1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thanh Hóa:

Gần 420 cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ

Thanh Tùng

(Dân trí) - Toàn tỉnh Thanh Hóa có 417 cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 35,52%.

Ngày 19/9, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và gặp mặt các cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện nhân kỷ niệm 93 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa, cho biết đây là năm thứ 3 tỉnh này triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Gần 420 cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ - 1

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thanh Tùng).

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Cụ thể, 20 chỉ tiêu thuộc 6 nhóm mục tiêu, gồm các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động, đời sống gia đình và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông, đều được thực hiện đảm bảo lộ trình và kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH, trong lĩnh vực chính trị, tỉnh Thanh Hóa có 417/1.194 cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (chiếm tỷ lệ 35,52%).

Gần 420 cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ - 2

Các đại biểu tham gia tại hội thảo (Ảnh: Thanh Tùng).

Trong đó có 6/17 các sở, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 19/54 cơ quan chính quyền địa phương cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ (chiếm tỷ lệ 35,2%); 398/1.118 cơ quan chính quyền địa phương cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ (chiếm 35,6%).

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động từ các huyện, thị xã, thành phố có gần 490 nghìn nữ lao động làm công hưởng lương, đạt tỷ lệ là 48,94% trên tổng số lao động làm công hưởng lương trên địa bàn tỉnh.

Ước tính tỷ trọng lao động nữ làm việc ở khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm là 40,37%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.200 doanh nghiệp, hợp tác xã có nữ làm giám đốc và chủ doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 40%.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thông tin một số nội dung về công tác thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế.

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, bình đẳng giới về chính trị cần tập trung thực hiện 3 vấn đề chính, gồm: quản lý nhà nước; bầu cử, ứng cử; tiêu chuẩn chuyên môn. Ngoài ra, phải đảm bảo được tính rõ ràng, tính khả thi.

"Mục tiêu của việc thúc đẩy bình đẳng giới về chính trị là tạo cơ hội để phụ nữ có khả năng, trình độ chuyên môn được đào tạo, bố trí công việc ở mọi lĩnh vực chính trị - xã hội đều như nam giới", ông Lợi nói.

Gần 420 cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ - 3

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thông tin một số nội dung về công tác thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế tại hội thảo (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo ông Lợi, thúc đẳng bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm cần phải tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển.

"Hiện nay, có khoảng 27% tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đây là con số rất thấp, số doanh nghiệp này đều ở quy mô vừa và nhỏ. Đối với lao động có việc làm của Việt Nam, phụ nữ chiếm phần cao hơn nam giới, chiếm 70,9%", ông Lợi cho biết thêm.

Nói về các biện pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi lưu ý, cần quy định lại tỷ lệ nam nữ cân bằng, hoặc phải đảm bảo tỷ lệ phụ nữ được tham gia thụ hưởng trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho phụ nữ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chuyên môn nghiệp vụ để sắp xếp công việc. Hỗ trợ, tạo điều kiện, tăng cường chia sẻ giữa nam và nữ, kể cả trong công việc đến gia đình. Đồng thời phải ưu tiên cho phụ nữ trong từng lĩnh vực cụ thể.