Khách Việt tới quốc gia kỳ lạ: Giá xăng rẻ hơn nước, tòa nhà đều ốp trắng
(Dân trí) - Hành trình tới Turkmenistan khiến chị Thúy Anh đi từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác. Đây là nơi giá xăng dầu chỉ khoảng 7 xu Manat một lít (5.000 đồng) rẻ hơn nước uống.
Quốc gia kỳ lạ: Xăng rẻ hơn nước uống, chụp ảnh bảo tàng phải trả tiền
Chị Hoàng Thị Thúy Anh, người Mỹ gốc Việt, hiện sinh sống tại thành phố Dallas thuộc tiểu bang Texas, Mỹ. Tháng 9, trong hành trình chinh phục các quốc gia trên con đường tơ lụa, chị Thúy Anh đã có chuyến đi 5 ngày với nhiều bất ngờ tại Turkmenistan, quốc gia nằm ở khu vực Trung Á.
Khi tìm hiểu thông tin về du lịch ở Turkmenistan, vị khách gốc Việt ngạc nhiên vì không có nhiều dữ liệu. Hỏi thăm những khách du lịch từng đi vòng quanh thế giới và nhắc tới tên quốc gia này, câu trả lời chị nhận được lại là những cái lắc đầu của mọi người.
"Lúc đó tôi đã băn khoăn không hiểu sao tới Turkmenistan lại khó khăn như vậy. Cho dù là nơi nguy hiểm tới đâu, tôi vẫn muốn tới chinh phục giống như người tiên phong mở đường", chị tâm sự.
Trên thực tế, Turkmenistan vốn là một trong những quốc gia có lượng khách quốc tế đến ít nhất trên thế giới. Theo tờ Business Insider, đây là một trong những quốc gia áp dụng chính sách khắt khe với khách quốc tế.
Quốc gia này được coi "không cởi mở" với khách nước ngoài bởi chính sách visa khó khăn. Nếu đi theo con đường tơ lụa, du khách có thể xin visa vào Turkmenistan qua một số nước như Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ...
Tour tới Turkmenistan không bán trước cả năm và khách chỉ có thể mua trước chuyến đi khoảng 2 tháng. Tầm 1 tháng trước thời điểm khởi hành, chị mới nhận đủ giấy tờ do bên công ty lữ hành gửi qua. Chị chọn private tour (tour riêng tư) với giá 2.100 USD (53 triệu đồng).
Quốc gia này không cho du khách dùng thẻ tín dụng nên chị phải chuyển trước một khoản phí cho đơn vị lữ hành và sẽ gửi nốt khoản còn lại bằng tiền mặt khi tới nơi.
Tại sân bay quốc tế Khiva của Uzbekistan, sau khi làm thủ tục tốn khá nhiều thời gian, vị khách Việt thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng được lên máy bay.
Hành trình kéo dài khoảng 5 tiếng. 2h sáng (theo giờ địa phương), máy bay hạ cánh xuống sân bay của thủ đô Ashgabat, Turkmenistan. Vừa bước chân ra khỏi máy bay để tới khu vực chờ nhập cảnh, cảnh hàng dài dòng người đứng chờ xếp hàng làm xét nghiệm PCR Covid-19 khiến vị khách bối rối.
"Tôi liên tục bay tới các quốc gia và thấy rằng hiện các nước đều dỡ bỏ việc xét nghiệm Covid-19. Thậm chí nhiều quốc gia còn coi đây là bệnh phổ thông trong khi Turkmenistan vẫn tiếp tục duy trì việc xét nghiệm".
Lúc đứng trong hàng chờ đợi tới lượt, chị được hai vị khách người Romania bắt chuyện. Họ hỏi lý do tại sao chị muốn tới đây. Vị khách Việt cho biết chỉ vì muốn đi hết thế giới và không định bỏ sót bất cứ nơi nào. Nghe thấy vậy, hai người đàn ông Romania đều ngạc nhiên.
"Chúng tôi vì lý do công việc nên tới đây. Còn chị đến vì muốn du lịch sao? Đây là nước rất kỳ lạ đó", vị khách nhắc nhở.
Chuyến bay đêm khá lạnh nhưng hành khách không được phát chăn để đắp khiến chị Thúy Anh hắt hơi, sổ mũi. Chị lo lắng nếu không may kết quả xét nghiệm nằm ngoài ý muốn, có lẽ hành trình phải đổ bể. Rất may mọi việc đều suôn sẻ.
Chi phí cho việc xét nghiệm Covid hết 35 USD (880.000 đồng) và chị trả nốt phí visa nên tổng cộng số tiền là 110 USD (2,7 triệu đồng). Tất cả đều được chi trả bằng tiền mặt.
