Đổi mới từ gốc cách dạy trẻ
Tôi hiện đang học tại Đức, mới đây khi đọc những bài viết ở nhà về thực trạng đi học của các bé lớp 1, tôi đã nhớ lại mình cũng từng trải qua giai đoạn đó, và nếu được nói lên ý kiến của mình thì đúng là chưa phù hợp.
So với phương thức giáo dục tiểu học của các nước phương Tây, tôi thấy các em ở đây được tạo điều kiện để học và phát triển theo hướng tự nhiên hơn, chủ động tìm hiểu hơn, và được học hỏi toàn diện hơn, mặc dù vậy áp lực lên các em không nhiều như bên mình. Sau những giờ học ở trường các em có rất nhiều thời gian sinh hoạt ngoại khóa, sống cùng gia đình, được vui chơi phù hợp với lứa tuổi của các em. Cũng không có đánh giá cụ thể về học lực của các em công khai trước lớp, vì có thể làm cho các em có kết quả học tập chưa tốt sẽ thấy xấu hổ, làm mất đi lòng tự tin từ nhỏ, sinh ra tính nhút nhát không dám bày tỏ ý kiến trong giờ học. Có không ít các em vì kết quả học tập không tốt từ lúc còn nhỏ mà trở thành tự ti ở các lớp học sau. Bản thân các em không quan tâm đến thành tích trong học tập, có lẽ các em cũng không thể hiểu hết giá trị của nó, mà chỉ vì áp lực của gia đình, nhà trường, hoặc vì những cái nhìn không thiện cảm của bạn bè, của thầy cô, sẽ làm cho các em mất sự hồn nhiên, thiếu tự tin... Những điều đó không thuận lợi cho sự phát triển toàn diện ngay từ lúc nhỏ, và dễ hình thành các thói quen xấu cho các em. Ở bên Đức, thường có những buổi giáo viên gặp mặt trực tiếp phụ huynh và trao đổi để tìm ra cách thức giáo dục tốt nhất với từng em, vì đơn giản giáo dục các em không chỉ là trách nhiệm riêng của nhà trường.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Tôi nghĩ đây là một cuộc cải cách giáo dục mang tính chất cách mạng và toàn diện, chứ không chỉ đơn thuần là sửa đổi nội dung trong sách giáo khoa, hoặc kêu gọi đổi mới cách dạy cách học chung chung. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên cần được quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm cũng như chăm lo đời sống tốt hơn; không chỉ những giáo viên dạy lớp trên mà phải quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ giáo viên tiểu học, nhất là các cô giáo dạy lớp 1.
Tôi e rằng, nếu chúng ta không làm triệt để và toàn diện cuộc cải cách giáo dục mà chỉ thực hiện đổi mới giáo dục như những năm qua thì kết quả thu được không như mong muốn và nền giáo dục của chúng ta sẽ lẽo đẽo theo sau các nước tiên tiến. Điều đó sẽ gây khó khăn rất nhiều cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hiện đại hóa cũng như hội nhập thế giới văn minh ngày nay.
D.X.T
LTS Dân trí - Những ý kiến đóng góp trên cho thấy tấm lòng đối với đất nước của một du học sinh đang sống xa quê hương. Có điều kiện được thấy tận mắt cách dạy dỗ trẻ em ở một nước tiên tiến và liên tưởng đến cách “áp đặt” trong việc dạy trẻ ở đất nước mình, tác giả bài viết trên đây thấy “chạnh lòng” và muốn được đóng góp những ý kiến chân thành.
Những ý kiến đó một lần nữa nhấn mạnh phương pháp giáo dục trẻ em phải đạt được mục tiêu giúp cho em tìm thấy sự vui thích và hào hứng trong học tập. Các em luôn được nâng đỡ, khuyến khích tinh thần tự giác, tự tin, mạnh bạo bộc lộ tính cách của mình trong học tập. Đừng bao giờ làm cho các em buồn vì thấy mình dốt, học không vào và thấy xấu hổ, mất hết niềm tin trước bạn bè.
Hãy biết tôn trọng trẻ và luôn khuyến khích lòng ham tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ đối với tuổi thơ; không chỉ học chữ mà còn học qua những câu chuyện, qua những buổi đi chơi… Đấy không chỉ là kinh nghiệm của nước ngoài, mà ở nước ta, nhiều cô giáo và các ông bố bà mẹ đã quan tâm tới điều này. Tiếc rằng điều đó chưa trở thành phổ biến.