DNews

Hàng đoàn người trẻ chạy bộ dàn hàng dưới lòng đường ở TPHCM

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Vốn dĩ chạy bộ hay đi xe đạp là để rèn luyện sức khỏe nhưng nhiều người lại bất chấp nguy hiểm chạy sai làn đường cho phép, thậm chí dàn hàng ngang ra đến giữa đường.

Hàng đoàn người trẻ chạy bộ dàn hàng dưới lòng đường ở TPHCM

Trước đó, Dân trí từng đưa tin về việc một số người chạy bộ buổi sáng hoặc tối muộn tại TPHCM thường xuyên gặp tình trạng bị nhóm người đi xe máy quấy rối, tác động vật lý. Nội dung trên nhận được sự quan tâm lớn trong cộng đồng những người yêu thích chạy bộ. 

Tuy nhiên, một số độc giả cũng phản ánh về việc một số người chạy bộ hay đi xe đạp lại chưa chấp hành đúng luật, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Khi tìm hiểu thực tế, phóng viên Dân trí ghi nhận không ít trường hợp người chạy bộ không đúng làn đường, gây cản trở các phương tiện giao thông khác. Bên cạnh đó, cũng có không ít người đi xe đạp vào làn đường ô tô, dàn hàng ngang lấn đường xe máy...

Hàng đoàn người trẻ chạy bộ dàn hàng dưới lòng đường ở TPHCM - 1

Chạy bộ dưới lòng đường, bất chấp nguy hiểm

Công viên Tầm Vu (quận Bình Thạnh, TPHCM) là một trong những địa điểm có nhiều người dân tập thể dục, chạy bộ vào buổi sáng sớm và chiều tối. Nơi đây có khuôn viên rộng rãi, cạnh bờ sông, thích hợp cho việc chạy bộ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, không ít người lại chọn chạy bộ dưới lòng đường, bên ngoài khuôn viên của công viên. Bất chấp sự nguy hiểm kề cạnh, họ vô tư chen ngang với xe máy, xe ô tô. Một số người còn chạy bộ ngược chiều khiến người lái xe qua khu vực này ngao ngán.

Hàng đoàn người trẻ chạy bộ dàn hàng dưới lòng đường ở TPHCM - 2

Người dân chạy bộ dưới lòng đường tại công viên Tầm Vu (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Đường Nguyễn Cơ Thạch trong khu đô thị Sala (TP Thủ Đức) từ lâu được biết đến là tuyến đường thương mại có nhiều nhà hàng, quán nước, văn phòng... Vào các khung giờ cao điểm, đoạn đường này có nhiều xe máy, ô tô di chuyển ra vào để đưa đón khách.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, vào sáng sớm và chiều tối, tuyến đường này thường xuyên xuất hiện những nhóm chạy bộ không đúng làn đường cho phép. Họ dàn hàng ngang ra đến giữa đường, gây ra không ít trở ngại cho các phương tiện giao thông khác. 

Tương tự, tình trạng người dân chạy bộ dưới lòng đường cũng diễn ra mỗi ngày trên đường Phạm Văn Đồng (hướng từ đường Kha Vạn Cân - cầu Bình Lợi). Tranh thủ lúc đường vắng vẻ, ít xe di chuyển, không ít người đã biến lòng đường thành "đường chạy" riêng cho mình.

Hàng đoàn người trẻ chạy bộ dàn hàng dưới lòng đường ở TPHCM - 3

Mặc dù có công viên hẳn hoi nhưng người dân lại chọn chạy bộ dưới lòng đường đầy nguy hiểm (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Chạy bộ, đạp xe không đúng nơi, suýt gây tai nạn

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Tâm (SN 1992) - nhân viên gác chốt xe lửa ở đại lộ Phạm Văn Đồng - cho biết ở khu vực này không có công viên nên người dân thường sử dụng lòng đường để chạy bộ vào sáng sớm. 

"Khoảng 5h-6h, đoạn đường này còn khá vắng vẻ, ít xe lưu thông nên người dân thường chạy bộ ở làn đường dành cho xe 2 bánh. Tuy nhiên, mặc dù đường vắng nhưng vẫn có xe di chuyển. Nếu chạy bộ dưới lòng đường chắc chắn sẽ có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn, người lái xe khó tránh, dẫn đến tình huống va quẹt bất ngờ", chị Tâm nói. 

Đáng nói, theo phản ánh của chị Tâm, không chỉ người chạy bộ vi phạm luật giao thông mà đoạn đường này còn có nhiều người đi xe đạp ở làn đường dành cho ô tô vào sáng sớm. Thậm chí, họ còn vô tư vượt đèn đỏ khi lỡ chạy quá trớn.

Độc giả M.T.T. (SN 1999) cho biết chị thường xuyên thấy cảnh xe đạp dàn hàng 2, hàng 3 trên đường Phạm Văn Đồng. Thậm chí, chị từng là "nạn nhân" của những chiếc xe đạp lấn làn xe máy. Chị M.T.T. kể, trong một lần tránh xe đạp, chị bị lệch tay lái rồi đâm xe vào lề đường. 

