Lời cảnh báo từ chất lượng giáo dục lớp 1
Hễ cứ hỏi cháu nhỏ nào học lớp 1 cũng thấy chúng nói sợ cô lắm. Cháu không học trước nên không viết chính tả được, thế là cô lấy thuớc đánh thật đau vào tay. Hôm sau cháu đau không viết được. Vậy mà cô vẫn bắt về chép lại bài, 4 trang giấy.
Bạn đọc: Thanh Tân Hoa
Thực đáng buồn vì đây là sự thật phổ biến. Cháu tôi cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Không chỉ có thế, tôi còn được nghe rất nhiều lời phàn nàn ở nhiều phụ huynh có con học ở nhiều trường khác nhau. Hễ cứ hỏi cháu nhỏ nào học lớp 1 cũng thấy chúng nói sợ cô lắm. Cháu không học trước nên không viết chính tả được, thế là cô lấy thước đánh thật đau vào tay. Hôm sau cháu đau không viết được. Vậy mà cô vẫn bắt về chép lại bài 4 trang giấy. Mẹ cháu xót con nhưng không dám kiện vì sợ cô trù. Chạy trời không khỏi nắng. Đi học mà hôm nào cũng như bị khủng bố tinh thần.
Ngành giáo dục nước ta quá chăm bẵm vào dạy kiến thức mà lơ đãng dạy các kĩ năng sống cho trẻ nhỏ, biến chúng thành những con gà tồ, trường học không thân thiện với chúng... Nếu ngành giáo dục không chịu sửa ngay chương trình quá tải ở tiểu học và không stop ngay việc dạy sớm chương trình ở mẫu giáo thì con cháu chúng ta sẽ thui chột đa số tiềm năng, mất cả tuổi thơ, thiếu các kĩ năng sống, suy sụp sức khoẻ, tinh thần, thiếu tự nhiên và tự tin...
Đề nghị ngành giáo dục sửa đổi chương trình Tiểu học cho vừa sức, nhẹ nhàng để con cháu chúng ta có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn tuổi thơ. Khi chương trình nhẹ nhàng và mang tính thiết thực rồi, ngành giáo dục từ đó có biện pháp chế tài để các cô giáo phải đổi mới phương pháp dạy học, chăm chút giáo dục trí tuệ, tâm hồn, kĩ năng sống và thân thiện với trẻ nhỏ. Ở mẫu giáo thì cấm tuyệt đối việc học trước, mà phải chăm chút dạy các kĩ năng sống cho các cháu, giúp các cháu chơi mà học, học mà vui...
Bạn đọc: Rena Pet
Tôi đã đọc những lời chân tình của một người cha có con mới vào học lớp 1 được ba tuần. Những nỗi lo của anh cũng như tình thương của anh dành cho con, tôi rất thông cảm mặc dù tôi chưa có con, vẫn thấy thương cháu vô cùng vì phải chịu đựng cảnh cô giáo đối xử bất công và vô lý như vậy. Tôi nghĩ anh nên làm gì đó để chấm dứt tình trạng này.
Việc học của cháu sẽ còn kéo dài mãi sau này mà lớp 1 là bước khởi đầu, là cơ sở cho những bước đi tiếp theo. Lỡ bước đầu e sẽ ảnh hưởng lớn đến những bước tiếp sau.
Tôi nghĩ, cái quan trọng nhất chính là tinh thần con người, nhất là trẻ thơ; cái cần quan tâm nhất là con em chúng ta có được vui không, có hạnh phúc không, có đang được hưởng những gì mà chúng đáng được hưởng không?
Anh hãy hỏi con kỹ hơn về việc học hành ở lớp của cháu, chú ý trong cách hỏi, hãy nói làm sao để cháu thấy được sự an ủi, nhẹ nhàng và đừng hỏi dồn khiến cháu hoang mang, lo sợ. Trong lúc tìm hiểu, anh có thể đưa con đi đâu đó cho tinh thần thoải mái hơn, như ra công viên chẳng hạn…
Tôi nghĩ phần lớn tâm lý bị ức chế là do việc học hành ở lớp quá căng thẳng. Có thể do giáo viên quá khắt khe, lạm dụng quyền hành mà la mắng các cháu, thậm chí là đánh...vụt... Dẫu rằng việc “phạt” là khó tránh khỏi nhưng nếu gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý các cháu thì chuyện đó không hề nhỏ. Có thể coi đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà hơn nữa, nếu xét về mặt Luật pháp, đó là xâm hại đến thân thể cũng như vi phạm quyền trẻ em..
