Lùi triển khai chương trình GDPT: Tập trung bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn mới
(Dân trí) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Nếu Quốc hội cho phép đến năm 2021 - 2022 mới bắt đầu thực hiện đổi mới từ cấp THPT thì từ năm nay ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện rà soát bồi dưỡng giáo viên chứ không đào tạo mới để tận dụng tối đa đội ngũ giáo viên hiện có”.
Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Lùi thời gian 1 năm, triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học
Theo tờ trình của Chính phủ, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả xây dựng và áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đồng thời tạo sự đồng thuận, yên tâm của xã hội, Chính phủ trình Quốc hội cho lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.
Theo đó, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp Tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022, thay vì áp dụng cuốn chiếu đối với cả 3 cấp Tiểu học, THCS và THPT ngay từ năm học 2018-2019 như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.
Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết 88 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới ở cấp Tiểu học chậm 1 năm, ở cấp THCS chậm 2 năm và ở cấp THPT chậm 3 năm, nhưng sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới như Nghị quyết 88 đã đề ra.
Với phương án này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh…
Đổi mới có kế thừa, không tùy tiện viết sách giáo khoa
Giải đáp một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ cốt lõi của Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện. Bộ đánh giá đây là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn trong ngành. Vì triển khai chương trình sách giáo khoa, tiếp cận từ phương thức truyền thống truyền thụ kiến thức là chính sang phương thức phát triển phẩm chất năng lực và nhấn mạnh vào người học để khắc phục rất nhiều vấn đề chương trình hiện hành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, ở đây không phải chúng ta đưa một chương trình rất mới mà đổi mới ngay từ cấu trúc lại chương trình hiện hành theo hướng không phải chia cắt từng môn, theo hướng cụm các vấn đề logic với nhau và từ đó nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp.
“Không phải chúng ta đổi mới là mới tinh mà đổi mới ở đây chúng ta kế thừa rất lớn, chúng ta đổi mới là khắc phục bất cập và tiếp thu một số thành tựu về khoa học, giáo dục của thế giới. Như vậy, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, không phải đợi đến năm 2019 mới đổi mới mà thực tế trong ngành đã chỉ đạo đổi mới ngay cả chương trình hiện hành, trong một số môn, trong một số nội dung cấu trúc lại và tăng cường đổi mới phương pháp để tránh hạn chế tình trạng dạy theo hướng truyền thụ một chiều.
Chỗ nào tốt thì làm tốt, tập huấn, chỗ nào khó khăn thì dần dần. Trong quá trình chuyển đổi thì chúng tôi có hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ giáo viên, các cán bộ cốt cán. Các công việc này phải đan xen với nhau, đồng bộ với nhau, đồng tốc, đồng hành, không phải là tách riêng ra. Về chương trình cho đến nay chúng tôi đã xong được chương trình tổng thể và triển khai các chương trình môn học” - Bộ trưởng giải thích.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây, Bộ cho phản biện và đặc biệt mời các giáo viên cốt cán ở các địa
Về kinh phí, Bộ trưởng Nhạ giải trình: Đối với chương trình cho đến nay mới tiêu được 48,2 tỷ đồng, như vậy mới tiêu được hơn 2 triệu đôla, không tiêu được nhiều. Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới có 2,3 tỷ đồng, tổng cộng hơn 50 tỷ, còn lại mới đang trong quá trình kế hoạch và cam kết với Quốc hội từng năm một, chúng tôi sẽ công khai chi phí này để giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền.
“Thực tế hiện nay đối với chương trình tổng thể mới có tiền chi cho các thầy làm chương trình, còn đối với chương trình đào tạo giáo viên, mới có tiền để xây dựng lớp bồi dưỡng, cũng chưa tiêu gì, chứ không phải nhiều tiền về vấn đề này”- Bộ trưởng giải thích thêm.
phương, các trường tham gia từ thành phố cho đến vùng hải đảo để khi chương trình đưa ra có thể đi vào cuộc sống.
