Bùi Thạc Chuyên nói gì về các tình tiết dễ gây tranh cãi ở "Địa đạo"?
(Dân trí) - Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã có những chia sẻ thẳng thắn về những tình tiết dễ gây tranh cãi trong bộ phim mới ra rạp đã gây sốt - "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối".
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã có những chia sẻ thẳng thắn về hành trình 11 năm làm phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.
Từ khi anh đặt bút viết những dòng kịch bản đầu tiên vào năm 2014 đến khi hoàn thiện tác phẩm và chiếu trên màn ảnh rộng.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong cuộc trò chuyện với phóng viên, tại Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Với Bùi Thạc Chuyên, câu chuyện Củ Chi rất đặc biệt, có giá trị lớn, thể hiện rõ tinh thần người Việt Nam trong chiến tranh. Anh ví vùng đất này như một "mỏ vàng" - càng để lâu càng quý - khác với những kịch bản khác mà anh từng mất hứng thú sau một thời gian.
Và đó là lý do Bùi Thạc Chuyên kiên trì theo đuổi dự án này, dù biết rằng đề tài lịch sử vốn từng nhận những "đao búa" từ khán giả và giới phê bình phim.
"Nếu chính tôi không mê, không "phát điên" vì nó thì đừng mong và hy vọng khán giả cũng sẽ thích - đó là nguyên tắc làm phim của tôi", Bùi Thạc Chuyên nói.
Nam đạo diễn cho biết, quá trình anh viết kịch bản diễn ra khá nhanh và tập trung: Từ năm 2014 đến năm 2016 đã hoàn thành.
Tuy nhiên, để có được những lời thoại miền Nam chân thực nhất, anh đã nhờ đến sự giúp đỡ của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Thêm vào đó, những lời khen ngợi từ một người dịch kịch bản sang tiếng Anh và một biên kịch Hollywood đã tiếp thêm động lực cho anh trong suốt quá trình thực hiện bộ phim.
Song, con đường từ ý tưởng đến màn bạc không hề bằng phẳng. Năm 2019, dự án từng được lên kế hoạch quay tại nước ngoài với vốn từ một công ty nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kế hoạch này đã bị trì hoãn.
Đến năm 2022, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên quyết định quay phim tại Việt Nam, bởi anh cảm thấy "nợ Củ Chi, nợ những anh hùng đã hy sinh".
Anh muốn tự tay kể câu chuyện này trên chính mảnh đất quê hương đã sinh ra nó, vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - một thời điểm vô cùng ý nghĩa.

Đạo diễn chia sẻ rằng, chiến tranh rất thảm khốc và đau thương (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Khác những bộ phim chiến tranh trước đây với những khoảnh khắc chiến thắng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối chọn lối đi táo bạo khi khắc họa nỗi đau thương, sự sinh tồn và nhân tính của con người trong hoàn cảnh khốc liệt, giữa khói lửa của chiến tranh.
Cách khai thác này ít nhiều gây ra dư luận trái chiều. Bùi Thạc Chuyên không ngại đối diện, anh thẳng thắn: "Chiến tranh thật sự là như vậy: Thảm khốc và kinh khủng lắm. Làm phim trong thời bình là kể về sự thật, giúp thế hệ hôm nay nhìn rõ sự thật để thấu hiểu hơn hy sinh của cha ông".
Anh muốn bộ phim tái hiện sự thật lịch sử một cách chân thực nhất, không chỉ là những hình ảnh hào hùng, mà còn là những khoảnh khắc sống còn đầy ám ảnh.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói rằng, anh đã cân nhắc kỹ khi đưa cảnh nóng vào phim và khẳng định nó mang thông điệp, ý nghĩa nhất định (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Một trong những tình tiết phim gây tranh cãi là cảnh cuối phim, khi nhân vật Ba Hương (Hồ Thu Anh) và Tư Đạp (Quang Tuấn) cứu một lính Mỹ bằng cách đưa ra khỏi địa đạo, chặt những cây chuối giữa khu rừng bị đốt kết thành bè để anh ta nằm lên đó. Một số khán giả cho rằng, cảnh này "hơi khiên cưỡng" và "quá nhân văn".
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lý giải: "Chi tiết đó hoàn toàn có thật, không hề hư cấu. Bờ sông và làng cũ vẫn còn những cây chuối gãy sót lại sau trận càn, không phải cháy hết như khán giả nghĩ. Cứu lính Mỹ là nhân tính của người Việt. Thấy người khổ, dù là kẻ thù vừa giết đồng đội, ta vẫn thương".
Anh cũng nhấn mạnh rằng, cảnh này không chỉ là một cái kết, mà là thông điệp về sự tha thứ - chìa khóa để chấm dứt hận thù, chiến tranh.
Đạo diễn lấy ví dụ về những bà mẹ Quảng Bình cụt chân vì bom, nhưng vẫn vui vẻ khi người Mỹ đến thăm, không hề oán trách. Điều này cho thấy, người Việt có tinh thần vị tha và luôn hướng đến hòa bình.
Ngoài ra, cảnh nóng giữa nhân vật Út Khờ với người đàn ông giấu mặt và Ba Hương với Tư Đạp trong phim cũng gây ra những ý kiến trái chiều.
Không ít khán giả thắc mắc: "Tại sao giữa mưa bom bão đạn, "nước sôi lửa bỏng" của cuộc chiến lại có chỗ cho yêu đương?", "Cảnh nóng có thật sự cần thiết trong phim?"...
Chia sẻ về điều này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giải thích rằng, cả 2 cảnh nóng trong phim đều thể hiện tiếng nói của khát vọng sống mãnh liệt giữa lằn ranh sinh tử.
Anh nhấn mạnh: "Con người trong chiến tranh, sợ chết nhưng không muốn buông xuôi. Họ muốn yêu và khát khao được tìm thấy nhau giữa bom đạn, khát khao được sống đến giây phút cuối cùng, đó là tính nhân bản".