Tất nhiên nếu nâng tầm lên Luật pháp thì to tát quá, nhưng nói như vậy là để thấy vấn đề này là một vấn đề lớn, đáng được quan tâm. Anh hãy hỏi giáo viên về tình trạng ở lớp kỹ hơn nữa và nếu cô vẫn có thái độ như vậy, đừng ngại ngần mà nên đi báo cáo với Hiệu trưởng, Nhà trường. Đừng lo lắng về chuyện hậu quả, vì nếu anh không làm, con anh vẫn phải tiếp tục bị như vậy. Đôi khi, con người cũng cần có bản lĩnh trong những việc làm tưởng chừng táo bạo này. Vì con cái, chúng ta phải làm anh ạ.
Anh cũng có thể tìm hiểu xem ở lớp còn có trường hợp nào như vậy không và nếu có, hãy liên lạc với phụ huynh của cháu đó để cùng nhau xem xét. Nhiều người có ý kiến vẫn hơn.
Nếu cảm thấy đó không là môi trường phù hợp với con mình, anh nên tìm xem có nơi nào khác không... Một ngôi trường mới chẳng hạn.
Điều quan trọng nhất là anh hãy luôn ở bên con, giúp cháu trải qua thời gian này... Trẻ em đang ở tuổi vui chơi mà như thế thì rất thiệt thòi, cố giúp cháu vui lên và trở lại như ngày trước, có thế cháu mới sống hồn nhiên và phát triển tốt được.
Tôi rất mong có thể giúp anh điều gì đó, tôi thực sự rất bức xúc trước tình trạng này. Nhân quyền và Dân chủ sinh ra để làm gì khi không ai nghe tiếng nói của trẻ em, không ai tôn trọng chúng. Đối với tôi, giáo viên hay học sinh đều là con người và không thể có chuyện người làm kẻ chịu bất công như vậy.
Chúc anh thành công và cũng chúc cho cháu, đứa con bé bỏng của anh, sớm tìm lại hạnh phúc của ngày xưa.
Bạn đọc: Thanh Khê
Đọc bài viết trên của bạn sao giống hoàn cảnh của tôi quá. Là người cha có con mới vào học lớp1 nhưng tôi rất lo lắng cho con mình không biết liệu cháu có chịu nổi áp lực mà cô giáo đã tạo ra cho cháu ngay từ buổi ban đầu bước vào lớp 1 hay không. Biết rằng giáo dục thì ít nhiều cân phải có sự răn đe, tuy nhiên đó chỉ là biện pháp nhất thời không mang lại tính hiệu quả về lâu dài.
Tôi nghĩ trong giáo dục cho trẻ mới vào học thì cần có sự yêu thương, khuyến khích làm sao cho các cháu thấy được học tập là một sự đam mê chứ không phải là do người lớn ép buộc.
Hoàn cảnh của tôi cũng không khác gì bạn, cô giáo của cháu chắc cũng trên 40 tuổi, mới đầu năm họp phụ huynh học sinh, tôi thấy cách nói chuyện của cô giáo làm tôi không an tâm. Tôi có cảm giác như cô đang dạy cho các phụ huynh chứ không phải cho con em họ. Cũng may là trước đây khi còn học ở mẫu giáo, cháu đã được mẹ cho đi học trước chương trình lớp 1(việc này bị tôi phản đối rất dữ dội, ngay cả báo chí cũng lên án, nhưng trong hoàn cảnh này thì tôi thấy mẹ cháu hoàn toàn đúng).
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Ai cũng biết trước đây cô cũng từng làm mẹ, nhưng có lẽ qua những tháng năm dài dạy bao thế hệ học sinh, cách hành xử mềm dẻo, khéo léo trong nghệ thuật giáo dục con trẻ đã trở nên khô cứng trong cách dạy dỗ các cháu cũng như cách ứng xử với phụ huynh.