Không phải là chương trình cơ sở vật chất hiện đại hay phải sắm toàn bộ, mà chương trình ở đây được thực hiện trên cơ sở tổ chức lại các cơ sở vật chất hiện có và bổ sung dần, từng thiết bị theo từng môn, từng năm chứ không phải ồ ạt. Do vậy, các yếu tố khả thi Bộ đã tính trước đến điều kiện thực hiện để làm sao chương trình thực tế hơn.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, rất muốn nhiều người cùng tham gia viết sách giáo khoa, nhưng phải có khung và có sự thẩm định để đảm bảo sự thống nhất và căn bản, không phải tùy tiện ai cũng viết được.
Đây là vấn đề rất nhạy cảm, chúng tôi cũng đã tính đến hiện trạng "trăm hoa đua nở". Do vậy, phải tính rất kỹ đến vấn đề hướng dẫn, đảm bảo được dân chủ, nhiều người tham gia để thu hút được trí tuệ nhưng cũng phải có định hướng, tránh gây đến tình trạng nhiều người đều tham gia dẫn đến những cái không tốt cho giáo dục”.
Giáo viên quyết tâm thực hiện đổi mới
Về giáo viên, Bộ trưởng Nhạ khẳng định đây là một vấn đề rất lớn. Chương trình có hay đến mấy mà giáo viên không có sự đổi mới và không quyết tâm thì cũng không thành công.
Hiện nay, phần lớn giáo viên rất tâm huyết và mong đổi mới chứ không phải là né tránh. Tuy nhiên, chuẩn của giáo viên với chương trình hiện hành, với chuẩn của giáo viên đổi mới tới đây chương trình mới sẽ khác.
Bộ GD&ĐT tiến hành rất kỹ rà soát lại bổ sung các thông tư về chuẩn giáo viên, chuẩn giảng viên sư phạm, chuẩn cán bộ quản lý trường học, hiệu trưởng và chuẩn cán bộ quản lý giáo dục, giám đốc sở, trưởng phòng giáo dục để có một chuẩn về nghề nghiệp.
Theo đó, xây dựng các chương trình bồi dưỡng đạt chuẩn và chủ yếu đào tạo online để cho các thầy cô tự học, tự nâng cao và có hướng dẫn và sau đó tập trung bồi dưỡng.
Bộ trưởng Nhạ cho hay, chương trình mới áp dụng theo hình thức cuốn chiếu, do vậy trong chương trình kế thừa rất nhiều, 2 năm nữa mới có lớp 1 và lớp 1 qua thực tế chương trình không thay đổi nhiều và giáo viên cũng không thiếu nhiều, do vậy không có vấn đề về giáo viên.
Đối với cấp 3, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, nếu Quốc hội cho phép đến năm 2021 - 2022 mới bắt đầu thực hiện đổi mới thì từ năm nay ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện rà soát bồi dưỡng giáo viên chứ không đào tạo mới để tận dụng tối đa đội ngũ giáo viên hiện có. Tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên, ngành sẽ tính toán sau khi có chuẩn giáo viên. Lúc đó, các giáo viên căn cứ vào năng lực, yêu cầu của mình tự học và thực hiện theo hướng dẫn để đạt chuẩn.
Đồng thời, ngành tập trung sửa Luật Giáo dục. Như vậy các công việc từ quy hoạch rà soát các chuẩn, bồi dưỡng giáo viên đến chính sách cơ chế là phải làm đồng bộ, đồng cấp.
“Khối lượng công việc rất nhiều. Tôi có thể nói vô cùng nhiều nhưng cách làm phân công ra nên không phải quá tải như cách truyền thống”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã rất cầu thị, giải trình, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu quốc hội và có một lời như cam kết, đó là những việc đó Chính phủ tới đây cố gắng thực hiện tốt.
Tổng hợp lại ý kiến các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ bản các vị đại biểu quốc hội đều khẳng định việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội đã được Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các ngành, các địa phương tích cực triển khai. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên việc chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa mới còn chậm, không đảm bảo đúng lộ trình và tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đa số ý kiến đại biểu quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời gian triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 là 1 năm, theo đó sẽ thực hiện từ năm 2019-2020, đồng thời các vị đại biểu Quốc hội cũng đều nhất trí cần có Nghị quyết về vấn đề này.
Nhật Hồng