Chương trình giáo dục mới: Cơ sở vật chất và giáo viên hiện tại có kham nổi?

(Dân trí) - Điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ chương trình mới là hai vấn đề nhận được nhiều quan tâm nhất trong phần hỏi – đáp tại buổi họp báo công bố Dự thảo chương trình GDPT tổng thể do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều ngày 12/4.

Giáo viên dạy môn tích hợp ra sao?

Trong Dự thảo chương trình GDPT tổng thể mới xuất hiện nhiều môn học mang tính tích hợp, đặc biệt là ở các lớp học cấp dưới. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu đội ngũ giáo viên hiện tại của chúng ta có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp trong chương trình mới không?

Trả lời câu hỏi trên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên chương trình Chương trình GDPT tổng thể mới) cho biết, ở giai đoạn trước mắt, giáo viên môn nào vẫn dạy môn đấy. Những giáo viên đã được bồi dưỡng tốt, có khả năng dạy các môn tích hợp sẽ tham gia giảng dạy các môn, các chuyên đề tích hợp.

Còn về căn bản và lâu dài, hiện nay Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo đổi mới chương trình, có Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP).

“Ở một số nước, khi đào tạo giáo viên người ta đào tạo nhiều môn, không đào tạo đơn môn. Chúng ta có thể theo hình thức đào tạo nhiều môn nhưng cũng có thể theo hình thức chia ra các học phần, mô đun, giáo viên nào học hết các học phần đơn lẻ từng môn sẽ thực hiện dạy tích hợp”, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT tổng thể mới cho hay.


Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và GS.TS Nguyễn Minh Thuyết tại buổi họp báo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và GS.TS Nguyễn Minh Thuyết tại buổi họp báo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình mới, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 732/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; có Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) và hiện đang hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp cũng như chuẩn, quy chuẩn về giáo viên đáp ứng chương trình này. Tích hợp ở các lớp dưới, phân hóa lớp trên. Giáo viên phải được bồi dưỡng tích hợp. Bắt đầu từ năm 2013, Bộ đã triển khai dạy tích hợp liên môn và có nhiều văn bản chỉ đạo.

“Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới. Như vậy, cùng với viết chương trình SGK, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được tiến hành, thậm chí đi trước một bước”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Chuẩn bị cơ sở vật chất: cần địa phương chủ động!

Trả lời câu hỏi của phóng viên “Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được chuẩn bị ra sao để đáp ứng với yêu cầu của chương trình mới? Bộ GD&ĐT có kế hoạch khảo sát các thiết bị trong các trường phổ thông hiện nay hay không?”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là vấn đề lớn.

Chương trình này vừa là văn bản quy định nhưng cũng là cam kết của Nhà nước về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhà nước ở đây không chỉ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT mà còn là chính quyền các địa phương. Để quyết định cải thiện điều kiện học tập, cơ sở vật chất các trường thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và phải đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay: “Bộ GD&ĐT cũng trình Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông. Cùng với đó, thực hiện rà soát danh mục thiết bị trường học để phù hợp với chương trình mới”.

Chương trình mới có “chạy” đúng lộ trình được không?

Nghị quyết về đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông ban hành 28/11/2014, yêu cầu 4 năm sau triển khai chương trình mới. Nhưng muốn xây dựng chương trình mới lại phải chờ một văn bản hết sức quan trọng là khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Ngày 4/11/2016, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, chỉ còn gần 2 năm nữa chương trình mới sẽ được áp dụng trong thực tế, điều đó có khả thi?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Ban phát triển Chương trình đã thực hiện đúng tiến độ kế hoạch, để tháng 9 có thể trình ban hành Chương trình giáo dục phổ thông. Hiện chương trình các môn học cũng đang được khẩn trương biên soạn”.

Trong quá trình biên soạn chương trình, Ban Phát triển Chương trình đã phải tiến hành dạy thực nghiệm các nội dung mới. Trên cơ sở đó, bộ phận biên soạn SGK sau này sẽ hoàn thiện để có bộ sách mới theo đúng kế hoạch. Thêm nữa, chúng ta dạy sẽ theo hình thức cuốn chiếu, không phải lập tức phải có sách giáo khoa cho cả 12 lớp.

Lộ trình thực hiện cụ thể là sau khi có chương trình tổng thể sẽ biên soạn chương trình môn học. Trên thực tế, sau khi lấy ý kiến dư luận, chuyên gia thấy cơ bản chương trình tổng thể "đứng" được, việc xây dựng chương trình bộ môn sẽ được tiến hành. Chương trình bộ môn cố gắng trong 1 - 2 tháng nữa sẽ đưa ra xin ‎ý kiến chuyên gia, thẩm định vòng 1, sau đó đến thẩm định vòng 2 cả chương trình tổng thể và chương trình môn học.

Cùng với đó, Ban Phát triển chương trình cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT, khoảng 1 – 2 tháng nữa cho công bố trên các phương tiện thông tin, thông báo mời các tổ chức, cá nhân đăng ký‎ viết sách.

Lệ Thu