Giáo viên chê phụ huynh nhìn từ nhiều phía

(Dân trí) - Câu chuyện bạn Hương Lê phản ánh cách hành xử mà bạn cho là “phản sư phạm” của cô giáo chủ nhiệm cũng như cô giáo dạy Anh văn đối với con mình đã nhận được hàng trăm phản hồi. Trong đó có rất nhiều ý kiến để cả hai phía cùng nhìn lại.

Giáo viên chê phụ huynh nhìn từ nhiều phía - 1

Nhiều người tự hỏi liệu giáo viên nước ngoài có hành xử như hai cô giáo này khi giao tiếp với phụ huynh học sinh?
Người trong nghề  

 

Cũng là một kỹ sư tâm hồn, vo thi lieu: vothilieu@gmail.com không hề đồng tình với cách làm cũng như hành xử của giáo viên trong phản ánh của Hương Lê: “Mọi người nói như vậy là sai rồi, giáo viên có nhiều áp lực là có quyền nói như vậy sao, bản thân tôi là một giáo viên tôi cho rằng hơn ai hết người giáo viên phải hơn những ngành nghề khác ở sự bình tĩnh và bao dung. Giáo viên cũng là những người mẹ, khi ở cương vị này thì như vậy nhưng khi ở cương vị làm mẹ chưa chắc đã khẳng định không nóng nảy như phụ huynh kia. Phụ huynh có nóng giận thì giáo viên cũng phải bình tĩnh giải thích chứ, trên bục giảng không nên có những giáo viên ứng xử phi đặc thù nghề nghiệp như vậy”.

 

Là một người có thâm niên với nghề trồng người, Quynh Anh: susuquynhanh@gmail.com phân tích khá tỉ mỉ dưới góc nhìn khách quan: “Tôi là giáo viên được hơn 10 năm, những việc như bạn Hương Lê viết tôi bắt gặp rất nhiều trong môi trường giáo dục hiện nay nhưng nhìn từ các góc độ khác nhau sẽ có cảm xúc khác nhau, riêng tôi sau nhiều năm giảng dạy có suy nghĩ như sau:

 

1.         Giáo viên phát ngôn bừa bãi thường rơi vào những người không được đào tạo bài bản, có xuất phát điểm thấp.

2.         Người chưa kiềm chế tính khí cũng là người có trình độ hạn chế, nhận thức kém.

3.         Những GV hay ra oai thường là những người không được học sinh phục.

4.         Khả năng giao tiếp kém (kỹ năng mềm), thường không được đào tạo.

5.         Môi trường giáo dục còn nặng quan liêu.

6.         Hoàn cảnh hiên tại (lúc xẩy ra sự việc), nếu khéo léo giải quyết sẽ không có gì lớn nhưng con người ai cũng đặt nặng cái “tôi” của mình.

 

Tôi tiếp xúc với giáo viên nhiều từ phổ thông, cao đẳng, đại học của nhiều trường khác nhau thấy có nhiều thầy cô tận tuỵ với nghề, yêu quý học sinh, tìm hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của học sinh, nhưng cũng không ít giáo viên có khả năng - giao tiếp kém, không chuyên tâm vào công việc. Nội dung bài viết trên thấy vấn đề không phải là tìm ra ai đúng ai sai mà ở đây người lớn phải tìm ra cách giải quyết để cậu bé sau này thấy nể trọng thầy cô, yêu quý cha mẹ thì mới tiếp tục học được”.

 

“Bản thân tôi cũng là một giáo viên, nhưng tôi không đồng ý với hành xử của cả phụ huynh và giáo viên. Xét về mặt khách quan tôi thấy: bản thân là giáo viên mà nói với phụ huynh như thế cũng không nên, mình ăn nói cũng không ra sao thì đi dạy học sinh thế nào, hơn nữa hành vi của cô giáo như trên là hơi quá. Về phía phụ huynh thì là một người có học vấn cao cũng nên thấu hiểu cho cô giáo chủ nhiệm bởi quán xuyến một lớp học 50 em và trăm ngàn công việc cũng không phải dễ dàng. Tóm lại lúc đó cả hai cùng mất bình tĩnh cả hai phải nên xem lại. Nếu bình tĩnh để suy xét thì cũng không có chuyện gì để nói và bàn cãi cả” - mai thu thanh: huanthanh@gmail.com nhận xét.

