Lùi chương trình, sách giáo khoa mới:

Đại biểu Quốc hội “truy” Bộ trưởng GD-ĐT số tiền lãng phí

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo, triển khai đề án xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới trong 3 năm qua, Bộ làm bao nhiêu sản phẩm, chi phí hết bao nhiêu tiền, hiện còn bao nhiêu tiền, lùi hạn thực hiện có gây lãng phí. Bộ trưởng thông tin, đến nay mới tiêu hết 50 tỷ đồng…

Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận về nội dung Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội.

1 năm nữa, yên tâm dạy sách giáo khoa tiểu học mới!

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: Việc lùi thời hạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới không được để phát sinh thêm kinh phí hoặc có phát sinh được thì Quốc hội cũng phải kiểm soát được.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: "Việc lùi thời hạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới không được để phát sinh thêm kinh phí hoặc có phát sinh được thì Quốc hội cũng phải kiểm soát được".

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) đặt vấn đề, việc xin lùi thời hạn áp dụng thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới 1 năm liệu có khả thi. Bà Hồng nêu thực tế, vừa qua, cơ bản các nội dung đề ra trong Nghị quyết 88 của Quốc hội đều bị chậm, như việc xây dựng chương trình tổng thể đã chậm hơn 1 năm. Lấy gì để có thể chắc chắn lùi 1 năm là giải quyết được kịp tất cả những khâu, đoạn bị chậm?

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng dẫn chứng, Quyết định số 2632 do Bộ trưởng GD-ĐT ban hành sau khi có Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra 3 giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn 1 thực hiện từ 7/2015 đến tháng 6/2016; giai đoạn 2 từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2018… Nếu thực hiện đúng lộ trình này thì giờ ngành giáo dục đã đang “đi” ở giai đoạn 2 rồi. Và từ giai đoạn 1 đến khi đưa vào triển khai cụ thể ở năm học 2018-2019 như kế hoạch ban đầu cũng phải mất 2,5 năm.

Còn theo lộ trình mới được đề xuất, những công việc của giai đoạn 1 hiện vẫn chưa xong, mà như vậy, cộng với 2,5 năm nữa thì tới năm học 2020 -2021 mới triển khai dạy, học. Vậy Chính phủ chỉ đề xuất lùi thời hạn 1 năm, tức sẽ đưa vào triển khai trong năm học 2019-2020 thì có làm kịp?

“Đề nghị Bộ trưởng giải thích thêm, Bộ đã hoàn thành giai đoạn 1 như trong Quyết định 2632 ban hành chưa. Nếu hoàn thành thì tôi ủng hộ lùi, giãn 1 năm, nếu không thì cần phải lùi sâu thêm. Nếu lùi 2 năm, 3 năm hoặc 4 năm thì có thiệt hại gì. Tính bức thiết thế nào mà chọn thời gian chỉ trọn vẹn trong 1 năm mà không phải là 2 hay 3 năm?” – ông Tuấn nói.

Ngoài ra, đại biểu cũng phản ánh những tâm tư của cử tri như băn khoăn, sách giáo khoa mới có đắt tiền hơn sách cũ hay không? Sách giáo khoa mới có đảm bảo được “tuổi thọ” 12 năm không? Ông Tuấn cảnh báo đề án xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới với bài học từ đề án VNEN, Đề án 2020… đều thực hiện không đạt, đến nay đã… bỏ ngỏ.

Giải trình những vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, từ đó mới có chương trình từng môn học, viết sách giáo khoa để giáo viên giảng dạy. Sách giáo khoa lần này cũng chuyển từ phương thức truyền thống là truyền thụ kiến thức sang sáng triển năng lực học sinh, khai phóng, thực học, thực nghiệp, dân chủ trong giáo dục.