Một cảnh trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Đạo diễn cho biết, tất cả đều lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Như chuyện mấy chục thanh niên xung phong ôm nhau trong hang đá trước khi chết, hay lời kể của anh hùng Tư Cang về những giây phút cận tử ở Củ Chi.
Tình yêu của Ba Hương với Tư Đạp cũng là một điểm nhấn trong phim. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: "Ba Hương yêu Tư Đạp mãnh liệt nhưng không bao giờ nói ra - cô liều mạng vượt qua phục kích Mỹ để ôm anh".
Điều này cho thấy, tình yêu cũng là một động lực mạnh mẽ giúp con người vượt qua mọi khó khăn trong chiến tranh.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ rằng, chiến tranh nhân dân - sức mạnh giúp người Việt vượt qua kẻ thù hùng mạnh - là linh hồn xuyên suốt Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.
Anh cũng hé lộ về cách người dân Củ Chi đào địa đạo, một chi tiết độc đáo được đưa vào phim.
Bùi Thạc Chuyên nói: "Dân đào hố sâu 2m, cách nhau 7m, nối hai đầu lại bằng sức người, không cần bản vẽ hay cốt pha. Chi tiết ấy thể hiện sự sáng tạo và ý chí bất khuất, tinh thần chịu đựng của những người nông dân Việt Nam bình dị trong chiến tranh".
Về những khó khăn trong quá trình sản xuất, đạo diễn cho biết, quay phim tại địa đạo thật là điều không thể, do đó, ê-kíp đã phải tự tạo ra mô hình địa đạo với yêu cầu "giả nhưng thật hơn cả thật".
Họ đã sử dụng cây giả, đá giả, nhờ tài năng và sáng tạo của các họa sĩ, những bối cảnh này khi lên phim thậm chí còn đẹp hơn cả địa đạo thật.
Anh mong muốn khán giả khi xem phim vừa cảm thấy chân thực vừa bị cuốn hút bởi hình ảnh được chăm chút.
Phim lịch sử thường bị cho là khó tiếp cận khán giả trẻ nhưng Bùi Thạc Chuyên không đồng tình với quan niệm đó.
Anh khẳng định: "Vấn đề không phải ở thể loại, mà là phim hay hoặc dở, thật hay giả, nếu không làm tới nơi thì khán giả sẽ phát hiện ra ngay".

Với Bùi Thạc Chuyên, việc một bộ phim có tiếp cận được với khán giả trẻ không nằm ở thể loại mà ở cách thể hiện (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Bùi Thạc Chuyên tin rằng, khán giả Gen Z thông minh, đã quen thuộc với phong cách điện ảnh quốc tế, nên Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối được xây dựng như một bộ phim sinh tồn - không phải câu chuyện tranh giành chiến thắng mà là hành trình bám trụ đến cùng.
Khán giả sẽ thấy ngạt thở, hồi hộp, nhưng cũng cảm nhận rõ tình yêu, hy sinh trong từng khoảnh khắc. Khi bộ phim hoàn thành, Bùi Thạc Chuyên không tự đánh giá giá trị của nó.
"Mọi sự đánh giá hãy để khán giả. Tôi đã làm hết sức mình, xong là thở phào vì hoàn thành một giấc mơ dài, rồi quên nó đi để bước tiếp", anh nói, giọng nhẹ nhàng nhưng đầy kiên định.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là phim chiến tranh đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân sản xuất, không có vốn nhà nước.
Phim lấy bối cảnh năm 1967 khi chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khốc liệt. Tại Củ Chi, đội du kích 21 người tại căn cứ Bình An Đông do Bảy Theo (Thái Hòa) chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ một nhóm thông tin tình báo ẩn náu dưới lòng đất. Họ trở thành mục tiêu tìm và diệt của quân đội Mỹ.
Tác phẩm kể về tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính, nhưng trên hết vẫn là tinh thần hy sinh vì Tổ quốc.
Phim được Bùi Thạc Chuyên ấp ủ kịch bản, sản xuất trong hơn 10 năm, được Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh TPHCM, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, UBND TPHCM... cùng nhân dân huyện Củ Chi hỗ trợ.