(Dân trí) - Mẹ con anh Hoàng Nhân, 34 tuổi, từ miền Tây lên TPHCM trồng rau muống ở rạch Gò Dưa, nuôi giấc mơ mỗi năm được làm chủ một tháng.
Mẹ con anh Hoàng Nhân, 34 tuổi, từ miền Tây lên TPHCM trồng rau muống ở rạch Gò Dưa, nuôi giấc mơ mỗi năm được làm chủ một tháng.
Đầu tháng 10 hàng năm, người dân qua lại trên chiếc cầu bắc ngang rạch Gò Dưa, đường Tam Bình, TP Thủ Đức, lại thấy chiếc ghe của anh Nhân và mẹ là bà Lý Thị Hiền, 55 tuổi, chất đầy ắp rau muống sông. Lúc này, thời tiết ở TPHCM chuyển lạnh, rau muống ở nhà vườn khan hiếm, thương lái mới bắt đầu tìm đến mua rau của mẹ con anh để làm rau bào, bán cho các quán bún riêu, bún bò…
Mẹ con anh Nhân quê ở Sóc Trăng. Họ là hai trong số hàng chục người ở xóm ngụ cư quê miền Tây lên thành phố này lập nghiệp, sống trong những căn nhà tạm trên mảnh đất đi thuê cạnh rạch Gò Dưa gần 20 năm qua.
Xóm này từ lâu nổi tiếng với nghề tuốt và bào rau muống thuê. Loại rau được các thương lái mua từ các nhà vườn ở Thủ Đức, Củ Chi rồi thuê người trong xóm tuốt lá với giá 2.000 đồng/ ký. Loại rau này mềm, ngọt nên được ưa chuộng. Đến tháng 10, khi rau vườn khan hiếm là lúc mẹ con anh Nhân bắt đầu bán được rau tự trồng.
17 năm trước, khi cậu thanh niên vừa tròn 17 tuổi, anh theo họ hàng lên TPHCM tìm việc làm. Tuần đầu tiên làm phụ hồ, anh Nhân bị chủ thầu quỵt tiền. Túng thiếu, anh phải vay mượn người quen để trang trải sinh hoạt.
Nhà anh vốn chỉ "một mẹ, một con", thấy sốt ruột, bà Hiền đem tiền từ quê lên cho anh trả nợ. Rồi hai mẹ con cùng nhau trụ lại thành phố cho đến nay.
Sau khi ở trọ nhiều nơi, mẹ con anh Nhân tìm đến xóm ngụ cư này sống cùng vài người họ hàng cùng quê. Trong khi những người đàn ông đi làm thuê bên ngoài, chị em phụ nữ ở nhà lo cơm nước, xong việc thì tụm lại tuốt rau muống thuê kiếm thêm thu nhập. Ban đầu, bà Hiền cũng làm.
Rồi có năm, khi vào thời điểm rau vườn khan hiếm, bà Hiền và một số người trong xóm nghĩ đến chuyện trồng rau trên sông để bán. Từ một đám rau nhỏ trước mặt nhà, sau hơn chục năm, đám rau muống nay đã trải dài gần 1km ở hai bên bờ, xanh non mơn mởn.
Xóm ngụ ngư này hiện tại có khoảng 20 hộ gia đình miền Tây sinh sống. Hàng chục người phụ nữ ở nhà nội trợ vẫn duy trì nghề tuốt rau thuê. Trong đó, bà Hiền được xem là người chăm chỉ nhất, trồng rau nhiều nhất trong số 3 hộ còn bám trụ nghề này.
Để trồng được rau trên sông, anh Nhân phải bỏ vốn khoảng vài triệu đồng mua cọc xà cừ cắm ở bờ sông và giữa sông. Sau đó, anh cột dây nylon ở hai đầu làm giá đỡ để rau muống bò lên.
Bà Hiền cho biết rau muống mọc tự nhiên, không cần bỏ phân thuốc. Nhưng để có rau thu hoạch trong 1 tháng, bà phải chăm chút cho đám rau. Hàng ngày, người phụ nữ chèo ghe, kiểm tra, gia cố lại cọc và dây tránh để bị tuột. Khi những chiếc xà lan hay ghe máy chạy ngang làm sóng lớn, từng đám rau có thể bị cuốn trôi.
"Những đám lục bình từ nơi khác trôi đến tấp vào rau. Tôi phải ngồi trên ghe dùng cây tre dài để đẩy chúng đi chỗ khác", bà Hiền nói.
Chưa hết vất vả, có nhiều đêm, khi đang ngủ, anh nghe tiếng xà lan từ xa vọng lại. Bật dậy giữa đêm, anh soi đèn ra giữa rạch quan sát xem sóng có đánh đám rau muống trôi đi không. Nếu có, anh phải chèo ghe đi kéo về.
Xa quê lên TPHCM lập nghiệp, anh Nhân đã làm đủ nghề. Từ thợ hồ, công nhân, cho đến một cán bộ Đoàn nhưng vẫn thích nhất được cùng mẹ hái rau của mình, thuê người tuốt rồi bán cho thương lái. Ngoài việc được làm chủ thì công việc này cũng giúp mẹ con anh vơi nỗi nhớ quê. Ở quê chẳng còn nhà cửa, ruộng đất nên mẹ con anh hiếm khi về ăn Tết. Chỉ khi trong họ hàng có đám tiệc lớn, anh mới về tham dự, ở nhờ nhà người quen ít hôm rồi trở lại thành phố.
"Ngày thường, tôi là nhân viên bán hàng trong công ty giấy. Một mình mẹ chăm chút cho đám rau, nhưng vào vụ tôi phải phụ bà làm việc mới kịp. Nghề này cực nhưng được cái tự do, trồng và chăm sóc đám rau cả năm nhưng chỉ thu hoạch, bán được trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, tôi và mẹ đều thấy rất vui vì cảm giác được làm chủ vui lắm", anh Nhân nói.
Sau khi cắt rau dưới sông lên, anh Nhân thuê người tuốt mỗi ký 2.000 đồng. Bán lại cho thương lái giá 8.000 đồng/ ký. Mỗi ngày, mẹ con anh bán được gần hơn 100 ký rau đã tuốt, thu về gần 1 triệu đồng.
Gần trưa, sau khi đi cắt rau về, bà Hiền ngồi cạnh đống rau lớn, tay thoăn thoắt tuốt lá. Người phụ nữ bao năm ít khi ra phố, chỉ quanh quẩn với đám rau trên sông, thi thoảng nhìn xa xa về hướng quận 1, nơi có những tòa nhà cao tầng nhưng chẳng ước được một lần đến đó.
Ngày xưa, khi tiễn con trai lên thành phố lập nghiệp, bà Hiền từng nuôi giấc mơ đổi đời. Nhưng từ khi đem tiền lên trả nợ cho con rồi bắt đầu cuộc sống bươn chải ở Sài Gòn, người mẹ miền Tây đã thôi hy vọng.
Gần 20 năm qua, bà cảm thấy hài lòng với cuộc sống trong căn nhà tạm sát con rạch này. Đôi khi, người phụ nữ còn thấy may mắn ở chốn "đất chật người đông", vẫn còn một nơi hẻo lánh để bà và con trai có thể trồng rau, nuôi con gà, con ngỗng.
"Từ lâu, chúng tôi không còn nhớ quê nhiều nữa. Chúng tôi đã xem Sài Gòn là quê hương của mình vì nơi đây có gia đình, có công ăn việc làm đều đều. Nếu ở quê, chúng tôi cũng chỉ cày thuê cuốc mướn mà thôi", anh Nhân nói.