Chính vì tính chất quan trọng như vậy, khi đưa ra chương trình tổng thể để lấy ý kiến toàn xã hội, Bộ GD-ĐT đã rất thận trọng lấy ý kiến 2 lần, trong đó có việc lấy ý kiến trực tiếp các thầy cô nên mất thời gian, thành ra chậm tiến độ. Bộ trưởng thông tin, cho đến nay, chương trình tổng thể đã ổn, dù vẫn phải tiếp tục hoàn thiện.

Vấn đề hiện nay là chưa có chương trình môn học. Bộ GD-ĐT cũng chưa công bố các tiêu chuẩn sách giáo khoa, dù đã có Hội đồng quốc gia thẩm định vì còn phải hoàn thiện thêm, bảo đảm huy động được trí tuệ xã hội tham gia viết sách giáo khoa nhưng cũng không có chuyện “trăm hoa đua nở”.

Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, nửa năm nay, ngành giáo dục đã rà soát để xây dựng chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên, Hiệu trưởng, cán bộ quản lý… cho phù hợp với chương trình mới, sau đó mới đến bước bồi dưỡng tập trung.

“Một năm nữa mới dạy tới sách giáo khoa tiểu học. Nội dung tiểu học không có quá nhiều thay đổi, đội ngũ giáo viên cũng ổn hơn, có thể yên tâm để triển khai”, Bộ trưởng quả quyết.

Chính phủ duyệt kinh phí gần 800 tỷ, sao Bộ GD-ĐT báo cáo 1.800 tỷ?

Bộ trưởng GD-ĐT: 3 năm qua, ngành mới tiêu hết hơn 50 tỷ đồng, chủ yếu cho các thầy làm chương trình mới.
Bộ trưởng GD-ĐT: "3 năm qua, ngành mới tiêu hết hơn 50 tỷ đồng, chủ yếu cho các thầy làm chương trình mới".

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thì bày tỏ phân vân, nghi ngờ về chuyện sẽ lãng phí trong việc lùi thời gian thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Ông Cầu phân tích, đề án đã thực hiện 3 năm, từ 2015 đến nay. Căn theo đúng Nghị quyết 88 thì từ tháng 6/2016 cho đến tháng 7/2018 phải được ba sách giáo khoa: lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Vậy, qua 3 năm ấy, Bộ GD-ĐT đã làm được bao nhiêu sản phẩm, chi phí hết bao nhiêu tiền, hiện còn bao nhiêu tiền?

“Có làm rõ được vấn đề đó thì mới tính được chứ giờ không biết sản phẩm trong 3 năm làm được gì, đã tiêu tốn của Nhà nước bao nhiêu tiền mà lại tiếp tục cho kéo dài. Tôi nghĩ rất đơn giản, khi đã kéo dài về thời gian thì chắc chắn sẽ kéo theo chi phí, vì thời gian kéo theo một năm vẫn phải làm mà làm thì phải có kinh phí” – đại biểu thẳng thắn.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng chỉ rõ, Chính phủ đã phê duyệt cho chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông trọn gói 778 tỷ đồng nhưng dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra hôm nay lại nêu con số 80 triệu USD, tương đương gần 1.800 tỷ đồng.

Ông Cầu chốt lại: “Tôi đồng tình với việc lùi, lùi 1 năm hay 2 năm, 3 năm cũng được, chưa chắc chắn thì cứ lùi. Nhưng quan điểm của tôi là không để phát sinh thêm kinh phí hoặc có phát sinh được thì Quốc hội cũng phải kiểm soát được. Đây là thực hiện theo tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng, một đồng thuế của dân cũng phải tiết kiệm, làm phải có hiệu quả, nếu không để xảy ra lãng phí thì rất có tội”.

Báo cáo thêm về vấn đề kinh phí, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, ngành mới tiêu hết hơn 50 tỷ đồng. “Chúng tôi cũng chỉ mới chi cho các thầy để làm chương trình và chi cho một số lớp tập huấn giáo viên. Hằng năm, Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo con số cụ thể để Quốc hội yên tâm”, Bộ trưởng cam kết.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm