Sau cái chết đau thương của Sulli, chính phủ Hàn Quốc muốn ra "luật Sulli" để bảo vệ nghệ sĩ

(Dân trí) - Hiệp hội quản lý ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc đã lên tiếng và hứa sẽ có hành động mạnh mẽ nhằm bảo vệ đời tư của nghệ sĩ trước vấn nạn bạo lực mạng xã hội lan tràn tại quốc gia này, sau cái chết đau thương của nữ ca sĩ Sulli.

Ca sĩ 25 tuổi Sulli tự vẫn tại nhà riêng

Sulli đã tự vẫn bằng cách treo cổ tại nhà riêng vào ngày 14/10 vừa rồi. Cô mới 25 tuổi nhưng đã có 14 năm hoạt động trong làng giải trí. Nữ nghệ sĩ đoản mệnh từng thừa nhận, cô bị trầm cảm nặng bởi cuộc sống áp lực trong làng giải trí cũng như sự công kích của những khán giả giấu mặt trên mạng xã hội.

Sau cái chết của Sulli, người ta bắt đầu tiếc thương cho một cô gái trẻ mong manh đã phải luôn gồng mình chống lại những thế lực giấu mặt luôn tìm cách công kích, chỉ trích cô. Sự ra đi của Sulli cũng khiến những người đồng nghiệp của cô tại Hàn Quốc xót xa và lên tiếng lên án vấn nạn bạo lực mạng xã hội. Tại Hàn Quốc, mạng xã hội của người nghệ sĩ hay những trang web giải trí đã trở thành nơi để khán giả bày tỏ quan điểm, thái độ và cả sự miệt thị, trách mắng với những người được gọi là người của công chúng.

Sau cái chết đau thương của Sulli, chính phủ Hàn Quốc muốn ra luật Sulli để bảo vệ nghệ sĩ - 1

Cái chết của Sulli, 25 tuổi, đã khiến dư luận Hàn Quốc bức xúc và thực sự quan tâm tới vấn nạn "bạo lực mạng xã hội".

Sulli qua đời, truyền thông Hàn Quốc lo lắng về những cái chết trẻ khác của làng giải trí. Ngôi sao sinh năm 1994 nằm xuống mãi mãi, người ta mới thôi miệt thị, trách mắng, soi mói đời tư của cô và bắt đầu dành cái nhìn nhẹ nhàng, xót xa hơn với những nỗ lực làm việc của Sulli trong 14 năm qua.

Hôm qua 15/10, Hiệp hội quản lý hoạt động giải trí tại Hàn Quốc đã lên tiếng về vấn nạn bạo lực mạng xã hội. Đại diện của tổ chức này cho biết, họ sẽ có những hành động mạnh mẽ nhằm trừng phạt hành động bạo lực mạng xã hội và bảo vệ nghệ sĩ.

Sau cái chết đau thương của Sulli, chính phủ Hàn Quốc muốn ra luật Sulli để bảo vệ nghệ sĩ - 2

Trước khi chết, Sulli từng phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm và những lời bình luận ác ý trên mạng xã hội. 

“Chúng tôi xin chia buồn sâu sắc với gia đình Sulli. Mong cô ấy yên nghỉ ở thế giới bên kia. Chúng tôi cũng quyết định sẽ bảo vệ những người làm việc trong làng giải trí. Chúng tôi là một tổ chức hoạt động trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi và là tiếng nói của những người đang làm việc trong làng giải trí. Việc bình luận ác ý, chỉ trích, can thiệp quá mức vào đời tư của người nghệ sĩ đã trở thành một vấn nạn đáng báo động tại Hàn Quốc. Tổ chức chúng tôi sẽ không chấp nhận để những bình luận ác ý, công kích làm tổn thương tinh thần của người nghệ sĩ được tồn tại. Chúng tôi nhất định sẽ hành động”, đại diện của tổ chức này đưa ra thông báo.

Đại diện của tổ chức này cho hay, họ đã nhận thấy sự nguy hiểm của vấn nạn bạo lực mạng từ năm 2016 và phát động một phong trào khuyến khích những bình luận tích cực trên mạng xã hội. Song, phong trào này không thể kéo dài lâu vì ít nhận được sự ủng hộ hay quan tâm từ phía chính phủ. Giờ đây, sau 3 năm, nhận thấy sự nguy hiểm của vấn nạn bạo lực mạng xã hội và chứng kiến cái chết đau thương của một nghệ sĩ trẻ như Sulli, những người trong hiệp hội quản lý hoạt động giải trí Hàn Quốc tin rằng, họ phải hành động thật nghiêm túc và quyết liệt.

Sau cái chết đau thương của Sulli, chính phủ Hàn Quốc muốn ra luật Sulli để bảo vệ nghệ sĩ - 3

Goo Hara, bạn thân của Sulli, cũng từng tự vẫn "hụt" vì không chịu đựng nổi áp lực từ dư luận trước mối quan hệ giữa cô và bạn trai cũ. 

Đại diện của Hiệp hội cho rằng, việc buông lời cay nghiệt với nghệ sĩ rồi sau đó rút lại bằng một lời xin lỗi hay thái độ ân hận tạm thời là không thể chấp nhận được. Việc bình luận hay thoá mạ một cá nhân mà mình không quen biết trên mạng xã hội có thể gây hậu quả nghiêm trọng và tổn thương tinh thần nặng nề tới người khác. Họ tin rằng, người nghệ sĩ cần được pháp luật bảo vệ.

Hôm nay 16/10, 9 đại biểu quốc hội Hàn Quốc đã kiến nghị đưa ra một đạo luật mới nhằm bảo vệ các nghệ sĩ khỏi những bình luận ác ý và tàn nhẫn trên mạng xã hội. Đạo này tạm thời được gọi là “Sulli Law” được đề ra với mong muốn bảo vệ những nghệ sĩ làm việc trong làng giải trí. Ngoài ra, một cuộc hội thảo với chủ đề chống lại vấn nạn bạo lực mạng xã hội dự kiến sẽ được tổ chức trong thời gian sắp tới với sự góp mặt của các đại diện hiệp hội nghệ thuật và văn hoá Hàn Quốc, hiệp hội bảo vệ nghệ sĩ Hàn Quốc cùng các nghệ sĩ đang làm việc trong ngành công nghiệp giải trí Hàn.

Sau cái chết đau thương của Sulli, chính phủ Hàn Quốc muốn ra luật Sulli để bảo vệ nghệ sĩ - 4

Ngày 15/10, Song Hye Kyo chính thức đâm đơn kiện hai cư dân mạng vì tung tin đồn không chính xác về đời tư của cô. 

Trong ngày hôm qua 15/10, một nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc - Song Hye Kyo đã quyết định đứng lên bảo vệ danh dự và tinh thần của chính bản thân mình. Cô đã đâm đơn kiện 2 cá nhân trong tổng số 15 người tung tin đồn thất thiệt về cuộc hôn nhân giữa cô và tài tử Song Joong Ki. Hai người này đã phát tán và bình luận về thông tin cô được một đại gia ở Trung Quốc “đỡ đầu” và là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân giữa cô và Song Joong Ki tan vỡ. Hành động của Song Hye Kyo nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng nghiệp trong làng giải trí cũng như những fan thực sự yêu mến và ủng hộ nữ diễn viên xinh đẹp xứ Hàn.

Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc là một trong những ngành công nghiệp khắc nghiệt nhất thế giới. Các nghệ sĩ muốn bước chân vào ngành công nghiệp này phải được tuyển chọn, đào tạo và luyện tập khắc nghiệt. Họ cũng phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm khắc mà chính công ty quản lý đặt ra. Họ phải luôn giữ hình ảnh hoàn hảo, sáng loà, tươi tắn trong mắt công chúng. Mọi sai lầm là không được chấp nhận. Nghệ sĩ Hàn không có cuộc sống đời tư cá nhân bởi chuyện hò hẹn, yêu đương, độc thân, kết hôn đều phải thông qua ý kiến người hâm mộ hay công ty giải trí. 

Eunice Chang - Giám đốc sản xuất của một công ty giải trí tại Hàn từng chia sẻ: “Thần tượng sẽ làm mọi thứ, bất cứ điều gì mà người hâm mộ muốn. Bởi người hâm mộ chính là lý do duy nhất để họ tồn tại”. Một cuộc sống không có thời gian nghỉ ngơi, phải làm việc cật lực 14 tiếng một ngày, phải sống theo đúng khuôn mẫu mà fan mong muốn đang đẩy nhiều nghệ sĩ trẻ của Hàn rơi vào sự trống rỗng, trầm cảm và cô đơn. Tại Hàn Quốc, trong vòng 10 năm nay, một năm có ít nhất 3 nghệ sĩ tự vẫn vì căn bệnh trầm cảm.

Sau cái chết đau thương của Sulli, chính phủ Hàn Quốc muốn ra luật Sulli để bảo vệ nghệ sĩ - 5

Seungri từ một thần tượng vạn người mê trở thành tội đồ trong mắt người hâm mộ sau khi anh điều tra vì liên quan tới đường giây môi giới mại dâm 

Mi Vân

Theo Naver

Dòng sự kiện: Ca sĩ Sulli tự vẫn