Chương trình GDPT tổng thể: Đã có bước đệm chuẩn bị đội ngũ giáo viên

(Dân trí) - Trước băn khoăn về đội ngũ giáo viên, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học cho biết, trước khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã có những bước đệm chuẩn bị như mô hình trường học mới VNEN, đánh giá học sinh Tiểu học theo thông tư 30, thông tư 22, chương trình Trường học kết nối… Vì thế, đội ngũ giáo viên về cơ bản không bỡ ngỡ với lần đổi mới này.

Vừa qua tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khu vực miền Trung. Thứ Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì hội thảo. Tại hội thảo, đại diện của 18 Sở GD&ĐT, 10 trường ĐH và CĐ đã phân tích những mặt tích cực của dự thảo và góp ý vào kế hoạch giáo dục cũng như điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.


Các nhà giáo tham gia góp ý Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Các nhà giáo tham gia góp ý Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Cần điều chỉnh thời gian thực học

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao tinh thần đổi mới thể hiện trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. So với chương trình hiện hành, chương trình mới đã cho thấy một bước chuyển đổi quan trọng từ giáo dục tiếp cận nội dung sang giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học và xây dựng nền giáo dục theo hướng mở.

Ngoài ra, chương trình cũng cho thấy tính kế thừa so với chương trình trước đây và hướng tới tính hội nhập cao. Việc đưa ra được “chân dung” người học sinh mới; phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; tăng cường tính tự chủ cho các địa phương, các cơ sở giáo dục, cho người dạy và người học,… cũng là những ưu điểm được ghi nhận tại hội thảo.

Góp ý vào dự thảo, ông Hoàng Văn Giao, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, nếu thời gian thực học các môn học của chương trình giáo dục phổ thông tương đương với 37 tuần, gồm 35 tuần thực học dành cho các môn bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa và môn học tự chọn bắt buộc, 2 tuần thực học dành cho các môn học tự chọn và môn giáo dục của địa phương thì sẽ không đủ để bố trí đủ thời lượng trong một năm học, tính từ ngày khai giảng cho đến hết tháng 5.

Đồng tình với ý kiến của ông Hoàng Văn Giao, ông Lê Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cũng cho rằng, với 37 tuần thực học cho cả nội dung giáo dục quốc gia và giáo dục địa phương là quá nhiều.

Thời gian của mỗi tiết học, theo ông Vinh cũng nên có sự thống nhất đều nhau, ví dụ như tiểu học thì cùng 35 - 40 phút, trung học thì cùng 45 - 50 phút, như thế vừa dễ bố trí thời khóa biểu, các tiết học của các lớp học trong cùng một buổi có giờ ra chơi cùng nhau, không bị lệch.

Giáo viên không đảm nhận tất cả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo

TS Trần Lăng, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Phú Yên cho rằng, hiện nay, chưa có một trường sư phạm nào đào tạo giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo, vì thế, chưa biết hoạt động này sẽ được đội ngũ giáo viên đảm đương như thế nào để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Trả lời ý kiến của TS Trần Lăng, PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho biết, hiện nay không có chương trình đào tạo giáo viên riêng cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tuy nhiên, hoạt động này ngoài là một phương pháp tổ chức của các môn học còn là một hoạt động giáo dục thông qua sinh hoạt tập thể, các dự án học tập, các hoạt động xã hội, các loại hình câu lạc bộ khác nhau… Thế nên giáo viên nào được đào tạo sư phạm đều thực hiện được hoạt động này.

Chia sẻ thêm về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, không phải tất cả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều do giáo viên đảm nhận.

Ví dụ như học sinh trải nghiệm ở bảo tàng thì giáo viên chỉ đóng vai trò là người lên kế hoạch, nội dung, còn nhân viên bảo tàng mới là người hướng dẫn. Cũng như dạy về hướng nghiệp, rõ ràng các chuyên gia tư vấn tâm lý hướng nghiệp hay các doanh nghiệp thành đạt, đại diện các nhà máy, xí nghiệp tổ chức trải nghiệm cho học sinh sẽ hiệu quả hơn.

Ông Chuẩn cũng cho biết, hoạt động trải nghiệm sáng tạo không hề mới mẻ, các nhà trường đều đã tổ chức thực hiện nhưng với mật độ ít hơn. Như tiết chào cờ, sinh hoạt đầu tuần hay sinh hoạt lớp, lâu nay, giáo viên là người tổ chức, thực hiện, nay chúng ta đổi vai, giáo viên chỉ là người thiết kế, học sinh đóng vai trò thi công, để cho học sinh “tự nhúng mình” vào trong các hoạt động, và đây cũng là quá trình giúp các em hình thành các phẩm chất, năng lực….

Đại diện đến từ Sở GD&ĐT Bình Định nêu quan điểm, ngoài bài toán về đội ngũ giáo viên, cũng cần phải có chế tài để gắn chặt trách nhiệm của địa phương, xã hội mới có thể đảm bảo hiệu quả của hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Bởi hoạt động trải nghiệm sáng tạo không chỉ dừng lại ở trong khuôn viên nhà trường mà phải được tiến hành ở nhiều môi trường khác nhau như xí nghiệp, nhà máy, bảo tàng. Vì thế, nếu có sự hỗ trợ của địa phương cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội thì nhà trường sẽ giảm được gánh nặng kinh phí, sự trải nghiệm của học sinh cũng sẽ phong phú hơn.

Đã có bước đệm chuẩn bị đội ngũ giáo viên

Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về điều kiện để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, mô hình tổ chức hoạt động dạy học, phương pháp đánh giá…

Đại diện Sở GD&ĐT Đắc Lắc cho biết, hiện nay, các trường đã đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá nên khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới sẽ không bị “chới với”.

Thế nhưng, một khi chuyển từ dạy - học theo hướng tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, phẩm chất học sinh thì cần phải có sự cân bằng giữa định tính và định lượng. Các kênh đánh giá có thể lấy từ nhiều phía, từ phụ huynh hoặc do học sinh tự đánh giá, nhận xét lẫn nhau.

Về vấn đề này, ông Lê Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) nêu ý kiến, cần có chuẩn chung trong đánh giá học sinh, vì hiện nay theo như dự thảo, trong đánh giá thường xuyên, có mục phụ huynh đánh giá, nhưng nếu chúng ta không có một chuẩn chung thì sẽ rất phức tạp vì mỗi phụ huynh sẽ có một kiểu đánh giá khác nhau.

Vấn đề bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đào tạo lực lượng giáo viên kế cận cũng như bố trí, điều động giáo viên được các đại biểu lưu tâm. Ông Trần Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Quảng Bình cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo viên, trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

“Ngay như dạy học tích hợp, không những xã hội mà ngay cả bản thân giáo viên cũng có không ít người còn chưa tường tận. Bản chất của dạy học tích hợp, liên môn không phức tạp nhưng do ông thầy cứ nghĩ là phức tạp” - Ông Ngọc nêu ý kiến.

Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, PGS.TS Lê Quang Sơn thì khẳng định: “Đội ngũ giáo viên đảm nhận chương trình GDPT mới sẽ là đội ngũ giáo viên đang giảng dạy hiện nay. Các trường sư phạm sẽ không có chương trình đào tạo riêng giáo viên dạy tích hợp mà chủ đề tích hợp thiên về môn khoa học chuyên biệt nào nhiều hơn thì sẽ do giáo viên của môn đó đảm nhận”.

Trước băn khoăn về đội ngũ giáo viên, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học cho biết, trước khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã có những bước đệm chuẩn bị như mô hình trường học mới VNEN, đánh giá học sinh Tiểu học theo thông tư 30, thông tư 22, chương trình Trường học kết nối… Vì thế, đội ngũ giáo viên về cơ bản không bỡ ngỡ với lần đổi mới này.

Trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, cùng với việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD&ĐT sẽ sớm rà soát lại các văn bản pháp quy như điều lệ trường học, chuẩn nghề nghiệp, các quy định về phòng chức năng, phòng bộ môn… để điều chỉnh, bổ sung sao cho có được những cơ chế, chính sách phù hợp, từng bước đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong thực tế.

Việt An