Minh bạch trong tuyển sinh: Chặn kẽ hở cho tiêu cực và lợi ích nhóm!
(Dân trí) - Chỉ cần điều chỉnh một chút chỉ tiêu, thí sinh sẽ từ đỗ thành trượt, trượt thành đỗ trong "một nốt nhạc". Điều này có thể xảy ra nếu việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh không được kiểm soát chặt chẽ.
Trường "đóng cửa bảo nhau", thí sinh đỗ thành trượt
Qua những phân tích trong bài viết "Bẫy" chỉ tiêu khiến thủ khoa toàn quốc trượt ngành mong muốn", có thể thấy bản chất của hiện tượng thủ khoa trượt nguyện vọng 1 hay chuyện điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT tăng cao bất thường bắt đầu từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do trường dành phần lớn chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm như xét tuyển thẳng, xét tuyển tài năng, thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực... Điều này dẫn đến chỉ tiêu cho phương thức thi tốt nghiệp THPT quá ít nên điểm chuẩn tăng cao.
Thứ hai, việc trường không thực hiện công khai chỉ tiêu rõ ràng từng phương thức xét tuyển theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy chế tuyển sinh đại học khiến thí sinh khó chọn lựa được phương án trọng tâm để đầu tư học tập.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, không riêng Đại học Bách khoa Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh chung chung, không rõ ràng mà trên thực tế, không ít cơ sở đào tạo cũng trong tình trạng tương tự.
Một số cơ sở giáo dục công bố không cụ thể như: Trường Đại học Thủy Lợi, Trường Đại học Nông lâm TPHCM, Học viện Tài chính, Học viện Nông nghiệp Việt Nam,...
Những tỷ lệ chung chung khiến việc xét tuyển trở nên mơ hồ. Thậm chí, có trường còn khẳng định quyền tự chủ tuyển sinh của mình bằng việc thông báo trước sẽ điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức đến 20-30% mà không đi kèm điều kiện nào.
Quay lại với Đại học Bách khoa Hà Nội, đơn vị này cho hay, xét tuyển tài năng 15-20%; xét tuyển theo điểm thi (gồm cả điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm đánh giá tư duy) 85-90%.
Như vậy, biên độ "co giãn" chỉ tiêu của các trường tới 20-90%. Trong hàng trăm ý kiến bình luận gửi tới Dân trí, nhiều độc giả lo ngại, lấy gì để đảm bảo những biến động chỉ tiêu này là khách quan, không có vụ lợi, lợi ích nhóm?
Việc cơ sở giáo dục được quyền điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức lên đến 90% sẽ khó kiểm soát được trường hợp có người lợi dụng chính sách này để điều chỉnh giúp cho nhóm thí sinh này đỗ, thí sinh khác trượt.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - thừa nhận, những lo lắng về tiêu cực của dư luận không phải không có lý.
Ông Nghĩa phân tích, trước hết, việc các trường mơ hồ chỉ tiêu xuất phát từ thực tế có quá nhiều phương thức tuyển sinh và lượng thí sinh ảo lớn như hiện nay.
"Trên nguyên tắc và quy định của Bộ GD&ĐT, trong đề án tuyển sinh, trường phải công bố cụ thể tỷ lệ chỉ tiêu theo các phương thức khác nhau. Vậy nhưng, nhiều trường không dám ấn định chỉ tiêu cụ thể để dễ dàng điều phối chỉ tiêu từ phương thức này sang phương thức khác, giúp tuyển sinh được nhiều hơn", ông Nghĩa nêu thực tế.
"Ở các trường top đầu, các ngành thu hút nhiều thí sinh quan tâm, việc không công bố rõ ràng chỉ tiêu theo từng phương thức ngay từ đầu rất dễ dẫn đến hành vi tiêu cực vì mọi quyết định sẽ do cảm tính và chủ quan của một số người làm tuyển sinh", TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.
Tuy vậy, ông cho rằng, chính sự linh hoạt này dẫn đến bất cập khi có trường đã tuyển hết chỉ tiêu từ sớm, nên thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào sau không có cơ hội trúng tuyển.
Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, việc điều phối chỉ tiêu giúp các trường top dưới tuyển đủ số lượng thường sẽ không ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh do vẫn còn dư chỗ. Vấn đề sẽ xảy ra với các trường top đầu khi "đất chật, người lại đông".
