Từ vụ shipper và nam sinh bị đánh: Nhiều người thích thể hiện bằng nắm đấm
(Dân trí) - Chỉ vì va chạm nhỏ một số người đã bị đánh tới gãy mũi, chấn động não. Các vụ việc liên tiếp xảy ra khiến nhiều người bức xúc khi nhiều cá nhân thích giải quyết mọi việc bằng nắm đấm.
Những ngày qua dư luận "dậy sóng" lên án hành vi dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn sau va chạm giao thông nhỏ.
Chiều 18/2, N.Q.S, học lớp 11, Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An đi về nhà tới ngã tư trên đường Trần Phú đối diện Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh, thì gặp đèn đỏ và dừng xe lại.
Đúng lúc này, một người đàn ông đi bộ băng qua đường, có va chạm nhẹ với S. Tuy nhiên, khi S. chưa kịp giải thích và xin lỗi thì người này xông vào đánh.

Nam sinh S. (áo xanh) bị đánh sau khi va chạm với Đặng Thái Hoàng (Ảnh: Cắt từ clip).
Đối tượng đánh em S. là Đặng Thái Hoàng (SN 1995). Theo cơ quan Công an thành phố Vinh, nguyên nhân ban đầu xuất phát từ va chạm giao thông nhỏ và Hoàng đánh cháu S. như clip đăng tải trên mạng xã hội.
Công an đang củng cố hồ sơ xử lý Đặng Thái Hoàng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 14/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Tống Anh Tuấn (43 tuổi, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích.
Trưa 10/2, Tuấn điều khiển ô tô Lexus đến ngách 50 ngõ 310 Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thì va chạm với xe máy của anh Hưng, một người giao hàng. Sau đó, Tuấn đã dùng tay, chân, mũ bảo hiểm để đánh tới tấp khiến nạn nhân bị chấn động não, tỷ lệ tổn hại thương tích là 3%.

Anh Hưng, nạn nhân bị tài xế xe Lexus đánh tại Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).
Các vụ việc nói trên xuất phát từ những va chạm giao thông nhỏ nhưng nhiều đối tượng đã dùng vũ lực, nắm đấm để gây thương tích cho người khác. Không ít ý kiến bức xúc cho rằng, nhiều người đang ngày càng khó kiểm soát cảm xúc, thích thể hiện bản thân bằng những hành động phi pháp.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này: Áp lực cuộc sống khiến nhiều người khó kiểm soát hành vi của mình. Những vấn đề về biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng có thể là nguyên nhân tác động xấu đến tâm lý và hành vi của con người.
Bên cạnh đó, lưu lượng giao thông quá lớn, các con đường trở nên quá tải làm gia tăng nguy cơ va chạm dẫn tới các xung đột. Nhiều người tham gia giao thông nhưng không hiểu luật hoặc không tôn trọng Luật Giao thông để xảy ra va chạm hoặc tai nạn.
Các va chạm giao thông thường kèm theo thiệt hại về tài chính cho những người liên quan. "Của đau, con xót", điều này khiến người không may chịu thiệt hại dễ bực bội hơn.
"Cuối cùng sự thiếu tôn trọng giữa con người với con người. Sự thờ ơ hoặc sợ trách nhiệm của những người chứng kiến cũng góp phần khiến các xung đột diễn biến xấu và gây ra hậu quả lớn", chuyên gia Nguyễn Đình Thành nói.
Hình ảnh, video về các vụ va chạm sau khi xảy ra thường được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng, việc chia sẻ các thông tin này có hai mặt, vừa giúp cộng đồng thể hiện sự quan tâm, bày tỏ quan điểm trước những hiện tượng tiêu cực, song cũng tạo ra những dư âm không tốt.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Đình Thành cho rằng, việc cộng đồng mạng đưa tin về các vụ giải quyết mâu thuẫn bằng "nắm đấm" tạo ra nhiều hiệu ứng.
Hiệu ứng tích cực đó là góp phần ngăn chặn những hành động quá khích, là bài học cho những người có máu côn đồ, thích giải quyết mọi chuyện thông qua bạo lực. Bởi một khi va chạm với ai, các cá nhân rất dễ bị quay chụp lại, chia sẻ lên mạng và nhận về sự chỉ trích, trừng phạt.
Tuy nhiên, việc chia sẻ quá nhiều các thông tin bạo lực có thể dẫn đến tâm trạng bi quan của xã hội trước tình trạng xuống cấp đạo đức, mối lo ngại về sự mất an toàn ngoài đường phố, không gian công cộng. Trong khi đó, có thể tỷ lệ các vụ xung đột về cơ bản không tăng.

Chuyên gia Nguyễn Đình Thành bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhiều người thích giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Ngày nay, có rất nhiều thứ có thể bị làm giả. Tranh thủ hiệu ứng, người nào đó lại tạo ra một video giả để vu khống hoặc bôi nhọ người khác và biến mình thành kẻ vi phạm pháp luật. Một nguy cơ khác cũng phải kể đến là án của tòa thì có thời hạn nhưng "án" của xã hội là vô thời hạn nên có thể "chặn đường lui" của đương sự sau này khi họ hoàn lương", vị chuyên gia chia sẻ.
Để hạn chế những hành vi bạo lực trong xã hội, chuyên gia Nguyễn Đình Thành cho rằng, cần coi công tác tuyên truyền và giáo dục quan trọng không kém phần công tác xử lý vi phạm.
Cần xử nghiêm một số vụ để có tác dụng răn đe. Không chỉ phạt tiền, cảnh cáo mà nên bổ sung các hoạt động khác như phạt làm việc công ích hoặc tăng giá sử dụng các dịch vụ của xã hội như đi xe buýt, máy bay, xe lửa trong một thời gian nhất định dựa trên số định danh VNeID.
Truyền thông cần đẩy mạnh giáo dục và đào tạo công chúng về vấn đề này. Cộng đồng mạng cần chung tay thể hiện sự bất bình trước trường hợp bạo lực trên đường phố, không gian công cộng và cả trong gia đình.
Sự lên tiếng và tẩy chay của cộng đồng mạng sẽ là một sức ép mang tính răn đe rất lớn với những người có ý định gây rối ở nơi công cộng hoặc tấn công người khác.