Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

(Dân trí) - Sáng nay (27/12), tại Hà Nội đã diễn ra Hội  nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 4, khóa V. Hội nghị đã bầu bổ sung Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vào Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2016-2021.

Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Lê Quân, đại diện Bộ Nội vụ, cùng đại diện các Bộ/ngành liên quan, lãnh đạo Hội Khuyến học các địa phương.

Chủ trì hội nghị có GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam; GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký TƯ Hội Khuyến học Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài năm 2018.

Nỗ lực hợp tác song phương và đa phương

Báo cáo tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập 2018, GS.TS Phạm Tất Dong cho biết, năm qua các cấp Hội đã thể hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc tổng kết 10 năm triển khai Chỉ thị 11-CT/TW dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy. Đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng mà Hội đã góp phần, mặt khác những kết luận đó là phương hướng quan trọng trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong những năm tới.

Cùng với đó, Hội đã triển khai kế hoạch tăng cường mối quan hệ với Bộ GD&ĐT và Sở các cấp thông qua các hội nghị, các buổi làm việc, nhờ đó sự hưởng ứng của nhiều trường đại học với công tác khuyến học, khuyến tài tăng cao. Tạo cơ hội để công việc học tập của người lớn gắn kết với sự trợ giảng của hệ thống giáo dục bậc cao như một điều kiện tiếp cận với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện cơ chế chia sẻ tri thức giữa các trường với Hội.

Đồng thời với sự hợp tác song phương và đa phương giữa Hội với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... đã giúp cho sự nghiệp khuyến học có một vị thế cần thiết trong xã hội.

Từ những nỗ lực trên, GS.TS Phạm Tất Dong đưa ra số liệu, tính đến tháng 11/2018, những thành tựu đó đã giúp công tác phát triển tổ chức nâng tổng số hội viên cả nước lên 18.5 triệu đang hoạt động tại hơn 260 nghìn chi hội khuyến học và ban khuyến học cơ sở các cấp.

Nhờ đó, các hội địa phương đã rất chú ý đến sự phát triển các quỹ khuyến học; năm 2018, tổng số tiền trong các quỹ khuyến học cả nước là 3.833 tỷ đồng, bình quân hơn 41.000đ/người dân.

Kết thúc năm 2018, tổng số 7 Hội cơ sở được nhận bằng khen của Chính phủ, của Thủ tướng Chính Phủ và huân chương lao động hạng Nhì, hạng Ba của Nhà nước cùng gần 4.500 tập thể, đơn vị, cá nhân các cấp địa phương được nhận bằng khen của TƯ Hội; của tỉnh, thành Hội.

Nảy sinh nhiều rào cản

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, GS.TS Phạm Tất Dong cũng băn khoăn trước những khó khăn, thách thức các cấp Hội cơ sở đang gặp phải trước chủ trương sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Dù chỉ mới trên ý tưởng và dự định nhưng đã tác động không nhỏ đến tâm lý của cán bộ và hội viên khuyến học.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - Ảnh 2.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chỉ tịch kiêm Tổng Thư ký TƯ Hội Khuyến học Việt Nam báo cáo tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài năm 2018.

Đơn cử như một số địa phương đã tiến hành: Hội khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc dưới sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và sáp nhập Hội khuyến học địa phương với Hội Phụ nữ Việt Nam...

"Có thể thấy, Hội là tổ chức xã hội mang tính tự nguyện, gắn với phong trào quần chúng. Bộ không thể quản lý và điều hành Hội như một cơ quan hành chính. Lãnh đạo Hội là người đại diện cho quần chúng nhân dân, không thể là người đại diện cho cơ quan công quyền đứng ra điều hành. Cách làm này sẽ không thúc đẩy được phong trào quần chúng. Đây là bức xúc lớn nhất, một rào cản thật sự trong công tác vận động quần chúng", GS.TS nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại nhiều địa phương công tác của Hội chưa được thực sự quan tâm, các chỉ thị chưa được thực thi nghiêm túc, mà nguyên nhân chính là cơ quan chức năng cấp Bộ chưa thực sự hiểu và thông cảm, cấp ủy chưa thật sâu sát trong lãnh đạo Hội. Việc ứng xử này đã có tác dụng không tốt đến không ít cán bộ của Hội.