Sau khi xong các thủ tục, chị cùng hướng dẫn viên du lịch ra khỏi sân bay. Lúc này là khoảng 3h sáng.
Lần đầu tiên chị Thúy Anh được chứng kiến một thành phố ngủ say đúng nghĩa, hoàn toàn không có xe cộ đi lại trên đường. 3h sáng nhưng thành phố vẫn bật đèn sáng trưng như ban ngày. Xung quanh bao phủ bởi sự im lìm kỳ lạ đúng như những gì vị khách người Romania cảnh báo trước đó.
"Thực sự nơi này đặc biệt đến thế sao", một suy nghĩ bất giác lóe lên trong đầu nhưng chị không muốn để tâm thêm nữa.
Sáng hôm sau khi bước chân ra phố, nhiều bất ngờ khiến vị khách Việt thực sự ngạc nhiên. Đường phố sạch bóng không thấy một cọng rác dù thành phố nằm ở rìa sa mạc Karakum. Cứ vài dãy nhà, khách lại thấy có nhân viên vệ sinh liên tục lau dọn.
Xe cộ đi trên đường đều quy định chỉ sử dụng loại xe màu trắng. Cả thành phố từ nơi công sở tới nhà dân đều được ốp đá cẩm thạch trắng sáng bóng. Chẳng thế mà thủ đô Ashgabat có tên trong danh sách kỷ lục Guiness trở thành "Nơi sở hữu nhiều tòa nhà bằng đá cẩm thạch nhất thế giới".
Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, vào khoảng 1h sáng năm 1948, một trận động đất với cường độ 7,3 bất ngờ xảy ra. Thảm họa kinh hoàng này đã biến thành phố Ashgabat thành đống đổ nát và ghi nhận hơn 110.000 người thiệt mạng.
Sau thảm họa, chính quyền thành phố đã quy hoạch và cho xây dựng mới hoàn toàn với chất liệu chủ đạo là đá cẩm thạch ở tất cả các công trình như ngày nay.
Do thành phố nằm sát sa mạc, nhằm đảm bảo chất lượng không khí, chính quyền địa phương cho trồng rất nhiều thông từ viền ngoài ngoại ô cho tới nội đô. Cây xanh vừa thanh lọc không khí, đi tới đâu khách cũng ngửi thấy mùi thông rất thơm.
Ngay trong ngày đầu khám phá thành phố, một trong những điều khiến chị Thúy Anh sửng sốt là giá xăng dầu ở đây rất rẻ, thậm chí còn rẻ hơn cả nước uống.
Turkmenistan là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 6 thế giới. Vào thời điểm tháng 9 khi vị khách gốc Việt tới đây, một lít xăng chỉ có giá 0,7 Manat (khoảng 5.000 đồng).
Trong khi đó, theo báo cáo số liệu từ Time Camp, mức lương trung bình hàng tháng của người dân Turkmenistan từ 200 USD đến 400 USD. Chính vì vậy, giá vé máy bay khứ hồi từ Turkmenistan tới Việt Nam có những lúc chỉ khoảng 200 USD (5 triệu đồng).
Khi di chuyển cùng hướng dẫn viên, chị Thúy Anh được tìm hiểu những quy định của nước sở tại. Một trong số đó chính là du khách không được phép chụp ảnh những gì liên quan tới chính phủ, cảnh sát, nhân viên bảo vệ. Nếu vô tình nhắc tới chính trị hay phàn nàn về sự xuất hiện của lực lượng vũ trang, du khách có thể gặp rắc rối.
Muốn tự mình chụp ảnh khi tham quan bảo tàng, khách phải chấp nhận trả chi phí với giá khoảng 3 USD (75.000 đồng). Và đương nhiên, trước khi định giơ máy ảnh lên, du khách cần hỏi trước hướng dẫn viên xem khu vực này có cho phép chụp ảnh hay không.
Tới thăm "Hố địa ngục" bốc cháy ngùn ngụt suốt hơn 50 năm
Lịch trình của ngày tiếp theo khiến vị khách gốc Việt rất háo hức. Chị sẽ được tận mắt chứng kiến "Hố địa ngục" nằm ở sa mạc với ngọn lửa bốc cháy không ngừng nghỉ suốt hơn 50 năm qua.
"Hố địa ngục" Darvaza là hố lửa khổng lồ với đường kính gần 70m, sâu 20m, nằm ở trung tâm sa mạc Kakarum thuộc phía bắc Turkmenistan. Ngọn lửa bốc cháy suốt đêm ngày tạo thành quầng sáng màu vàng lớn, có thể nhìn thấy cách đó vài ki-lô-mét.