"Với các trường top đầu, không phân chia rõ chỉ tiêu từ đầu sẽ có vấn đề. Điều này rất dễ dẫn đến hành vi tiêu cực vì mọi quyết định sẽ do cảm tính và chủ quan của một số người làm tuyển sinh.
Với kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh nhiều năm, tôi xin khẳng định, hoạt động tuyển sinh phải minh bạch từ đầu", ông Nghĩa nói.
Song, TS Nguyễn Đức Nghĩa băn khoăn, hiện chưa có cơ chế giám sát và chế tài xử phạt rõ ràng với các trường trong việc thực hiện công bố và tuyển đúng chỉ tiêu này.
"Đây là một vấn đề cần bàn bạc và có giải pháp điều chỉnh phù hợp", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Qua 3 năm theo dõi việc thực hiện công bố đề án tuyển sinh và quy chế ba công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của các đại học, ông Nguyễn Vinh San - thành viên của Bảng xếp hạng Đại học Việt Nam 2023 (VNUR-Viet Nam's University Rankings) - nhận thấy nhiều bất cập.
Theo thống kê của ông San, hiện có khoảng 50-70 cơ sở giáo dục "chây ỳ" trong việc công khai đề án tuyển sinh theo quy định, hoặc công khai một cách đối phó.
"Để "chắc ăn" về mặt số lượng, các trường có nhiều cách để lập lờ chỉ tiêu tuyển sinh. Không phải họ không biết mà cố tình làm vậy để dễ dàng điều phối", ông San cho hay.
Ông San thừa nhận việc không rõ ràng trong công bố chỉ tiêu rất dễ điều chỉnh khi xét duyệt. Các trường chỉ cần tăng hay giảm nhẹ chỉ tiêu là thí sinh từ đỗ thành trượt, từ trượt thành đỗ.
Phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng
Đây là điều khiến Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trăn trở nhất về công tác tuyển sinh những năm qua.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024 của khối giáo dục đại học tổ chức tại TPHCM mới đây, ông Sơn nói: "Điểm yếu lớn nhất của tuyển sinh năm 2023 và những năm qua là giữa các phương thức tuyển sinh còn chưa đảm bảo sự công bằng nhất định. Nhiều thí sinh được xét tuyển trúng tuyển sớm có lẽ dễ dãi hơn so với các thí sinh được trúng tuyển theo kết quả thi sau này".
Qua đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu các trường tiếp tục hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2024, phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) khai thác dữ liệu tuyển sinh hai năm qua cùng với kết quả học tập của sinh viên đã vào trường để đánh giá việc các đơn vị đưa ra phương thức tuyển sinh, tổ hợp tuyển sinh đã phù hợp chưa.
Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh: "Cần đánh giá các sinh viên được tuyển sinh bằng phương thức khác nhau xem đã đảm bảo công bằng hay chưa để xây dựng phương án khắc phục".
Theo ông Sơn, các cơ sở giáo dục phải đánh giá, phân tích kết quả đầu vào và kết quả học tập để từ đó có kết quả thuyết phục. Quy chế nói rất rõ các cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm giải trình về việc đưa ra yêu cầu cho phương thức tuyển sinh.
Rất cần "công nghệ VAR" của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Anh H. - một phụ huynh có con học ngành IT1 của Đại học Bách khoa Hà Nội đồng thời cũng là giáo viên bậc THPT - chia sẻ mong muốn phương án tuyển sinh đại học sẽ nhẹ nhàng, rõ ràng, minh bạch. Anh sử dụng từ "ma trận" để miêu tả cách thức xét tuyển hiện nay.
"Tôi làm trong ngành giáo dục mấy chục năm qua, rất quan tâm tới tuyển sinh mà còn thấy khó hiểu. Vậy thì nhiều cháu học sinh, phụ huynh khác làm sao hiểu được để đầu tư, ôn tập đúng hướng và đăng ký cho phù hợp?", phụ huynh này cho biết.
Vị phụ huynh từng có những học sinh là thủ khoa, á khoa toàn quốc, có những học sinh xuất sắc giành giải cao ở các kỳ thi và cũng có con đỗ vào ngành được cho là "VIP" nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định:
"Mỗi phương thức tuyển sinh đều có sự ưu việt riêng nhưng chắc chắn thủ khoa của kỳ thi THPT quốc gia trước đây hay bây giờ là kỳ thi tốt nghiệp THPT đều là một thành tích thực sự xuất sắc, rất đáng trân trọng, không thể đùa được".
