Đại học không tuyển thí sinh thấp bé: Tuyển nam vương, hoa hậu hay cử nhân?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Mỗi lần nghĩ tới chuyện trường đại học tuyển sinh kiểu này, tôi thấy thật sự hài hước. Riết rồi họ tuyển nam vương, hoa hậu chứ không tuyển cử nhân?".

Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội mới công bố điều kiện xét tuyển năm 2024, trong đó đáng chú ý có yêu cầu về việc thí sinh nữ phải cao từ 1,58 m trở lên, thí sinh nam từ 1,6 m, có thể lực và thị giác tốt. Ngoài ra, nếu thí sinh có năng khiếu đặc biệt, trường sẽ xét riêng. 

Bộ tiêu chí trên lập tức bị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) "tuýt còi" khi có văn bản yêu cầu trường rà soát tiêu chí, điều kiện xét tuyển của nhà trường, sao cho đảm bảo công bằng với thí sinh, không để em nào mất cơ hội. Phía trường đại học sau đó cũng đã cầu thị, loại bỏ các tiêu chí về ngoại hình. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến không ít người còn cảm thấy bất bình. 

Đại học không tuyển thí sinh thấp bé: Tuyển nam vương, hoa hậu hay cử nhân? - 1

Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: HSB).

Bày tỏ quan điểm cá nhân, anh Phan Tran cho rằng việc yêu cầu ngoại hình đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển ngành nghề này là điều "thật sự hài hước". Độc giả này viết: "Mỗi lần nghĩ tới chuyện trường đại học tuyển kiểu này, tôi thấy thật sự hài hước, riết rồi họ tuyển nam vương, hoa hậu chứ không tuyển cử nhân?". 

"Vậy giảng viên của nhà trường cũng phải yêu cầu nữ không được dưới 1,7m, nam không được dưới 1,8m thì mới được phép đứng bục giảng. Chưa gì nhà trường đã dạy các em sân si hình thể thay vì tập trung học hành. Thay vì đưa ra những tiêu chí lố lăng đó thì nhà trường nên tập trung vào nâng cấp giáo án và chương trình dạy của trường để các em được trang bị đầy đủ kiến thức và bắt kịp với trình độ thế giới thì hơn, người dùng Long Trinh Vu bình luận gay gắt. 

"Tiêu chí của trường như thế, thì hiểu cách dạy của họ là dùng ngoại hình để đạt được hợp đồng hoặc mối làm ăn thôi, mong mỏi gì hơn nữa", anh Hoang Anh Nguyen tiếp lời. 

"Năng lực lãnh đạo không thể chỉ dựa vào hình thể, chúng ta không nên phân biệt đối xử dựa trên các yếu tố ngoài năng lực tư duy và kiến thức", "Giáo dục phải đảm bảo tính công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người, hy vọng các trường đại học khác cũng sẽ nhận thức đúng đắn về vấn đề này"... nhiều độc giả khác cũng kêu gọi sự công bằng, bình đẳng đối với mọi thí sinh. 

Trong khi đó, không ít độc giả lại bày tỏ cái nhìn trung lập và cảm thông với kế hoạch xét tuyển của nhà trường. Anh Phạm Văn Hùng viết: "Mình nghĩ rằng tiêu chí hình thể có thể giúp phát hiện tiềm năng lãnh đạo ở một mặt nào đó. Tuy nhiên, nó không nên là điều kiện bắt buộc, mà chỉ nên là một tiêu chí bổ sung".

"Mặc dù việc loại bỏ các tiêu chí hình thể là đúng đắn, nhưng mình vẫn thấy rằng một số tiêu chí ngoại hình có thể hỗ trợ trong việc phát hiện năng lực lãnh đạo. Quan trọng là cách chúng ta áp dụng chúng", chị Đinh Thị Lan tiếp lời. 

"Thực tế không ít ngành hoạt động chủ yếu liên quan đến quan hệ giao dịch với các đối tác, khách hàng, do vậy họ chỉ tuyển những nhân viên có hình thể chuẩn về chiều cao, cân nặng cũng như kỹ năng giao tiếp... để giúp lãnh đạo thuận tiện trong công việc, mặc dù kiến thức có thể chưa bằng người khác. Như vậy, ta thấy rằng nhà trường cũng chỉ bắt chước một số ngành mà thôi. 

Hiện nay, nhiều sinh viên ra trường, mặc dù có bằng khá, giỏi nhưng hình thể bề ngoài không đáp ứng được các nhà tuyển dụng, họ sẽ từ chối bằng những lý do khác nhau. Tuy nhiên, cái chính vẫn là thể hình bên ngoài của ứng viên", chủ tài khoản But phân tích.