Nỗi lòng người cha có con sau 3 tuần vào lớp 1
Theo dõi cả tuần, hôm nào cháu về nhà cũng có gương mặt ỉu xìu và rất mệt mỏi. Chiều tối qua cháu lại chìa bàn tay ra kể, “hôm nay cô đánh con…”
Năm nay, tôi có con vào học lớp Một. Quả thật tôi lo lắng vô cùng. Trước khi vào năm học mới, tôi đã phải xin nghỉ nửa tháng để chăm cháu, hy vọng giúp cháu có sức khoẻ để đi học.
Sau nửa tháng, sức khoẻ của cháu có khá hơn. Một số anh em bạn bè trong cơ quan cũng khen nhìn cháu thấy khá hơn nhiều. Thế nhưng cháu vào lớp bán trú đến nay được 2 tuần, người cháu gầy tọp hẳn đi. Về nhà ăn uống kém, chơi bời khác hẳn, ít nói, hay buồn ngủ và kém ăn hẳn.
Không rõ cháu ở lớp như thế nào. Tinh thần của cháu thì thấy suy sụp quá. Cháu đi học mà sợ nhiều thứ, cứ bắt Ba phải dẫn vào tận lớp, cháu bắt Ba xin cô cho cháu được ăn ít thôi. Cháu không dám cầm vở tập viết (cho về nhà) nộp cho cô vì sợ cô la, mắng; Cháu bắt Ba phải cầm lên để trên bàn của cô.
Tôi hỏi “con có bạn mới ở lớp không?”, cháu không nói, chỉ lắc đầu. “Ở lớp con có đi vệ sinh không?” - Cháu cũng sợ sệt và lắc đầu. Khi còn đi học mẫu giáo cháu không như vậy; tôi chở cháu đến cổng lớp, cháu thấy bạn cùng lớp là gọi tên, cháu chào Ba con đi học. Khi đón về cháu lễ phép: Chào Ba con đi học về...
Cháu là một đứa trẻ rất hiếu động, vậy mà bây giờ cháu cứ nắm tay tôi bắt dẫn vào tận chỗ ngồi, chờ cô đến rồi Ba mới được về. Tối nào tôi cũng phải ngồi bên con, coi cho cháu viết, chuẩn bị bài vở cho cháu ngày mai đi học rồi cha con mới yên tâm.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Tôi và gia đình đều bận đi làm, không có ai theo dõi cháu ở lớp xem sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi như thế nào. Mỗi chiều tôi đến đón cháu đều thấy cháu buồn thiu và nước mắt ngân ngấn chực khóc oà khi gặp Ba. Tôi thương cháu vô cùng, song chưa biết làm thế nào khác.
Khi dẫn cháu đến lớp cũng gặp trường hợp tương tự ở một số cháu và có cháu nói rõ với cha mẹ: con sợ cô la, con sợ cô đánh, con sợ lắm. Nhìn các cháu như vậy, tôi ra về mà nước mắt chảy trong lòng. Giá như việc gì khác, tôi có thể làm thay cho con, nhưng việc này thì không thể.
Tôi cũng đã trực tiếp viện lý do nói với cô để nhằm an ủi cháu rằng: cháu yếu, răng sún, kém ăn, xin cô cho cháu được ăn ít thôi. Cô nói xẵng với tôi: biết rồi! Tôi nói: cháu thiếu vở tập viết vì cháu không dặn phải đem nộp cho cô. Cô trả lời: thằng này học cũng được đến nỗi nào đâu mà quên vở.
Tôi không biết chính xác cô bao nhiêu tuổi, nhưng tôi đoán khoảng 43-47 tuổi. Câu nói đó của cô làm lòng tôi đau nhói. Tôi tự hỏi: cô cũng từng là cha là mẹ của các cháu cơ mà. Thực sự tôi đang rất hoang mang, chưa biết ứng xử như thế nào.
Lớp học của cháu thì đông (52 cháu). Không hiểu cô có thông cảm cho không? (về chủ quan qua tiếp xúc thì tôi thấy có lẽ là khó). Báo cáo, phản ảnh với Hiệu trưởng hay góp ý với Nhà trường thì có nên không hay kẻo rồi con mình lại phải chịu hậu quả.
Tôi đang băn khoăn định bàn với vợ mang quà đến gặp cô và tâm sự, nhưng lại thấy áy náy lỡ tạo thành nếp xấu. Để vậy thế này thì tội nghiệp cho cháu quá. Hậu quả không tiên lượng được.
