Các trường tính thang điểm chung cho mọi phương thức xét tuyển như thế nào?
(Dân trí) - Kể từ năm 2025, các trường đại học phải quy đổi điểm các phương thức tuyển sinh về cùng một thang điểm.
Bỏ xét tuyển sớm và quy đổi các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển về một thang điểm chung là hai điểm mới đáng lưu ý của kỳ tuyển sinh đại học năm 2025.
Hiện chưa có trường đại học nào công bố cách thức quy đổi điểm tương đương cho các phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, năm 2024, một số trường đã thực hiện việc quy đổi này.
Cụ thể, Đại học Kinh tế Quốc dân dùng thang 30 cho mọi phương thức xét tuyển.
Với phương thức xét tuyển bằng SAT, ACT, bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội (TSA), bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA), đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM (APT), điểm xét tuyển (ĐXT) theo thang 30 được xác định như sau:
ĐXT = điểm quy đổi SAT/ACT/TSA/HSA/APT + điểm ưu tiên (nếu có)
Trong đó, điểm quy đổi SAT = điểm SAT x 30/1600.
Điểm quy đổi ACT = điểm ACT x 30/36.
Điểm quy đổi HSA = điểm HSA x 30/150.
Điểm quy đổi APT = điểm APT x 30/1200.
Điểm quy đổi TSA = điểm TSA x 30/100.
Với phương thức xét kết hợp điểm HSA/APT/TSA với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, công thức tính được thực hiện như sau:
ĐXT = điểm quy đổi CCTAQT + điểm quy đổi HSA/APT/TSA x 2/3 + điểm ưu tiên (nếu có)
Trong đó các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được quy đổi sang thang điểm 10.

Bảng quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh chụp màn hình).
Với cách quy đổi như trên, những thí sinh dùng phương thức xét tuyển kết hợp có lợi nhất. Trong khi đó, những thí sinh dùng bài thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực sẽ bị thiệt nhất.
Tuy nhiên, năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân chia nhỏ chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh.
Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội có công thức quy đổi điểm sang thang điểm 30 chi tiết hơn.
Theo đó, thí sinh dự tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực được tính hệ số 2 cho phần tư duy định lượng.
ĐXT = (Điểm tư duy định lượng x 2 + điểm tư duy định tính + điểm Khoa học) x 30/200 + điểm ưu tiên (nếu có).
Riêng cách tính điểm xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế như SAT, A-Level, ACT tương tự như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
ĐXT = (Điểm SAT x 30/1600 + điểm ưu tiên) hoặc (điểm ACT x 30/36 + điểm ưu tiên) hoặc (điểm Alevel tổng các môn toán, lý, hóa/10 + điểm ưu tiên).
Với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, Trường Đại học Công nghệ cũng quy đổi sang thang điểm 10, trong đó IELTS tối thiểu 5.5 được tính tương đương 8,5 điểm.

Bảng quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Trường Đại học Công nghệ (Ảnh chụp màn hình).
Đáng chú ý, với thí sinh dự tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tổ hợp D01, trường nhân hệ số 2 cho môn toán và tiếng Anh.
ĐXT = (Toán x 2 + tiếng Anh x 2 + văn) x 3/5 + điểm ưu tiên
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương cũng dùng thang điểm 30 đối với tất cả phương thức xét tuyển.
Điểm khác biệt trong cách quy đổi của trường Ngoại thương là hai chứng chỉ SAT và ACT được tính trên thang 20. Theo đó, mức điểm SAT tối thiểu 1.260-1.290 tương đương 17 điểm. SAT 1.530-1.600 đạt tối đa 20 điểm.

Bảng quy đổi chứng chỉ quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương (Ảnh chụp màn hình).
Trong khi IELTS từ 6.5 đến 9.0 tương đương 8,5-10 điểm.

Bảng quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương (Ảnh chụp màn hình).
Như vậy, khi tính điểm xét tuyển cho phương thức kết hợp IELTS với SAT/ACT hoặc điểm toán trong A-Level, ĐXT sẽ không vượt quá 30 điểm.
Ví dụ, một thí sinh có SAT 1.380, IELTS 6.5, không có giải học sinh giỏi quốc gia và điểm ưu tiên chính sách/khu vực, nếu áp dụng bảng quy đổi năm 2024 sẽ có điểm xét tuyển như sau:
Điểm xét tuyển = SAT 1.380 + IELTS 6.5 = 18 + 8,5 = 26,5 điểm.
Mức điểm này chỉ đỗ vào rất ít ngành của Trường Đại học Ngoại thương năm 2024 như chương trình chất lượng cao ngành tiếng Nhật thương mại, chương trình chất lượng cao ngành tiếng Pháp thương mại, chương trình chất lượng cao quản trị kinh doanh quốc tế.
Với phương thức xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực, Trường Đại học Ngoại thương có công thức tính riêng biệt như sau:
ĐXT = [27 + (Điểm HSA - 100) x 3/50 + điểm ưu tiên] hoặc [27 + (Điểm APT - 850) x 3/350 + điểm ưu tiên].
Ví dụ, thí sinh thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024 với 129/150 điểm nếu dự tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương sẽ có số điểm như sau:
ĐXT = 27 + (129-100) x 3/50 = 28,74
Mức điểm này trúng tuyển vào tất cả các ngành của Trường Đại học Ngoại thương năm ngoái.
Năm 2025, việc quy đổi điểm tương đương cho các phương thức xét tuyển là bắt buộc tại 100% các trường đại học, cao đẳng. Nếu mỗi trường đại học sử dụng một công thức riêng để quy đổi điểm tương đương về thang 30, mỗi thí sinh có thể sẽ có nhiều kết quả điểm khác nhau.
Đặc biệt, khi các trường công bố điểm tại cùng một thời điểm trên hệ thống chung, việc xác định kết quả trúng tuyển của thí sinh sẽ trở nên phức tạp hơn.