4. Tăng đột biến số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017
Ngày 2/2/2018, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2017. Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước.
Nhận định về số lượng tăng đột biến này, GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐCDGSNN cho rằng trong năm 2017, ngày hết hạn nộp hồ sơ lùi lại nửa năm, theo đó, các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên... cũng được lùi lại nửa năm.
Tâm lý chung nữa là năm nay có sự thay đổi về quy chế phong GS,PGS nên các ứng viên mong muốn mình đi về “chuyến tàu chót mang số hiệu 174 - (Quyết định 174)”.
Trước ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS tăng đột biến so với các năm trước, ngày 8/2/2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN Phùng Xuân Nhạ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018.
Để đảm bảo khách quan trong quá trình rà soát ứng viên chức danh GS, PGS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, HĐCDGSNN đã thành lập Tổ công tác độc lập để kiểm tra hồ sơ các ứng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017.
Chiều ngày 5/3/2018, Chủ tịch HĐCDGSNN Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định công nhận chức danh GS, PGS tới 1.131 hồ sơ ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 mà HĐCDGSNN đã thông qua bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, không có đơn thư tố cáo.
Ngày 31/8, Thủ tướng ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS với nhiều tiêu chí cụ thể, khắt khe hơn. Đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đầu tiên theo Quyết định 37 sẽ bắt đầu vào năm 2019.
5. Hàng loạt vụ bạo hành thể chất, tinh thần học sinh
Trong năm 2018, tại các trường học xảy ra nhiều vụ bạo hành thể chất, tinh thần học sinh khiến dư luận bức xúc. Có thể kể đến một số vụ nổi cộm như cô giáo tiểu học ở Hải Phòng bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng; cô giáo THPT ở TPHCM lên lớp gần 4 tháng mà không giảng bài; cô giáo ở Quảng Bình “chỉ đạo” cả lớp tát một học sinh lớp 6 tổng cộng 230 cái tát vì bị cho là “nói bậy”, và cô tát thêm 1 cái nữa, khiến học sinh này phải nhập viện.
Trước những vụ giáo viên bạo hành học sinh, các chuyên gia, nhà giáo dục nhận định, nguyên nhân đến từ nhiều phía: do trình độ, năng lực, hoàn cảnh, tính cách cá nhân của giáo viên; do áp lực mặt trái của “bệnh thành tích”; do thiếu vắng vai trò của tâm lý học đường…
Trong khi học sinh bị giáo viên bạo hành về thể xác và tinh thần thì giáo viên cũng trở thành nạn nhân của phụ huynh. Điển hình là phụ huynh ở Long An đến trường phản ứng, bắt cô giáo quỳ gối suốt 40 phút vì cô đã phạt học sinh lớp 4 quỳ gối. Hay như vụ một nữ phụ huynh vào tận trường học ở Bạc Liêu chửi mắng và quay clip đăng Facebook xúc phạm thầy giáo vì thầy cho học sinh vứt cái quần của con gái bà vào thùng rác.
6. “Lùm xùm” sách Công nghệ giáo dục và chuyện độc quyền sách giáo khoa
Trước thềm khai giảng năm học mới 2018 - 2019, một clip hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần tiếng Việt theo sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục gây xôn xao dư luận. Sau đó, một đoạn clip với các ký tự hình: tròn, vuông, tam giác bên cạnh các từ tiếng Việt khác cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng về cách đọc “lạ”. Tranh cãi bùng nổ dữ dội trên mạng xã hội với những cụm từ “cách đánh vần lạ”, “thay đổi cách đọc, chữ viết mới”… Hiện tượng này xuất hiện vào đúng thời điểm ngành Giáo dục chuẩn bị thay sách giáo khoa (SGK) theo chương trình phổ thông mới.
Với những phụ huynh, giáo viên lâu năm, đây là cách đánh vần, học ghép âm của Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục đã được áp dụng tại một số nơi trong suốt hơn 40 năm qua.
Sau đó, Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về bộ tài liệu gây “bão mạng” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên. Theo Bộ GD-ĐT, các địa phương tiếp tục áp dụng trong năm học 2018 - 2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình GDPT mới.
Sách Công nghệ Giáo dục. (Ảnh: Mỹ Hà)
Trong khi trên diễn đàn mạng xã hội rầm rộ “mổ xẻ” về phương pháp Công nghệ giáo dục thì tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu liên tiếp đặt vấn đề về bất cập của SGK hiện hành, trong đó nổi bật là những chỉ trích về việc làm SGK của NXB Giáo dục Việt Nam gây lãng phí “ngàn tỷ”.