 

Không tán thành cách hành xử của giáo viên, viet: vietcomposer@gmail.com thậm chí còn mong muốn mở một cuộc điều tra: “Tôi cũng là một phụ giảng viên, nên tôi đồng tình với quan điểm của chị phụ huynh, nếu là giáo viên có cư xử như vậy không đủ tư cách đứng bục giảng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra và có hình thức kỷ luật thích đáng”.

 

“Mẹ cũng sai mà cô giáo cũng sai. Tôi cũng là giáo viên nhiều năm, có những phụ huynh bênh con khó chấp nhận như chị. Họ đã phải hối hận khi không phối hợp với nhà trường để giáo dục con cái. Họ đã phải gánh chịu hậu quả. Khi họ nhận ra thì đã muộn. Tuy nhiên cô giáo cũng không được cư xử với học sinh và phụ huynh như thế. Thật không sư phạm tý nào. Các bậc phụ huynh cũng không nên cô giáo nói gì cũng phải im lặng. Muốn con hay chữ mà "yêu thầy" kiểu đó là không đúng. Bây giờ cũng không ít gv kém ứng xử như cô giáo này” - lan anh: lananh1212@gmail.com chia sẻ.

 

Dù chỉ mới rậm rịch cho hành trang bước vào nghề giáo, nhưng nguyen hang: trunganhk42@gmail.com cũng đã có cái nhìn sâu khi nêu rõ quan điểm kèm câu hỏi ngỏ: “Tôi đang học Sư phạm năm cuối, đã đi thực tập đợt 1 nhưng chưa thấy thầy cô giáo nào dạy như vậy cả. Đọc bài này “sốc” nặng luôn. Ở đây với tư cách là người làm trong ngành sư phạm, cô giáo cư xử phải sao cho đúng với văn phong sư phạm, đạo đức nhà giáo, ngành giáo dục có nên chăng cần xem xét lạ đội ngũ cán bộ của mình. Còn nếu ai bênh vực cho cô giào này thì nên xem xét lại và tìm hiểu thế nào là “sư phạm”. Thử hỏi một cô giáo như vậy thì có thể dạy cho học sinh những gì, truyền đạt những gì? Thế nào là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý? thế nào là kĩ sư tâm hồn? Người mẹ ở đây có lẽ cũng chưa hoàn toàn đúng nhưng nếu mọi người cũng là phụ huynh và con em mình bị như vậy thật lòng mọi người sẽ làm như thế nào?”.

 

“Nếu tường thuật của vị phụ huynh là chính xác, thì tôi xin có ý kiến như sau: Các thầy cô giáo của tôi ngày xưa không như thế. Cha mẹ học sinh có thể trình độ văn hóa kém hơn giáo viên, hoặc không được dạy dỗ trong môi trường Sư phạm, nhưng chính như thế càng mong có sự hướng dẫn từ phía giáo viên giúp phụ huynh học sinh rèn giũa trẻ cũng như xem lại vai trò của chính mình trong giáo dục con cái.

 

Nếu cô giáo từ tốn trả lời phụ huynh, thì tự họ sẽ thấy ngượng vì khiếm nhã với giáo viên. "Tiếng bấc quăng đi, tiếng chì quăng lại" chỉ có thể áp dụng ngoài chợ, không thể áp dụng trong mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình. Hơn ai hết, người giáo viên chính là người dẫn dắt cách cư xử của mọi cá nhân trong mối liên hệ này. Vậy nên cho dù vị phụ huynh học sinh trên xử sự sai thì cô giáo vẫn cần xem lại tư cách của bản thân mình”…

 

Bên cạnh những “mổ xẻ” về thái độ của giáo viên và phụ huynh, Pham Thanh Tu: tu57batrieu@gmail.com còn gửi lời cảm ơn đến ba mẹ cũng như những người thầy cô năm xưa đã dìu dắt mình: “Em rất biết ơn các thầy cô đã cùng bố mẹ dạy dỗ em nên người. Xin chúc các bạn tôi đang đứng trên bục giảng và tất cả các thầy cô giáo luôn mang đến cho học trò niềm vui đến trường và luôn nhận được sự biết ơn nhiệt thành từ các phụ huynh và học sinh của mình”.

 

Người “ngoại đạo”

 

“Tôi thấy thứ nhất khi một giáo viên bộ môn có hành động ném vở của hs ra ngoài đúng như lời cháu bé kể thì giáo viên ấy đã không có đủ tư cách đứng trên bục giảng rồi. Và trong hoàn cảnh 1 phụ huynh hs gọi điện đến thắc mắc bất kể vấn đề gì với thái độ như thế nào thì cách phản ứng và giải quyết vấn đề của cô giáo như vậy là rất kém. Tôi đứng về phía phụ huynh của hs này. Và tôi đang thắc mắc 1 điều là ai sẽ là người đủ tư cách để nói chuyện với cô giáo? Và giáo viên chủ nghiệm là để làm gì? chẳng phải giáo viên là người giải quyết những vấn đề như vậy trong lớp học sao cho có tình có lý sao?” -  pháp linh: phaplinh.tasly@gmail.com gay gắt trước thái độ của cô giáo chủ nhiệm và cô giáo bộ môn.
 
Giáo viên chê phụ huynh nhìn từ nhiều phía - 2

Có không ít người trong nghề cũng không ủng hộ cách cư xử của giáo viên với phụ huynh

 

Cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, do thu ha: dothuha3008@gmail.com ước bố mẹ mình cũng hành động thẳng thắn như vị phụ huynh trên: “Nếu bố mẹ cháu xử lý như cô thì cháu đã không phải mang ấm ức trong lòng đến bây giờ. Sự việc của cháu giống hệt con cô và bố mẹ cháu tin lời cô giáo. Đã đánh cháu thậm tệ. Bây giờ cháu đã 25 tuổi, đọc bài viết của cô, cháu lại cảm thấy buồn và bức xúc với cô giáo dạy tiếng anh đó. Nỗi ấm ức này đi theo cháu đến bây giờ. Tại sao bực tức của người lớn lại dồn lên con trẻ?...”

 

Còn Dang thu Hoai: dangkha78@yahoo.com mong muốn qua câu chuyện của mình với cô giáo chủ nhiệm dưới đây sẽ là lời khuyên cho những ai đang và sắp trở thành giáo viên cùng như kèm lời nhắc nhở đến các vị phụ huynh: “Tôi cũng có con đang hoc lớp 2, trường tiểu học Khương Mai, Hà Nội. Con trai tôi cũng là một học sinh không tập trung trong giờ học và ngay cả thi kiểm tra học kỳ cháu cũng không chịu làm bài nhưng cô giáo chủ nhiệm cháu cũng rất kiên trì gọi điện cho tôi (4 lần gọi đến nhà nhưng không ai nghe máy vì chúng tôi không ở nhà thường xuyên). Cho đến khi gọi điện gặp được tôi phản ánh cũng rất nhẹ nhàng và thực sự cô giáo đã cho tôi cảm nhận được cách cư xử rất "Nhà giáo" (thực sự tôi không tìm được từ gì hợp lý hơn). Mặc dù cô chỉ dạy lớp 2 nhưng cô đã dạy cả cho tôi về cách cư xử. Thật sự trong thâm tâm tôi thấy rất phục cô giáo. Tôi kể chuyện của tôi như vậy vì nghĩ đáng ra khi học sinh có chuyện gì xảy ra thì giáo viên chủ nhiệm phải là người chủ động liên lạc với phụ huynh để phản ánh chứ sao lại để cho phụ huynh phải chủ động gọi điện như vậy? Tuy nhiên, tôi thấy giọng điệu chị gọi điện cho cô giáo như vậy cũng là chưa hợp lý”

 

“Trong trường hợp này cả ba đều sai, cô giáo Anh văn thì thiếu phương pháp sư phạm khi ném vở của học sinh và quát học sinh "nhặt đi"; phụ huynh sai vì cách trao đổi với giáo viên; còn cô giáo chủ nhiệm sai vì cho mình là bậc chiếu trên nên ứng xử không phù hợp. Thực ra ở phương tây, nhà trường chủ động trao đổi với phụ huynh học sinh về các vấn đề liên quan tới học sinh và cũng tôn trọng phụ huynh hơn bên ta và ở ta thì thường phụ huynh phải "bắc cầu Kiều" và phải "yêu lấy thầy" nên trong mối quan hệ chưa được công bằng cho lắm, phải ở chiếu dưới đối với các trường công” - Bảo Thanh: baothanh@yahoo.com nêu thực trạng.
 