Nhiều hội khuyến học cơ sở vẫn chưa được công nhận là hội đặc thù, kinh phí cho hoạt động của hội rất hạn chế. Mặc dù, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 07/TT-BTC về hướng dẫn và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 281 nhưng nhiều nơi vẫn chưa được cấp kinh phí để hoạt động, hoặc có địa phương được cấp nhưng ở mức rất khiêm tốn hoặc cũng không thống nhất giữa các địa phương gây khó khăn trong việc triển khai phong trào, GS.TS Dong chỉ ra.

Bên cạnh đó, khó khăn trong việc nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo về xã hội học tập, về giáo dục người lớn, ý nghĩa khuyến học, khuyến tài còn khá hạn chế.

Công tác lý luận và sự tiếp cận những xu thế xây dựng xã hội học tập trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 của một số cơ quan nghiên cứu, trường cao đẳng và đại học ít được quan tâm, ít hiểu biết có hệ thống cả về lý thuyết lẫn thực tế của trào lưu xã hội học tập trong hệ thống giáo dục mở mà Đại hội Đảng lần thứ IX đã chỉ ra. Có thể nói, đây là rào cản lớn nhất để các quan điểm xây dựng xã hội học tập có được chỗ đứng trong nhiều văn kiện đổi mới giáo dục và đào tạo.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2019

Khép lại năm 2018, GS.TS Nguyễn Thị Doan ghi nhận kết quả, những nỗ lực của các cấp Hội trong cả nước. Từ đó, đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm của Hội năm 2019 cần tiếp tục quán triệt các cấp ủy địa phương thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị; Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020", đồng thời bám sát 10 nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Khuyến học toàn quốc lần thứ V đã được thông qua.

GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị các tỉnh, thành Hội cần đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng "Đơn vị học tập", "Công dân học tập", "Xã hội học tập" thông qua chương trình và kế hoạch công tác phát triển hội viên. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp đã được ký kết với các cơ quan Bộ, Ban, Ngành, tổ chức xã hội về phát triển mô hình Đơn vị học tập và học tập của người lớn trong các cơ quan hành chính sự nghiệp theo Quyết định 89/QĐ-TTg.

Tiếp tục tham giá Đề án xây dựng Bộ tiêu chí "Đơn vị học tập", "Thành phố học tập" và "Công dân học tập" do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí đánh giá mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg.

Song song với việc triển khai đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" tại Trung tâm học tập cộng đồng về hướng dẫn, vận động, tuyên truyền người lớn tham gia tại Trung tâm học tập cộng đồng. Từ đó, các Hội sẽ tổ chức đánh giá kết quả sáp nhập Trung tâm học tập cộng đồng với Trung tâm văn hóa - thể thao để nghiên cứu mô hình Trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, Hội cần tranh thủ sự hỗ trợ của UNESCO để công tác khuyến học được một số cơ quan chức năng của các Bộ, Ngành chú ý hơn. Kinh nghiệm cho thấy, việc xây dựng các Bộ tiêu chí về đơn vị học tập, công dân học tập, thành phố học tập đã được tham khảo nhiều tài liệu của UNESCO, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Tại hội nghị, Ban Chấp hành TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đã biểu quyết 100% thông qua việc thay đổi bổ sung nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch TƯ Hội, cụ thể như sau:

*04 đồng chí được nghỉ không tham gia Ban Chấp hành khóa V, nhiệm kỳ 2016 – 2021:

Bà Nông Thị Dung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học tỉnh Cao Bằng.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Ông Giáp Minh Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang.

Đại tá Đỗ Danh Vượng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – Bộ Quốc Phòng.

*07 đồng chí được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành TƯ Hội Khuyến học Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2016 – 2021, cụ thể như sau:

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng – Bộ Quốc Phòng.

Ông Văn Thành Kỷ, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Ông Đào Xuân Cần, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang.

Bà Nguyễn Mai Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Cao Bằng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chánh văn phòng TƯ Hội.

Bà Trương Thị Mỹ Lệ, Phó trưởng Ban tổ chức – Quản lý các trung tâm, TƯ Hội.

*Bên cạnh đó, Ban Chấp hành TƯ Hội Khuyến học Việt Nam cũng đồng ý 100% bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT vào Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2016-2021.

Hà Cường