7. Luật Giáo dục đại học được bổ sung, sửa đổi
Sáng ngày 11/12/2018, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã họp báo công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.
Trước đó, ngày 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Ngày 3/12/2018, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Lệnh số 13/2018/L-CTN công bố và Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cho biết, Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GDĐH, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An thông tin về Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung.
8. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên
Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm ngày 15/8/2018, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc có 1.161.143 giáo viên. So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người.
Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được.
Do đó, dẫn đến việc một số địa phương đã ký hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như: Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Thanh Oai (Hà Nội), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng dôi dư ở Đắk Lắk lo lắng khi đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện nay, Bộ đã và đang chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường/lớp; chỉ đạo nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên; giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm sát với nhu cầu sử dụng; rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên; ban hành quy định về trình độ đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên để làm cơ đào tạo văn bằng 2 giáo viên dôi dư cấp THPT, THCS điều chuyển dạy mầm non, tiểu học; xây dựng phần mềm quản lý và thống kê đội ngũ để kịp thời phát hiện và xử lý khi có bất cập xảy ra.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương rà soát, từng bước thực hiện việc đồn dịch các điểm trường lẻ về trung tâm, giảm dần sự phân tán, manh mún các điểm trường lẻ. Qua đó giảm dần số nhân viên hỗ trợ, phục vụ trên tinh thần tăng cường thực hiện làm kiêm nhiệm; hợp đồng với các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện công tác y tế trường học những nơi đủ điều kiện... qua đó để thực hiện tinh giản biên chế trong ngành.
Ngoài ra, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ và tinh giản biên chế.
9. Học sinh Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2018, tất cả 38/38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 11 huy chương đồng. Với tổng cộng 13 huy chương vàng, 2018 cũng là năm đoàn học sinh giỏi của Việt Nam đoạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế so với những năm trước đây.
Các gương mặt đã đoạt giải thưởng Olympic quốc tế, khu vực và cuộc thi INTEL ISEF 2018. (Ảnh: Lệ Thu)
Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo, Trường THPT chuyên KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), đoạt Huy chương Vàng, đồng thời đoạt điểm cao nhất tại Olympic Sinh học Quốc tế. Đây là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ Olympic Sinh học quốc tế có điểm cao nhất của cuộc thi.
Em Nguyễn Phương Thảo đạt số điểm cao nhất thế giới tại kì thi Olympic Sinh học 2018. (Ảnh: Hà Cường)
Lý giải về thành tích của học sinh Việt Nam tham dự các Olympic khu vực và quốc tế, Bộ GD-ĐT cho rằng những đổi mới căn bản, đồng bộ về quản lý trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD-ĐT chính là lý do quan trọng đem lại thành tích xuất sắc trong năm nay.
10. Lần đầu tiên, hai đại học Việt Nam lọt vào top 1.000 thế giới
Trong năm 2018, lần đầu tiên, 2 cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam lọt top 1.000 trường đại học thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings). Cụ thể, ĐH Quốc gia TPHCM nằm trong nhóm 701-750, trong khi ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 801-1.000.
Năm 2018, tổ chức QS đã xem xét dữ liệu của 4.763 trường đại học từ 151 quốc gia. Sau vòng sơ loại còn 1233 trường được đối sánh tiếp. Kết quả cuối cùng 1.000 trường đại học của 85 quốc gia đã được xướng tên. Dữ liệu xếp hạng của QS dựa trên ý kiến khảo sát của 1,2 triệu các nhà khoa học và 200 nghìn các nhà tuyển dụng; số bài báo Scopus tính trong 5 năm (2011-2016) còn số trích dẫn tính cho giai đoạn 2012-2017.
Bảng xếp hạng 2 đại học Việt Nam của QS.
GS Nguyễn Hữu Đức đánh giá, theo kết quả này thì chất lượng và uy tín đào tạo và nghiên cứu của hai ĐHQG của Việt Nam đã hội nhập vươn ra xa hơn ở tầm thế giới; đã được các nhà khoa học và tuyển dụng trên thế giới biết đến và thừa nhận nhiều hơn. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu đã được trích dẫn cao hơn và có tầm ảnh hưởng rộng hơn.
Ban Giáo dục