Cơn khủng hoảng vào lớp 1

Trước khi vào lớp Một, cháu đã biết ráp vần, viết các từ khá tròn trịa, chữ đẹp. Cháu thi đậu vào “lớp tăng cường tiếng Pháp” với số điểm tối đa: 9,5 điểm, là niềm tự hào của cả nhà. Song, sau khi học được 2 tuần, tình hình trở nên rất tồi tệ...

Tôi có bé trai, nay cháu đã học THCS. Nhớ lại ngày vào lớp Một trường Tiểu học L.Đ.C, gia đình cho cháu học lớp tăng cường tiếng Pháp. Ở nhà có dạy cháu tiếng Pháp và tiếng Việt xong xong. Trước khi vào lớp Một, cháu đã biết ráp vần, viết các từ khá tròn trịa, chữ đẹp. Cháu thi đậu vào lớp tăng cường tiếng Pháp với số điểm tối đa: 9,5 điểm, là niềm tự hào của cả nhà. Xong, sau khi học được 2 tuần, tôi thấy cháu về nhà kém vui, ít cười nói, trong khi bình thường cháu rất liếng thoắng, hiếu động. Có lần tắm cho cháu, tôi thấy lằn roi hằn trên mông cháu, gặng mãi cháu mới nói cô giáo tiềng Pháp đánh. Có khi vết roi đánh trúng xương cụt của con tôi. Tôi đau xót dỗ con, không dám phản ảnh vì sợ cô giáo ghét sẽ “trù” con tôi, lại cho điểm kém thì khổ!

Sau một tháng, có đêm, tôi thấy cháu lăn lộn trong giường, khó ngủ. Lúc ấy đã khuya, khoảng 12 giờ đêm. Tôi giở màn thấy cháu còn thức, trên mặt 2 giọt nước mắt chảy trên má. Tôi hỏi tại sao? Cháu nói: Mẹ cho con về trường Mầm non học đi, con chán trường này quá, chẳng vui gì hết. Tôi đành khuyên nhủ cháu rằng lớn rồi phải lên lớp Một, phải chuyển trường v.v... Cháu cố gắng vâng lời Mẹ đi học, nhưng trong lòng rất buồn chán.

Những bất công của thầy cô, phương pháp dạy nhồi nhét, học một lúc 2 thứ tiếng, chương trình thực nghiệm đầy vô lý, việc thầy cô chạy theo thành tích đã đẩy con tôi, một đứa bé nhạy cảm thành kẻ mất trí nhớ. Đầu học kỳ II, cháu bỗng dưng không nhớ một chữ nào cả, chỉ làm động tác sao chép từ hàng trên xuống hàng dưới mà cháu cũng không làm được. Vào lớp cháu chỉ ngủ, không thể tiếp thu được bài học.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trước kia, tay cháu cầm bút nhẹ nhàng thì bây giờ gồng cứng, vào lớp cháu không thể chép bài, thích đi lang thang ngoài hành lang. Bút vào tay, cháu đâm xuống mặt bàn cho gãy, mỗi ngày tôi phải cho một cây viết mới. Mua viết cho con học, tôi phải mua cả hộp, đã nhiều hộp như thế. Có tiếng xầm xì của các bạn trong lớp nói cháu bị “điên”. Tôi đã khóc hết nước mắt vì sợ con mình bị bệnh thần kinh, tôi đã mang cháu đi nhiều nơi để chữa bệnh. Nào đo điện tâm đồ (không có vấn đề gì), đi bác sĩ tâm thần kinh, uống cả đống thuốc nhưng bệnh cháu ngày càng nặng.