Vị thầy giáo bộc bạch thêm, thông tin cả hai thủ khoa khối A00 của kỳ thi tốt nghiệp THPT trượt nguyện vọng 1 là sự "chấn động" với những giáo viên dạy phổ thông và ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, phụ huynh cả nước rất nhiều.
Không ít giáo viên băn khoăn, nếu trường top đầu nào cũng "kỳ thị" kỳ thi tốt nghiệp THPT như vậy, chất lượng giáo dục phổ thông sẽ khó vực dậy.
"Xu hướng chung là học sinh sẽ đổ xô đi thi các kỳ thi đánh giá năng lực, tập trung theo hướng "luyện gà nòi" thay vì phát triển toàn diện, đúng định hướng mà giáo dục phổ thông nên có", nhà giáo này trăn trở.
Giáo viên này cũng nêu thực trạng, không chỉ Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều đơn vị khác cũng không công bố chỉ tiêu chi tiết khiến thầy cô cũng rất khó tư vấn cho học sinh. Ông mong năm sau, các trường đại học sẽ có thông tin rõ ràng để xã hội cùng nắm vì đây là quyền và nghĩa vụ các trường phải thực hiện khi được tự chủ.
Điểm chuẩn học bạ năm 2023 vào Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM giảm sâu trong khi điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT lại tăng tới 10 điểm (Biểu đồ: Huyên Nguyễn).
Những bất cập trên cho thấy, một số cơ sở đào tạo sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh với mục đích tăng khả năng tuyển được sinh viên, chủ động thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng và sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Dư luận đặt câu hỏi, đâu là "công nghệ VAR" của Bộ GD&ĐT để đảm bảo rằng mỗi phán quyết của các trường trên "sân cỏ" đại học là chính xác, công bằng, không sai sót, không nhầm lẫn, không gây mất công bằng cho thí sinh? Và nếu xảy ra sai sót thì làm sao "check VAR" để bác bỏ một phán quyết sai lầm?
GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, việc công khai, minh bạch chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển là cần thiết để giám sát xã hội.
Mặt khác, ông cũng nhấn mạnh, việc tuyển sinh là tự chủ của các trường, song rất cần vai trò thẩm định, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT với đề án tuyển sinh.
"Không công bố chỉ tiêu chi tiết từng ngành, từng phương thức, tổ hợp gây ra sự không minh bạch; có thể dẫn đến những tiêu cực trong tuyển sinh với những ngành "hot", ông Đức cảnh báo.
Đồng quan điểm, thành viên của Bảng xếp hạng Đại học Việt Nam 2023 Nguyễn Vinh San đánh giá, những năm gần đây, cơ chế giám sát và kiểm tra của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh đã siết chặt hơn. Trong thời gian tới, việc này cần được thực hiện thường xuyên và quyết liệt hơn nữa để đảm bảo công khai, công bằng và bình đẳng; không để xảy ra hiện tượng làm sai cũng chẳng sao.
"Công nghệ VAR" trong tuyển sinh đại học cần được áp dụng ngay từ đề án tuyển sinh. Các trường có quyền đưa ra đề án riêng (hay nói nôm na là luật chơi riêng), nhưng đã là "luật chơi" phải chi tiết, rõ ràng, minh bạch, công bằng, khách quan.
Bất kỳ ai tham gia một sân chơi đều phải tuân thủ luật chơi. Nhưng người chơi có quyền biết rõ luật. Nếu luật chơi lắt léo, mập mờ, chứng tỏ chính chủ nhân cuộc chơi đã không sòng phẳng, công minh ngay từ khi chưa bắt đầu.
Không để xảy ra tình trạng thí sinh điểm cao nhưng trượt
Ngoài các quy định được công bố rất cụ thể Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT liên tục hướng dẫn, chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị thực hiện quy chế và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Trong đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở có trách nhiệm xây dựng phương án để không xảy ra tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng không trúng tuyển do cơ sở đào tạo đã tuyển đủ. Các cơ sở phải chịu trách nhiệm trước xã hội về tuyển sinh và đào tạo.
Kỳ tiếp: "Minh bạch trong tuyển sinh: "Công khai chỉ tiêu tuyển sinh cần thiết cho việc giám sát xã hội"