Xem trai làng đánh trần, tranh nhau quả cù nặng 10kg đẽo từ gốc chuối
(Dân trí) - Trai làng đánh trần, sử dụng sức mạnh của đôi tay, sự khéo léo, bền bỉ và tinh thần chiến đấu để tranh cướp quả cù được đẽo từ gốc cây chuối sứ nặng cả yến.
Vật cù là trò chơi dân gian truyền thống trong khuôn khổ lễ hội Đền Bạch Mã - một trong 4 ngôi đền thiêng xứ Nghệ, gắn với câu thành ngữ: Nhất Cờn (đền Cờn - Quỳnh Lưu), Nhì Quả (đền Quả Sơn - Đô Lương), Tam Bạch Mã (đền Bạch Mã - Thanh Chương), Tứ Chiêu Trưng (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 9-10 tháng Hai âm lịch hàng năm.
Sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19, hội vật cù được nối lại với 6 đội thi đấu đến từ các xã trên địa bàn huyện Thanh Chương (Ảnh: Nguyễn Đạo).
Cù là một vật hình tròn, nặng khoảng 10kg. Theo ông Nguyễn Trọng Tân (70 tuổi, quê xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương) - đảm trách nhiệm vụ trọng tài các trận vật cù thì cù được đẽo từ gốc cây chuối sứ (chuối hột).
"Phải là gốc chuối già tầm 3-4 năm tuổi, như vậy mới có độ cứng, nhiều nhựa và độ liên kết cao, không vỡ trong quá trình các "cù thủ" tranh cướp", ông Tân cho hay.
Các trận vật cù có 2 đội, đại diện cho 2 xã tham gia. Đó là những trai đinh khỏe mạnh, không phân biệt tuổi tác, có tinh thần chiến đấu cao. Các "cù thủ" cởi trần, mặc quần ngắn để dễ vận động, phân biệt 2 đội bởi màu sắc của dải đai lưng. Để tránh gây thương tích cho đối phương trong quá trình tranh cướp, các "cù thủ" phải cắt móng tay sạch sẽ. Trong ảnh là trọng tài kiểm tra móng tay của các cù thủ trước trận đấu.
Các "cù thủ" tranh cướp quyết liệt ngay khi vào sân. Theo ông Nguyễn Trọng Tân, khởi thủy của trò vật cù là ở xã Xuân Tường (huyện Thanh Chương), khi Lễ hội Đền Bạch Mã được tổ chức, trò chơi dân gian này được đưa vào và trở thành hoạt động không thể thiếu của lễ hội này.
Trước đây, vật cù được tổ chức ở nương mạ (khoảnh ruộng để bắc lúa giống - PV) ngập bùn đất trơn trượt để thử thách độ dẻo dai, khéo léo và sức mạnh của các "cù thủ". Khi đưa vào lễ hội, vật cù được tổ chức trên sân cát nhưng số lượng thành viên của mỗi đội không thay đổi, 7 người.
Theo luật chơi, "cù thủ" của mỗi đội dùng tay ôm quả cù cố gắng chạy đến, bỏ vào "gôn" của đối phương. Gôn là một lỗ được khoét sâu xuống, đủ lọt quả cù. Đương nhiên, các đợt "tấn công" của từng đội sẽ gặp sự ngăn cản quyết liệt của đối phương. Mỗi trận được chia làm 2 hiệp đấu, một hiệp kéo dài 15 phút.
Theo luật chơi, quả cù phải được lăn, ôm hoặc ném tầm thấp đến gôn của đối phương, tuyệt đối không được ném cao hơn đầu để tránh gây thương tích. Quả cù có nhiều nhựa, mặt ngoài khá nhẵn nên gây khó khăn cho các "cù thủ" trong việc giữ cù.
Để tránh sự truy cản từ đội bạn, các "cù thủ" thường chọn cách an toàn nhưng cũng mất sức hơn đó là... nằm xuống để ôm cù. Mỗi khi có "cù thủ" ôm cù nằm xuống, có khoảng 5-6 thành viên của 2 đội nhào vào để giữ và cướp cù. Các "cù thủ" chỉ được dùng sức mạnh của đôi tay để cướp cù trong tay đối phương, không được xô đẩy, lôi kéo hay gây thương tích cho nhau.
Một pha tranh chấp quyết liệt giữa hai "cù thủ" đến từ đội xã Võ Liệt và đội xã Thanh Khê nhìn từ trên cao (Ảnh: Nguyễn Đạo).
Theo ghi chép để lại, trò vật cù gắn với hình thức tuyển binh của tướng Phan Đà, một vị tướng thời nhà Lê được thờ trong đền Bạch Mã. Khi được Bình Định Vương Lê Lợi giao trọng trách tuyển mộ binh lính, tướng Phan Đà đã tổ chức thi vật cù để chọn ra các trai đinh khỏe mạnh, dẻo dai, mưu lược... Ngày nay, vật cù trở thành một nét độc đáo tại lễ hội đền Bạch Mã.
"Cù thủ" Ngũ Văn Quang (47 tuổi, xã Võ Liệt) là người ghi bàn đầu tiên cho đội nhà trong giải đấu lần này. Anh Quang đã có hơn 10 năm tham gia vật cù và trở thành thành viên chủ chốt của đội mặc dù tuổi tác đã khá cao.
Kết thúc trận đấu khai màn, đội xã Võ Liệt ghi được 2 điểm và giành chiến thắng trước đội xã Thanh Khê. "Quan trọng nhất là ý chí và tinh thần quyết tâm. Ai vào sân cũng đều có quyết tâm cao nhất, thi đấu lăn xả nhưng đoàn kết, cao thượng. Đội chúng tôi giành được điểm là nhờ vào may mắn chứ không phải giỏi hơn đội bạn", anh Quang chia sẻ.
Mặc dù tranh chấp quyết liệt nhưng các "cù thủ" hai đội thi đấu đầy tinh thần thượng võ, đoàn kết, hoàn toàn không có sự ăn thua, cống hiến cho khán giả những trận cười sảng khoái. Hội vật cù diễn ra trong 2 ngày, 28/2 và 1/3, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài huyện tới xem và cổ vũ.