Lào Cai:
Đau xót những cái chết vì rượu nơi vùng cao
(Dân trí) - Rượu từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành, uống rượu là nét “văn hóa” không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao tỉnh Lào Cai. Đau xót thay, thứ “văn hóa” này đã và đang cướp đi mạng sống của nhiều người, để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc trong đời sống của nhiều gia đình dân tộc thiểu số nơi đây.
Chồng chết, con chết vì… rượu!
Chúng tôi tìm đến huyện vùng cao Bắc Hà, Mường Khương của tỉnh Lào Cai vào những ngày trung tuần tháng 8/2016 dưới trời mưa tầm tã. Hình ảnh chúng tôi bắt gặp là bóng dáng của người đàn ông vật vờ, khật khưỡng bước đi trong cơn say.
Tại gia đình bà Dí thôn Cốc Ly Thượng, xã Cốc Ly, trong căn nhà lụp xụp nằm chênh vênh bên bờ sông Chảy, người đàn bà gần 70 tuổi đang miệt mài tách từng hạt ngô để chuẩn bị cho bữa chiều, chồng bà đã mất sau một vụ tai nạn giao thông khi uống rượu say.
Bà Dí đã dành tất cả tuổi trẻ để nuôi các con khôn lớn, khi lưng đã còng, mắt đã mờ, tưởng rằng sẽ được nương tựa nơi con cháu để an hưởng tuổi già thì hai cậu con trai của bà lại đột ngột ra đi vì… rượu.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau! Đưa ánh mắt buồn nhìn cơn mưa trước hiên nhà, bà Dí quệt vội hai dòng nước mắt khi nhớ lại cái ngày định mệnh xảy ra cách đây gần 2 năm. Bà Dí kể rằng hôm đó nhà bà tổ chức đặt tên cho cháu, phong tục của người Mông là phải có cơm rượu. Sau khi uống rượu xong, hai người con của bà đi ngủ, rồi mãi không tỉnh nữa. Bác sỹ bảo bị ngộ độc do uống nhiều rượu quá.
“Nhà có 5 người con trai, bây giờ 2 đứa đã chết rồi, sao số bà khổ thế! Chồng chết vì rượu, bây giờ đến hai đứa con cũng chết vì rượu. Bà già rồi không sao, chứ còn hai đứa con dâu thì khổ quá” - bà Dí chia sẻ.
Gia đình ông Lù Lèng Séng thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương cũng là một trong những gia đình chịu hệ lụy nặng nề do rượu.
Sau 2 năm kể từ ngày chồng mất, bà Séng kể lại cái ngày định mệnh: Khi ông Séng cùng con trai và hai người cháu cháu uống hết nửa lít rượu ngô trắng nhưng vẫn chưa đủ độ, ông Séng lấy thêm chai rượu có ngâm rễ cây rừng ra uống tiếp và hậu quả là bản thân ông thì mất mạng còn con và cháu thì được một phen thập tử nhất sinh.
Anh Phan Ngọc Sinh - nạn nhân vụ ngộ độc hôm đó nói: “Bản thân tôi cùng hai người anh cũng thấy sợ lắm, nhưng không bỏ được rượu đâu, chỉ là không dám uống rượu ngâm rễ cây thôi”
Đàn ông vùng cao là vậy, hễ cứ gặp nhau là uống rượu, trong nhà có chuyện lớn, chuyện bé là phải có rượu. Rượu từ lâu như là chất ma túy ngấm dần vào máu của họ. Và có không ít những người “đoản mệnh” trong những bữa tiệc kéo dài bất tận bởi con ma men.
Ngộ độc rượu chủ yếu ở vùng đồng bào thiểu số
Bà Lê Thị Nguyệt - trưởng trạm y tế thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương - cho biết: Năm nào trạm y tế cũng tiếp nhận những ca ngộ độc rượu hoặc tai nạn liên quan đến rượu. Ngoài trường hợp ngộ độc rượu quá nặng, khiến nạn nhân đột tử, thì còn có không ít những cái chết do trúng cảm, gặp tai nạn sau khi uống rượu.
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, trong 3 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy 8 vụ ngộ độc rượu, làm 23 người mắc và 4 người tử vong. Hầu hết các vụ ngộ độc rượu xảy ra tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thường vào trong dịp lễ tết.
Thực tế trong thời gian qua, chi cục ATVSTP cũng đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng thôn bản vùng cao để cảnh báo về những tác hại khôn lường từ việc lạm dụng rượu, nhưng những nỗi đau từ rượu vẫn cứ tiếp tục reo rắt, phủ màu tang tóc lên nhiều mái ấm nơi rẻo cao. Rượu cũng gây nên những bi kịch liên như: Tai nạn giao thông, mâu thuẫn gia đình.
Phân tích về nguyên nhân này, bà Trương Thị Thanh Vân - Phó chi cục trưởng, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai - cho biết: Mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, song do nhận thức của người dân còn hạn chế; thêm vào đó, rượu đã trở thành thói quen sinh hoạt, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên vẫn xảy ra những cái chết đau lòng vì rượu.
Người mẹ già lầm lũi với khuôn mặt chai sạm vì sương gió kéo vạt áo lau nước mắt, những người vợ góa chồng bươn chải kiếm từng bữa ăn hằng ngày, ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ mất cha trong căn nhà trống… những hình ảnh đó như thước phim quay chậm hằn sâu trong suy nghĩ của chúng tôi.
Làm thế nào để người dân hiểu được tác hại của rượu? Làm thế nào để họ xóa đi những phong tục có hại cho sức khỏe này? Những câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong đầu mà không thể tìm được lời giải chính xác. Nếu không có rượu thì sẽ không có cơn say triền miên của những người đàn ông trụ cột trong gia đình, không có những cái chết éo le do rượu.
Hồng Loan