“Tuy không phải là giáo viên nhưng với tâm lý cũng từng là học sinh, thì cánh hành xử của cô giáo trong bài viết trên là rất coi thường bố mẹ học sinh. Giáo viên nói như thế cũng như là nói thẳng vào mặt phụ huynh học sinh đó là người vô học, nên giờ mới phải nhờ tôi dạy học à?... Nên có hình thức kỷ luật đúng mức với thái độ coi thường người làm cha mẹ” - hoàng doãn hùng: hoangdoanhung91hp@gmail.com bức xúc. 

 

“Mẹ cậu phải nhờ tôi chứ không phải ra lệnh cho tôi. Mẹ cậu không có đủ tư cách để nói chuyện với tôi” - Là 1 giáo viên thay mặt phụ huynh dạy chữ cho cả 1 thế hệ trẻ vậy mà có thể phát ngôn như vậy, đáng lẽ với 1 tư cách nhà giáo khi cuộc nói chuyện đã xảy ra thì cô giáo phải xử sự theo cách đối thoại với phụ huynh chứ tại sao lại đem con trẻ ra làm quả bóng đá qua đá lại thế ...” - Không ủng hộ thái độ của cô giáo, Luu Hai: TRONGHAI5687@GMAIL.COM nhấn mạnh.

 

Trong khi đó Trần Đỗ Trọng: trandotrong@gmail.com mong mọi người có cái nhìn cảm thông với sự vất vả của nghề giáo và hãy thử đặt mình vào họ: “Em nghĩ chị cũng như bao người mẹ khác…lo lắng đó là chính đáng nhưng chị thử nghĩ xem, yêu thương con mà xem thường người dạy dỗ con mình vậy chị cho con đi học để làm gì? Giáo viên là một nghề vất vả vô cùng, một cô giáo phải quản đến 40hs, nếu là chị, trong vai trò là một giáo viên chị sẽ hiểu và thông cảm hơn là trách cứ. Thương mại theo ý chị cũng có lý, song đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Chị có thấy rằng ai làm bất cứ điều gì bị cho là không tốt đều bị quy về đạo đức...cũng là con người bình thường như nhau, cũng làm nghề nghiệp như nhau mà lại có quá nhiều khác biệt. Mong mọi người nên suy nghĩ lại và chị có thấy rằng lương giáo viên rất thấp không?”

 

Có chung quan điểm, Le Phong: lephongvt@yahoo.com cho rằng: "Phụ huynh nên hiểu rằng, giáo viên chủ nhiệm cũng giống như phụ huynh trong mối tương quan với các giáo viên bộ môn. Một học sinh có biểu hiện không đúng, GVBM sẽ phản ánh với GVCN. Một lớp 40-50 học sinh, mỗi ngày, GVCN như là mẹ phải nghe nhiều hàng xóm mắng vốn những đứa con của mình. Tâm lý GVCN chắc chắn bị ảnh hưởng. Thái độ của phụ huynh phản ứng như vậy là không đúng. Mặt khác, ngay khi chị viết về trình độ, tuổi tác,... đã thấy trong tính cách chị có phần tự cao, cho mình hơn người. Do vậy, chị cần xem lại thái độ và suy nghĩ của mình. Với trình độ và nhận thức tốt như chị tự nhận, chị phải hiểu rằng, mọi việc đều có nguyên nhân của nó, và nguyên nhân của chuỗi hành động sau này là thái độ không phải của chị… Một đứa trẻ, có thể ngoan trước mặt ba mẹ nhưng khi ra ngoài thì chưa hẳn. Mong chị bình tĩnh hơn để làm gương cho con mình. Về phần giáo viên, chị nên đến gặp trực tiếp để trao đổi và thông cảm với nhau hơn”

 

Nick Bạn đọc: muaha78vn@yahoo.com trăn trở cùng lời kết: “Thật buồn cho cách ứng xử của cả hai phía! Buồn hơn nữa khi phụ huynh có trình độ đại học Ngoại thương lại không biết tiếp cận một vấn đề đơn giản như vậy! Buồn hơn cho cách trả lời của giáo viên! Thay vì câu nói nhẹ nhàng để tìm ra vấn đề thì lại đôi co như trẻ con! Nghề nào cũng có vất vả không động viên nhau thì thôi ... Thật buồn khi trước mắt đứa bé là cách ửng xử của hai người mẹ "hiền" là "cô và mẹ". Chắc chúng ta còn nhớ lời bài hát: "Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền...!" Đứa trẻ ấy sẽ theo cách ứng xử của ai đây? Cô giáo hay mẹ? Thật buồn hơn khi trình độ của trí thức chỉ có thế thôi sao?”.

 

 Bách Gia