Ký ức nhà chồ Đà Nẵng qua bộ ảnh hiếm, chụp từ những năm 1980
(Dân trí) - Những hình ảnh đến nay chỉ còn trong ký ức người Đà Nẵng những năm 1980 được nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.
Triển lãm "Đà Nẵng ký ức và hiện tại" được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2023).
Triển lãm trưng bày 52 tác phẩm được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng - thực hiện vào những năm 1980.
Nghệ sĩ Ông Văn Sinh là một trong số rất ít nhiếp ảnh gia còn lưu giữ nguyên vẹn những bức ảnh Đà Nẵng chụp bằng phim quý hiếm (Ảnh: Hoài Sơn).
Triển lãm có nhiều bức ảnh chụp hình nhà chồ bên dòng sông Hàn 30 - 40 năm về trước; mô tả cuộc sống tạm bợ của người dân ở khu vực quận 3 cũ, nay là quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng (Ảnh được chụp lại tại Bảo tàng Đà Nẵng).
Chia sẻ ký ức về những căn nhà chồ ở Đà Nẵng, ông Sinh cho hay, nhà chồ thực chất là những lán trại nằm xiêu vẹo trên sông hoặc biển. Cột nhà bằng gỗ, vách và mái che bằng tôn, sàn nhà bằng ván gỗ ép tạm bợ. Người dân ở nhà chồ xả thải sinh hoạt hàng ngày, sống chung với ô nhiễm ngay trên sông.
Mỗi nhà chồ đều có chiếc cầu ván, cũng tạm bợ, gập ghềnh, để đi lại giữa nhà với bờ (Ảnh: Ông Văn Sinh).
Nhà chồ được dựng ngay trên dòng thủy lưu và không gian rất chật hẹp. Trời bão, phụ nữ và trẻ em vào bờ tìm nơi trú tránh, thanh niên trai tráng ở lại gỡ ván giữ nhà, khi không chống cự được nữa thì xuống ghe nổ máy chạy lòng vòng.
Có những trận bão, khi mọi người trở về, nhà chỉ còn lại những cọc gỗ, mái tôn, đồ đạc đều bị nước sông và gió cuốn đi.
"Ước mong lớn nhất của người dân sống ở nhà chồ lúc đó là có một miếng đất để cắm dùi trên bờ, để sống yên ổn hơn", ông Sinh nói (Ảnh: Ông Văn Sinh).
Công việc của những người đàn ông ở khu nhà chồ lúc đó chủ yếu chèo ghe đánh cá, đàn bà lội nước hoặc men theo những cây cầu khỉ đưa cá đi bán (Ảnh được chụp lại tại Bảo tàng Đà Nẵng).
Cuộc sống gắn liền với sông nước nên bữa cơm của những người dân sống trên nhà chồ cũng phập phù theo từng chuyến biển, không tích lũy được gì.
Nhiều người Đà Nẵng nhớ lại, hàng trăm căn nhà chồ trên sông giống như một gam màu buồn trong bức tranh toàn thành phố lúc bấy giờ. Ban đêm, nhìn từ quận 1 (quận Hải Châu hiện nay) sang bờ sông bên kia, ai cũng nhìn thấy những ngọn đèn dầu hiu hắt từ những căn nhà chồ dập dềnh trên sóng nước, cảm nhận đời sống bấp bênh, thiếu tiện nghi của cư dân nhà chồ (Ảnh được chụp lại tại Bảo tàng Đà Nẵng).
Bắt đầu từ năm 1997, trong công cuộc chỉnh trang đô thị, chính quyền thành phố nỗ lực giải tỏa, di dời hàng trăm hộ dân sinh sống trong nhà chồ lên bờ, bố trí chỗ ở cho người dân trong các khu chung cư.
Những xóm nghèo lay lắt trên sông dần được thay thế bằng những khu phố sạch đẹp, khang trang. Nhiều người dân coi đây là một cuộc đổi đời, giúp họ được sống yên ấm hơn.
Đến nay, hình ảnh về khu nhà tạm bợ trên sông Hàn vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ ông Đàm Quang Vinh (người dân quận Sơn Trà).
"Gia đình tôi và bạn bè tôi thời ấy từng sống trên khu nhà chồ An Hải, nay là phường Nại Hiên Đông. Nhiều năm trôi qua, khi nhìn lại sông Hàn, tôi vẫn không ngờ rằng cuộc sống đã thay đổi nhiều đến thế. Tôi vui vì các quyết sách đúng đắn của các cấp lãnh đạo thành phố vừa chỉnh trang đô thị, vừa tạo điều kiện cho cư dân nhà chồ ngày ấy có cuộc sống an cư lạc nghiệp hơn", ông Vinh chia sẻ (Ảnh được chụp lại tại Bảo tàng Đà Nẵng).
Sau khi xóa sổ nhà chồ, những cây cầu nổi tiếng nối đôi bờ thành phố, đầu tiên phải kể đến cầu Sông Hàn, đến cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, được đầu tư xây dựng, tạo điểm nhấn ấn tượng trong kiến trúc tổng quan của đô thị Đà Nẵng. Quan trọng hơn, xóa đi cảnh ngăn sông, cách chợ để hai bên bờ cùng phát triển, không còn câu ví von "con cái quận Ba không bằng bà già quận Nhất".
Trong hình là cảnh quan đô thị hai bờ sông Hàn những năm 1980 và bây giờ (Ảnh: Ông Văn Sinh).