Tôi mong đây chỉ là những trường hợp cá biệt, và các bậc thầy cô lâu lâu hãy nhìn lại chính mình từ phía con mắt các phụ huynh học sinh để có sự đồng cảm với họ.
Bạn đọc: Linh Thuy
Tôi đọc những lời tâm sự trên của người cha mà không khỏi xúc động thực sự. Trời ơi, sao người ta có thể đối xử như thế với một đứa trẻ 6 tuổi.
Về người giáo viên nọ, rõ ràng là cô rất đáng trách. Người ta đã không còn sự mẫn cảm với trẻ thơ, không còn tình yêu thương hồn hậu với một đứa trẻ bé bỏng. Có lẽ, sống quá lâu trong trạng thái cảm xúc chai lì ấy, dần dần người ta cũng không thể biết như thế là vô tâm, vô cảm.
Bởi vậy, trong trường hợp cụ thể này, đối tượng dễ xoay chuyển không phải là cô giáo. Cô ấy sẽ còn làm như thế với nhiều đứa trẻ khác nữa. Và với quy chế, điều kiện giáo dục như hiện nay, có hàng trăm cô như thế. Tầm vóc của một phụ huynh không thay đổi được tình thế.
Nhưng còn chính bản thân người cha thì sao? Tôi không chấp nhận lời than thở: “Tôi biết làm gì”, “tôi không thể làm khác”. Ô hay, anh này hay thật. Con của anh đấy, đang phải chịu tủi hờn ngay trước mắt anh đấy, mà anh nói là không thể làm gì được sao? Anh không thể bảo vệ cháu, không thể giúp thay đổi điều kiện học tập của cháu, thì anh trông chờ vào ai?
Chẳng lẽ, một người lớn như anh mà cũng không đủ dũng cảm để một lần nói thẳng với cô giáo là con tôi thế này, thế kia, tôi đề nghị cô thế này thế kia? Hoặc anh không có đủ thời gian để theo dõi một buổi học của cháu? Cũng như anh không thể lên tận Ban giám hiệu để phản ánh điều này? Hay là anh và 52 phụ huynh khác trong lớp của cháu cũng không thể gặp nhau được một lần để bàn cách khắc phục?
Con của chúng ta đấy - còn việc gì quan trọng hơn là nuôi dạy và bảo vệ chúng? Mọi lý do công việc, thời gian… đều là ngụy biện, đều trả giá bằng chính tuổi thơ của các em. Các vị có thấy như thế là chính mình đang nhẫn tâm với con cái của mình sao?
Đáng tiếc đấy là sự thật của tình hình giáo dục nước mình! Đâu đâu cũng dễ dàng gặp những điều trái lòng. Nhưng mỗi phụ huynh học sinh tại sao không bắt đầu thay đổi từ chính hoàn cảnh của mình. Các vị chờ đợi ai, chờ đợi cái gì sẽ thay đổi được hoàn cảnh? Và chờ đến khi đó thì con em mình đã bị tổn thương biết bao nhiêu?
Không có một công trình nào vĩ đại, mất nhiều thời gian, tổn nhiều sức lực bằng việc nuôi dạy một đứa trẻ. Nếu cho mình là một người có trách nhiệm với con cái, các vị phụ huynh hãy dám dũng cảm, thẳng thắn. Các vị hãy thay đổi chính mình trước khi đòi thầy cô, trường lớp phải thay đổi.
Bạn đọc: Cô giáo Phan Thị Hồng Hà
Tôi cũng là một giáo viên trong ngành giáo dục, vậy mà khi đọc những dòng tâm sự của anh tôi thấy buồn quá. Buồn cho ngành và buồn cho cả những người “làm” nghề giáo. Buồn vì giáo dục Việt Nam vẫn còn quá nhiều điều đáng nói, đặc biệt là đội ngũ. Đã được học và đào tạo, lẽ nào không hiểu được ký ức trẻ thơ sẽ theo các con trong suốt đường đời, các con có mạnh dạn, tự tin hay không được bắt đầu từ những uốn nắn đầu tiên của các cô.
Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh cô giáo khi tôi vào lớp 1, ân cần, nhẹ nhàng cả khi tôi phạm lỗi cô vẫn khuyến khích động viên tôi, chính ký ức đó đã khiến tôi quyết định chọn đi tiếp con đường của cô để khi vào ngành tôi càng thẫy rõ hơn vai trò của người dẫn dắt các em trong những bước đi đầu đời.
