Vì sao "Em bé Napalm" là một trong các ảnh báo chí nổi tiếng nhất thế giới?

Việt Hà

(Dân trí) - World Press Photo tạm ngừng xác nhận nhiếp ảnh gia Nick Út là tác giả của bức ảnh "Em bé Napalm", nhưng khẳng định giá trị của bức ảnh chụp được khoảnh khắc quan trọng nhất trong lịch sử ở thế kỷ 20.

Sau 5 tháng điều tra, mới đây Tổ chức World Press Photo (Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới) công bố kết quả cuộc điều tra riêng. Cụ thể, thông báo đình chỉ ghi nhận nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) là tác giả bức ảnh Em bé Napalm, một trong những bức ảnh tiêu biểu của thế kỷ 20.

Bà Joumana El Zein Khoury, Giám đốc World Press Photo ngày 16/5 khẳng định, việc tổ chức đình chỉ ghi nhận nhiếp ảnh gia Nick Út là tác giả không đồng nghĩa với việc rút danh hiệu Ảnh của năm 1973 (Photo of the Year 1973) của bức ảnh.

Vì sao Em bé Napalm là một trong các ảnh báo chí nổi tiếng nhất thế giới? - 1
Theo World Press Photo, bức ảnh Em bé Napalm có thể do một nhiếp ảnh gia khác chụp (Ảnh: AP).

"Giá trị bức ảnh là điều không thể tranh cãi. Nó tiếp tục gây ảnh hưởng tại Việt Nam, Mỹ và trên toàn thế giới. Đến nay, giải thưởng dành cho khoảnh khắc tiêu biểu của thế kỷ 20 vẫn được ghi nhận", bà Khoury khẳng định.

Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một em bé Việt Nam có tên Phan Thị Kim Phúc, chạy trốn khỏi cuộc tấn công bằng bom napalm ở Trảng Bàng (Tây Ninh) vào năm 1972. Khi đó, cô bé mới 9 tuổi, hoảng loạn bỏ chạy cùng một số đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ.

Khoảnh khắc này đã bóc trần sự thật về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Tờ ABC (Australia) nhận định, khoảnh khắc em bé 9 tuổi bị bỏng nặng, trên người không một mảnh vải che thân, hoảng loạn chạy khỏi vụ ném bom, từ lâu trở thành biểu tượng toàn cầu về sự tàn khốc của chiến tranh.

Trong một bài viết đăng tải trên CNN (Mỹ), tác giả Oscar Holland cho rằng, bức ảnh không chỉ trở thành biểu tượng của chiến tranh Việt Nam, còn là hình ảnh định hình cả thế kỷ 20.

"Khói đen cuồn cuộn phía sau. Gương mặt các em nhỏ hiện rõ nỗi kinh hoàng và đau đớn. Bức ảnh phơi bày sự tàn khốc, phi nhân tính của một cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu dân thường", một phần nội dung bài viết chia sẻ.

Vì sao Em bé Napalm là một trong các ảnh báo chí nổi tiếng nhất thế giới? - 2
Nhiếp ảnh gia Nick Út bên cạnh bà Kim Phúc (trái), nhân vật chính trong bức ảnh Em bé Napalm, tại một sự kiện vào năm 2022 (Ảnh: AP).

Tạp chí New Statesman (Anh) đã công nhận Em bé Napalm là một trong những bức ảnh thời sự mang tính biểu tượng, ấn tượng nhất mọi thời đại.

"Hình ảnh từ lâu đã trở thành biểu tượng toàn cầu về sự tàn khốc của chiến tranh, khơi dậy lương tri và cảm xúc mạnh mẽ trong lòng công chúng quốc tế", một phần nội dung bài viết đăng tải.

Vào thời điểm bức ảnh được công bố, Em bé Napalm xuất hiện trên trang nhất của hơn 20 tờ báo hàng ngày hàng đầu nước Mỹ. Bởi vậy nhiều người cho rằng, bức ảnh càng khiến dư luận thế giới phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ thực hiện ở Việt Nam.

Sau đó, bức ảnh lịch sử này được trao giải ảnh báo chí Pulitzer (Mỹ) năm 1973. Trong cuộc bình chọn của Đại học Columbia, bức ảnh được xếp thứ 41 trong số 100 ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Trong thế kỷ 20, Em bé Napalm trở thành biểu tượng mạnh mẽ của phong trào phản chiến trên toàn thế giới.

Bà Kim Phúc may mắn sống sót sau vụ việc, hiện sinh sống ở Canada. Bà đã viết sách để kể lại trải nghiệm của mình, đồng thời thành lập "Kim Foundation International". Đây là một tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Năm 1997, bà được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí vì hòa bình của Liên Hợp Quốc, thường xuyên đi khắp thế giới để chia sẻ câu chuyện cuộc đời và thông điệp về sức mạnh của sự tha thứ.

Trong một lần về Hà Nội dự sự kiện ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam năm 2022, bà Kim Phúc chia sẻ, lần đầu tiên bà nhìn thấy bức hình là sau 14 tháng nằm ở bệnh viện. Nhìn những vết sẹo loang lổ trên cơ thể mình, bà đã từng nghĩ mình sẽ không thể có người yêu, không thể kết hôn.

"Em bé Napalm" nói không thích bức ảnh đó vì cho rằng mình rất xấu xí. Sau khi từ viện về bà đã nuôi giấc mơ lớn lên sẽ trở thành bác sĩ. 

"Tôi đã cố học để đạt được ước mơ, tiếc là giấc mơ đó đã không thành sự thật, nhưng tôi vẫn giữ giấc mơ đó. Sau này khi bức ảnh có sự lan tỏa mạnh mẽ, nhận thức của tôi thay đổi dần... Tôi đã không thể giúp được người khác với vai trò bác sĩ nhưng vẫn thấy hạnh phúc vì giúp được người khác với bức ảnh mang thông điệp tình yêu, hy vọng và tha thứ", bà Kim Phúc xúc động chia sẻ.

World Press Photo thành lập năm 1955, là tổ chức độc lập, phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Lan.

Đến nay tổ chức phát triển trở thành một trong những cuộc thi ảnh uy tín nhất thế giới, trao giải cho những tác phẩm báo ảnh và nhiếp ảnh tài liệu xuất sắc nhất ở phạm vi toàn cầu.