Nếu như ban ngày, người ta chỉ nhìn thấy hố lửa ở khoảng cách gần, thì vào ban đêm, ánh sáng bốc lên rực cả một vùng trời. Người quan sát có thể thấy rõ khối lửa khổng lồ đang bùng lên giữa sa mạc.
Đây không phải là miệng hố lửa của tự nhiên, mà là sản phẩm do con người vô tình tạo nên. Năm 1971, khi tiến hành khoan, các nhà địa chất Liên Xô đã khoan vào một túi khí. Mặt đất bên dưới dàn khoan bị đổ sụp tạo thành hố lớn với đường kính 70m. Nhằm tránh khí rò rỉ gây độc, các nhà địa chất quyết định đốt nó.
Ban đầu, nhóm chuyên gia dự kiến lửa sẽ đốt cháy khí trong vòng vài ngày sẽ kết thúc. Tuy nhiên, điều không ngờ đã xảy ra. Đến nay qua hơn một nửa thế kỷ, hố lửa khổng lồ vẫn chưa có dấu hiệu tắt ngấm. Cái tên "Hố địa ngục" cũng ra đời từ đó.
Ngày nay, hố lửa khổng lồ trở thành điểm hấp dẫn với những du khách mê mạo hiểm. Và chị Thúy Anh là một trong số đó.
Xuất phát từ thủ đô Ashgabat, chiếc xe di chuyển suốt 4 tiếng trên quãng đường gập ghềnh gồm đường núi và đường sa mạc. Hành trình di chuyển rất vất vả, liên tục vấp phải ổ gà do đường xấu và khó đi.
Trước chuyến đi, khi tham khảo thông tin từ nhiều blogger du lịch, chị Thúy Anh thấy có người nói rằng cần chuẩn bị các trang phục chống lửa. Nhưng lần này, người hướng dẫn viên không nhắc chị phải chuẩn bị gì.
Tầm 15h, xe mới tới nơi. Nhìn bao quát xung quanh, vị khách thấy có khoảng hơn chục chiếc lều trại cắm rải rác với ước chừng 30-40 du khách tới khám phá.
"Cảnh tượng ngoạn mục ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chỉ cần đứng gần một chút đã thấy hơi nóng phả vào mặt khiến tôi có cảm giác như có một con quỷ từ hố lửa sắp chui lên. Hướng dẫn viên luôn nhắc nhở tôi cần để ý hướng gió để tránh nguy hiểm.
Khí bốc lên là khí metan có hại cho sức khỏe nhưng không gian xung quanh rất rộng nên du khách vẫn có thể hít thở bình thường mà không cần đeo mặt nạ phòng độc", chị Thúy Anh mô tả.
Đây cũng là đêm đầu tiên chị được trải nghiệm ngủ ở lán trại nằm cách hố lửa khá xa nhằm đảm bảo an toàn. Về đêm, xung quanh tĩnh lặng vắng vẻ và dường như lửa còn bốc ngùn ngụt hơn ban ngày, tạo cảm giác không khác gì đường đi vào địa ngục.
Nhân cơ hội đặt chân tới đây, chị Thúy Anh tranh thủ đặt câu hỏi với hướng dẫn viên nhằm tìm kiếm lời giải thích khiến bản thân băn khoăn suốt thời gian dài: "Tại sao quốc gia Turkmenistan rất đẹp nhưng lại ít muốn đón khách quốc tế tới du lịch?"
Khá bất ngờ với câu hỏi của vị khách, người hướng dẫn viên cho biết, Turkmenistan đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử bị đô hộ, chiến tranh xảy ra liên miên. Sau khi giành độc lập, quốc gia này muốn tìm kiếm sự hòa bình, yên ả. Nền kinh tế của họ phát triển dựa vào nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ chứ không phải nguồn thu từ du lịch.
"Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, chúng tôi buộc phải làm vậy để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ", người hướng dẫn viên nhấn mạnh.
Trong hành trình 5 ngày của mình, vị khách Việt còn tới thăm nhiều bảo tàng lịch sử để tìm hiểu thêm kiến thức về văn hóa, địa lý. Với chị, đây là chuyến đi hoàn toàn xứng đáng.
Theo vị khách này, về ẩm thực, đồ ăn tại đây được đánh giá khá ngon và giá rẻ. Khẩu vị các món ăn hợp với hương vị của người Việt.
Lúc tới sân bay, khách phải mở toàn bộ hành lý để cho nhân viên hải quan kiểm tra những món đồ lưu niệm đã mua. Bởi vậy, du khách có thể cân nhắc.
Nội dung: Việt Hà - Huyền My
Ảnh: Hoàng Thị Thúy Anh