Thời gian cứ trôi qua, chẳng những cháu mà chính là tôi, hàng ngày chỉ mong chóng hết ngày để đón con về xem có vấn đề gì không? Tôi rất mong được chia sẻ và lắng nghe ý kiến của các bậc phụ huynh.
Theo dõi cả tuần, hôm nào cháu về cũng có gương mặt ỉu xìu và rất mệt mỏi. Tối hôm qua về nhà cháu lại chìa bàn tay ra kể: hôm nay cô đánh con. Tôi hỏi con có hư không mà cô đánh? cháu nói: cô la con vì con quên vở học Tiếng Anh. Tôi xem lại thì thấy thời khoá biểu trong ngày không có môn học Tiếng Anh. Mỗi tối tôi đều xem thời khoá biểu và chuẩn bị sách vở cho cháu trước khi cho cháu đi ngủ.
Lúc lấy vở viết (cho về nhà) ra cho cháu viết, cháu lấy vở ở trên lớp ra và nói: con viết không xấu mà cô cho điểm ít. Con làm bài toán không sai mà cô cũng không cho điểm 10. Nghe cháu nói như vậy là cháu có nhận thức đúng không đến nỗi chậm hiểu.
Tôi kiểm tra thì thấy: thôi con mình viết không đẹp, cô cho điểm 6, điểm 7, điểm 8 cũng được, sau này kèm cháu viết chữ đẹp cũng chưa muộn. Tôi xem điểm cháu làm toán và viết chính tả thì thấy đúng hết, nhưng cô vẫn cho điểm 8, điểm 9 (Xin nói cụ thể là: nay mới là tuần thứ 3, nhưng các cháu đã viết chính tả. Tôi không hiểu Bộ Giáo dục cải cách như thế nào? Viết chính tả từ tuần thứ 3 có quá tải không? không biết Bộ Giáo dục, Vụ Giáo dục Tiểu học có thấy những việc này không?)
Sáng hôm nay (17/9), tôi lại dẫn cháu đến lớp. Khi vào lớp, tôi đứng bên cháu và nộp cho cô 2 ảnh để cháu làm thẻ. Ngay lúc đó cháu nói: Ba xin cô cho con ăn ít thôi, Ba xin cô đừng đánh con. Tôi chưa kịp nói gì thì cô phản ứng ngay: Đánh bao giờ, ai đánh. Thôi anh cứ để cháu đó, về đi không có nó lại làm nũng.
Tôi im lặng, ra về và cũng không dám nói gì thêm, trong lòng tôi nghĩ thầm, chắc là cô có đánh thì cháu mới nói trước mặt cô như vậy.
Năm ngoái khi học mẫu giáo, cháu cũng đã 1 lần bị cô giáo dùng chiếc lược chải đầu đánh vào mặt cháu làm bầm tím mặt. Cháu về nhà có kể lại: con không làm gì mà cô đánh con. Tối hôm đó cô giáo có điện thoại xin lỗi và đề nghị đừng báo cáo với nhà trường. Gia đình tôi đã đồng ý vì nghĩ rằng cô giáo của cháu đã biết sửa sai.
Nay lặp lại như thế này, tôi rất lo cháu bị stress và ảnh hưởng đến trí tuệ.
Rất mong nhận được những lời giải và tư vấn hợp lý cho tôi và cho cháu.
LTS Dân trí - Đọc bài viết trên đây, những người đã từng làm cha làm mẹ đều chia sẻ và thấu hiểu nỗi lòng của một người cha đã dành tất cả sự yêu thương và chăm chút cho đứa con bé bỏng vừa mới vào lớp 1.
Cũng qua những chi tiết rất thật được phản ảnh trong bài viết trên, chúng ta thật sự buồn lòng về một “mẫu” cô giáo hết sức phản thân thiện đối với học trò, tức là phản lại mục tiêu thi đua của năm học mới là xây dựng “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”.
Điều đặc biệt đáng quan tâm là đối tượng giáo dục ở đây lại là trẻ thơ, những em bé mới vào lớp 1 rất cần đến sự chăm chút và tình yêu thương của cô giáo. Làm cho các cháu luôn có tâm lý lo lắng và sợ hãi khi bước chân đến lớp thì làm sao các cháu có sự hứng thú trong học tập và kết quả tiếp thu sẽ bị giảm sút rất nhiều.
Chúng ta cần phản ảnh cho nhà trường xảy ra những chuyện đáng buồn như vậy để kịp thời uốn nắn thái độ “không thân thiện” của một số cô giáo không có tấm lòng yêu trẻ và đã hành động ngược lại với mục tiêu phấn đấu của năm học mới.