Tôi có may mắn hơn người bạn đồng nghiệp kia là học sinh của tôi đã bước đầu ý thức được vì các em đã là học sinh THCS nhưng không phải vì thế mà không có khó khăn. Học sinh của tôi đang bước vào tuổi dậy thì còn khó bảo hơn lứa tuổi lớp 1 nhiều nhưng không phải vì thế mà tôi đánh hay mắng suốt ngày. Chúng tôi lại là giáo viên trường huyện ở nông thôn, đến ngày Nhà giáo 20/11 hàng năm, rất hiếm có một bông hoa của học sinh tặng thầy cô vì gia đình các em nghèo lắm làm gì có tiền, bố mẹ các em ngày ngày vắt kiệt sức lực trên những cánh đồng để lo cho các em đi học là đã cố gắng lắm rồi làm gì có thì giờ đến hỏi thăm tình hình học tập của con. Vậy mà 10 năm sau khi thành đạt rồi các con vẫn chạy về bên cô ríu rít như những đứa trẻ thơ ngây ngày nào.
Cô giáo ơi! hãy coi học trò là những đứa con của mình để mang hết lương tâm trách nhiệm để dạy dỗ các con, đời sẽ không phụ cô đâu.
Tôi đồng ý với ý kiến của anh là không nên đem quà đến để tạo thành nếp xấu nhưng anh vẫn có thể trực tiếp gặp cô giáo để trao đổi về tình hình con mình và cùng cô tìm biện pháp thích hợp nếu như con mình yếu thật sự. Hãy chân tình góp ý với cô về phương pháp giáo dục của cô nếu như quả thật phương pháp của cô có vấn đề. Đồng thời dù bận anh cũng quan tâm đến con hơn nữa. Quả thật tuổi của các con như con anh còn mải chơi nên đôi khi không nghe được những gì cô dặn dò trên lớp. Và hơn thế nữa nếu như cô giáo vẫn không thay đổi thì chúng ta dù không muốn nhưng vẫn phải phản ảnh với người đứng đầu nhà trường để họ nắm bắt và có cách khắc phục. Chúng ta không thể để cả một “ngôi nhà” hỏng trong tay một vài “người thợ xây không lành nghề”.
LTS Dân trí - Sau khi Diễn đàn Dân trí cho đăng bài “Nỗi lòng của người cha có con sau 3 tuần vào lớp 1”, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc. Đấy là điều thật đáng mừng vì mọi người đều thể hiện rất rõ tấm lòng ưu ái và sự quan tâm đặc biệt đến việc dạy dỗ, giáo dục trẻ em.
Lớp 1 là lớp khai tâm khai trí cho trẻ em còn nguyên vẹn sự ngây thơ, trong trắng. Tấm lòng yêu thương, nâng đỡ cũng như cách dạy dỗ giầu tính nghệ thuật sư phạm của cô giáo sẽ để lại dấu ấn không thể phai mờ trong suốt cuộc đời đối với các em. Đấy là công việc thật vẻ vang và rất đáng tự hào của các cô giáo làm nhiệm vụ khai tâm khai trí cho các em.
Rất tiếc là nền giáo dục hiện nay của chúng ta còn nhiều điều đáng quan tâm, trước hết là vấn đề nổi cộm lên bắt đầu lớp 1. Đấy là chương trình còn nặng nề, nhiều học sinh phải đi học trước khi vào lớp 1. Thái độ đối xử thiếu thân thiện cũng như cách dạy dỗ phản sư phạm của không ít cô giáo đã làm cho việc học tập vốn là quyền lợi chính đáng mà các em được thụ hưởng trở thành nỗi lo nơm nớp hằng ngày mỗi khi bước chân vào lớp. Sự thật đáng buồn đó là lời cảnh báo hết sức nghiêm túc đối với nền giáo dục vốn đáng tự hào của chúng ta.
Nguyên nhân nào dẫn tới sự thụt lùi rất đáng tiếc và không đáng có ấy? Trách nhiệm trả lời câu hỏi này trước hết thuộc về các cấp quản lý giáo dục.