Cố kéo lên tới lớp Hai cháu bị lưu ban lớp Hai vì không đủ điểm lên lớp cả 2 môn tiếng Việt và toán. Cháu phải chuyển trường, chỉ học 1 thứ tiếng Việt thôi, nhưng sức học vẫn rất yếu, lên tới lớp 4 cháu lại lưu ban một lần nữa. Không kể xiết những lời than thở của các cô giáo dạy lớp cháu học, mặc dù các cô kiên nhẫn không đánh mắng cháu nhưng sức học cháu vẫn rất chậm, học trước quên sau, trí nhớ kém. Đặc biệt chữ viết cháu rất xấu, viết chậm, sai chính tả toàn bộ. Có lúc, vì nóng ruột tôi cũng đã cho con ăn đòn, người lớn sỉ vả cháu là lười biếng, dốt nát, cháu bị mắng mỏ, đánh đòn nhiều lần.

Tôi nghĩ lại thấy thương con quá, không biết vì ai mà một đứa trẻ phải chịu quá nhiều áp lực, gò lưng viết cả ngày, nuốt bao nhiêu thứ vào đầu mà không ghi nhớ được gì. Vì người ta đã khẳng định: Hoạt động chính của cấp I là hoạt động học. Và người lớn, những người làm công tác quản lý giáo dục đã cố ý bỏ qua hoạt động vui chơi rất cần thiết cho trẻ cấp I, và đó là nhu cầu rất đỗi bình thường của lứa tuổi này.

Phương pháp học đã cứu con tôi

Cuối năm lớp 4 lưu ban lần 2, tôi cho cháu đi học ngoại khóa tại một trường dạy tiếng Anh. Cháu chỉ học 2 buổi một tuần, mỗi buổi chỉ 2 giờ. Phương pháp của nhà trường rất vui nhộn, thầy cô nước ngoài trò chuyện cởi mở với học sinh, bày nhiều trò chơi khi học từ, tập nói, nghe v.v... Cháu tiếp thu dễ dàng, dần dần tỉnh ngộ, lấy lại được thăng bằng trí tuệ. Cháu tiến bộ nhanh, thích đi học tiếng Anh. Tôi thấy cháu thích học, nên động viên cháu học tập tốt trong trường Việt. Cháu học tiếng Anh tiến bộ nhanh hơn học tiếng Việt! chỉ sau 2 năm, nghe - nói tiếng Anh khá tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn khủng hoảng, hiện cháu vẫn viết chữ rất xấu, nhưng viết nhanh và hết sai chính tả. Hiện cháu đang học năm cuối của cấp II, lớp tăng cường tiếng Anh. Cháu được thầy cô giáo nhận xét là thông minh, giỏi vi tính và tiếng Anh. Học lực các môn khá, có môn giỏi, cháu đã hoàn toàn bình thường.

Nhìn lại đoạn đường đã qua, tôi thật sự sợ hãi, có lúc đã định đầu hàng số phận, cho con ở nhà khỏi đi học vì đầu óc cháu quá tệ, rồi bao nhiêu lời gièm pha của bạn bè, người thân. Nhưng tấm lòng của người Mẹ vì con đã khiến tôi quyết chiến đấu để giành lại trí tuệ bình thường cho con. Không phải đứa bé nào cũng giống con tôi, đa số vẫn ép chúng học được, nhưng con tôi đặc biệt không ép được, hậu quả là 2 năm lưu ban đó là cái giá phải trả cho phương pháp học cứng nhắc và chạy theo thành tích của nhà trường.

kylamson@gmail.com

LTS Dân trí - Qua kinh nghiệm của người mẹ trong bài viết trên, chúng ta thấy phương pháp dạy học đối với trẻ em quan trọng biết nhường nào. Nếu thầy cô giáo cũng như cha mẹ bắt các em học một cách nhồi nhét và nhất là dùng các hình thức roi vọt để đe nẹt thì chỉ làm cho các em quẫn tri và chán nản, làm thui chột khả năng nhận thức.

Việc học của trẻ em chỉ đem lại kết quả khi các em tìm thấy sự hứng thú trong học tập, học mà vui, vui mà học. Tạo ra được môi trường học tập như vậy là nhờ ở nghệ thuật sư phạm của người dạy; hoàn toàn không thể áp đặt cách dạy người lớn cho trẻ em.