Hàng đoàn người trẻ chạy bộ dàn hàng dưới lòng đường ở TPHCM - 4

Khoảnh khắc người đi xe đạp trên làn đường cho xe ô tô (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Chí Nghĩa (SN 2003) bức xúc cho biết nhiều lần "suýt" va chạm với người chạy bộ trên đường Phạm Văn Đồng.

"Thời điểm đi học quân sự, tôi phải dậy sớm mỗi ngày để đến trường và bắt gặp nhiều trường hợp người dân chạy bộ dưới lòng đường. Có lần tôi còn suýt va vào một người đàn ông trung niên vì sáng sớm thường thiếu ánh sáng, rất khó để quan sát có người chạy bộ phía trước", Chí Nghĩa nói.

Duy Tân (SN 1996) cũng thường xuyên phải "né" người chạy bộ trên tuyến đường Nguyễn Cơ Thạch. Mặc dù luôn cẩn thận giảm tốc độ khi đi qua đoạn đường này nhưng anh vẫn gặp không ít trở ngại khi di chuyển. Đặc biệt, mỗi lần mở đóng cửa xe, anh luôn lo sợ sẽ bị va chạm với người chạy bộ một cách bất ngờ. 

Hàng đoàn người trẻ chạy bộ dàn hàng dưới lòng đường ở TPHCM - 5

Nhóm chạy bộ dàn hàng ngang đến giữa đường ở khu đô thị Sala (Quỳnh Tâm).

Chạy bộ, đi xe đạp lấn làn là hoàn toàn sai quy định

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, luật sư Trương Văn Tuấn cho biết, căn cứ vào khoản 1 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì việc chạy bộ dưới lòng đường được xét là hành vi vi phạm pháp luật.

Xét về mức độ vi phạm, cả hành vi chạy bộ giữa lòng đường lẫn đạp xe không đúng làn đường (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường phố) đều bị xem là hành vi vi phạm pháp luật, chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, cả 2 hành vi kể trên đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hàng đoàn người trẻ chạy bộ dàn hàng dưới lòng đường ở TPHCM - 6

Xe đạp lấn làn xe máy (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Trường hợp, nếu việc người chạy bộ, người đi xe đạp vi phạm giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, gây nên hậu quả nghiêm trọng về cả tính mạng lẫn tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.

Tuy nhiên, luật sư Trương Văn Tuấn cũng nhấn mạnh: "Trong một vụ tai nạn giao thông, việc xác định yếu tố lỗi là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết để xác định trách nhiệm pháp lý của các bên, từ đó đặt ra vấn đề bồi thường.

Để có thể xác định ai là người có lỗi, cơ quan có thẩm quyền cần phải đối chiếu hành vi của người đó với các quy định pháp luật, xác định hành vi vi phạm có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông hay không.

Do đó, nếu việc người đi bộ, người đi xe đạp vào phần đường không đúng quy định là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông thì trách nhiệm thuộc về người đi bộ, đi xe đạp.

Tuy nhiên, nếu xác định đây là lỗi hỗn hợp, thì các bên có hành vi vi phạm đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tất nhiên là vẫn phải xem xét đến tính chất, mức độ của hành vi sai phạm của các bên".

Hàng đoàn người trẻ chạy bộ dàn hàng dưới lòng đường ở TPHCM - 7

Trường hợp chạy bộ trong làn đường của xe máy (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Theo luật sư Trương Văn Tuấn, người chạy bộ, đi xe đạp không đúng phần đường cho phép, bất kể không gây tai nạn hoặc không gây cản trở các phương tiện giao thông khác thì vẫn bị coi là vi phạm pháp luật.

Đối với các tuyến đường trong khu đô thị (như Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền, Sala, Vạn Phúc...), luật sư cho biết trong khu đô thị được xem là đường phố, bao gồm lòng đường, hè phố, là tuyến đường được điều chỉnh và quy định tại Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Do đó, toàn bộ hoạt động trên tuyến đường này đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật nói chung và Luật giao thông đường bộ 2008 nói riêng, kể cả hoạt động đối với người đi bộ.

Như vậy, việc chạy bộ trong khu đô thị sẽ là đúng luật nếu người chạy bộ tuân thủ đúng các quy định. Trường hợp không tuân thủ các quy định kể trên, hành vi chạy bộ trong khu đô thị sẽ được xem là hành vi vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định cụ thể: 

Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường, trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường; Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường;

Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn, không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Về mức chế tài hành chính đối với hành vi chạy bộ giữa lòng đường, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều này cũng quy định đối với trường hợp người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Còn đối với cá nhân có hành vi đạp xe vào đường cấm, đường cao tốc mà không phải người thực hiện quản lý, bảo trì đường cao tốc, thì có thể bị phạt hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo quy định tại Điều 8 Nghị định 100/2019, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, nếu việc người đi bộ, người đạp xe đạp vi phạm giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, gây nên hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về cả tính mạng lẫn tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.