Tuổi thọ, chiều cao của người dân TPHCM ngày càng tăng do đâu?
(Dân trí) - Số liệu thống kê cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân TPHCM tăng vọt sau 45 năm, đồng thời cao hơn tuổi thọ trung bình cả nước.
Tuổi thọ người dân TPHCM ngày càng tăng

Người dân TPHCM xếp hàng chờ đi tàu metro trong ngày chạy thử cuối cùng (Ảnh: Nam Anh)
Ngày 23/2, Sở Y tế TPHCM cho biết, tính từ năm 1979 đến năm 2024, tuổi thọ trung bình của người dân tại đây đã tăng từ 66 tuổi lên 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước (74,7 tuổi).
Đồng thời, chiều cao trung bình của dân số TPHCM đã được cải thiện đáng kể ở cả hai giới. Cụ thể, ở nam là từ 168,2cm (năm 2014) lên 169,2cm (năm 2019), còn ở nữ là 155,9cm lên 157cm trong cùng mốc thời gian tương ứng.
Để có kết quả này, trong suốt 50 năm hình thành và phát triển, ngành y tế TPHCM luôn xác định việc nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.
Sở Y tế TPHCM điểm lại, ngay sau ngày giải phóng, trước những khó khăn do chiến tranh để lại, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo nhằm nâng cao sức khỏe người dân.
TPHCM đã thành lập Trạm vệ sinh phòng dịch thành phố và các đội vệ sinh phòng dịch ở quận, huyện cùng các trạm y tế phường, xã. Đây là lực lượng nòng cốt giúp triển khai phong trào ''5 dứt điểm'' và xây dựng ''3 công trình vệ sinh'', sau đó là 10 điểm trong chương trình săn sóc sức khỏe ban đầu.

Nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân vào năm 1975 (Ảnh: SYT).
Các hoạt động trên đã góp phần làm giảm và khống chế được các dịch bệnh sốt rét, dịch tả, dịch hạch, thương hàn, sốt xuất huyết…; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, mù lòa, khắc phục tình trạng khan hiếm thuốc men sau ngày đất nước thống nhất.
Nhiều dịch bệnh được kiểm soát
Từ sau khi chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia được Bộ Y tế triển khai, các dịch bệnh truyền nhiễm đã dần được kiểm soát.
TPHCM cùng cả nước đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005. Song song đó, các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccine như ho gà, bạch hầu, uốn ván, sởi đều giảm đáng kể.
Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi tại TPHCM luôn đạt trên 95%, giữ vững được thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác cũng đã được loại trừ (như sốt rét từ năm 2020 và bệnh phong từ năm 2023).

Người dân TPHCM đưa trẻ đến trạm y tế tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (Ảnh: SYT).
Sau 35 năm tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam được phát hiện vào năm 1990, TPHCM đã triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội và về chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đến nay, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn TPHCM từng bước được kiểm soát. Địa phương hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Từ bài học kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh và nhất là sau đại dịch Covid-19, ngành y tế đã tham mưu UBND TPHCM ban hành đề án "Củng cố tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố".
Trong đó, củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh rộng khắp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch bệnh, như hợp tác với tổ chức OUCRU, CDC Hoa Kỳ... Thành công của hoạt động trên được minh chứng bằng việc TPHCM kiểm soát hiệu quả dịch sởi trong năm 2024.
Nỗ lực củng cố, phát triển hệ thống y tế cơ sở
Bên cạnh những dấu ấn trong công tác phòng chống dịch, những năm qua, TPHCM đã nỗ lực củng cố hệ thống y tế cơ sở, phát triển y tế cộng đồng và triển khai các chương trình sức khỏe.
Nhiều hoạt động đã được triển khai như: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các trạm y tế để đảm bảo chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; Tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở thông qua Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND ngày 7/4/2022;
Hình thành mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng thông qua Đề án "Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng" được UBND TPHCM phê duyệt; Tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho các trạm y tế thông qua kết nối hội chẩn từ xa (hệ thống telemedicine);
Triển khai hệ thống chẩn đoán hình ảnh tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) tại trạm y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ); Đấu thầu thuốc từ riêng lẻ sang đấu thầu gộp cho tuyến y tế cơ sở nhằm đáp ứng đủ cơ số thuốc; Triển khai gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm (WHO-PEN)…
Song song đó, nhiều hoạt động chăm sóc người dân một cách toàn diện đã được triển khai, như: chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản, sức khỏe học đường, khám sức khỏe cho người cao tuổi, chương trình thí điểm chăm sóc sức khỏe răng miệng học sinh…
Các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số cũng được thực hiện rất hiệu quả từ năm 2008, thông qua hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và sàng lọc trước sinh - sàng lọc sơ sinh, giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra.
Đặc biệt, ngành y tế TPHCM còn có các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân; triển khai "cấp cứu trầm cảm"...
Nhiều thách thức mới với ngành y tế TPHCM
Bên cạnh những thành quả đạt được, Sở Y tế TPHCM cho biết còn phải giải quyết nhiều thách thức mới.
Đó là gánh nặng bệnh tật kép, với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm, trong khi các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi vẫn tiếp tục xuất hiện.
Song song đó, còn có sự gia tăng của các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, như tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống bất lợi cho sức khỏe…
Trong năm 2025, ngành y tế tiếp tục tham mưu UBND TPHCM ban hành "Đề án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân", cũng như một số giải pháp góp phần làm tăng tổng tỷ suất sinh giai đoạn 2025-2030.