Dấu hiệu 4 tội danh trong vụ hỗn chiến tại Đắk Lắk

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo các luật sư, Vân có thể bị xem xét trách nhiệm về tội cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc thậm chí là giết người, trong khi nhóm người xô xát có thể bị xem xét trách nhiệm về 2 tội danh khác nhau.

Như đã đưa tin, sau vụ hỗn chiến dẫn tới việc một cô gái lao xe vào nhóm đối thủ tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Công an TP Buôn Ma Thuột ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích và Cố ý làm hư hỏng tài sản, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Vân (30 tuổi, ở TP Buôn Ma Thuột) về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản. 

Trước đó, tối 6/6, Vân là người tham gia vụ ẩu đả giữa các cô gái do mâu thuẫn trong cuộc nhậu trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Bị can sau đó lên ô tô, rồ ga lao mạnh vào ô tô phía trước rồi lùi xe, tông thêm một lần nữa. Vụ việc bị người dân ghi lại và đăng tải trên mạng xã hội. 

Với diễn biến hành vi nêu trên, ngoài tội danh đã bị khởi tố, Vân có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi khác hay không? Những người liên quan vụ hỗn chiến có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật? 

Dấu hiệu 4 tội danh trong vụ hỗn chiến tại Đắk Lắk - 1

Bị can Trần Thị Vân (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trách nhiệm của nữ tài xế ô tô

Theo dõi clip sự việc, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh theo quy định của pháp luật, ô tô và các phương tiện giao thông khác được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ lao thẳng vào người khác là hành vi được xếp vào nhóm rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm và có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Giết người. 

Đối với trường hợp trên, luật sư Trang nhìn nhận chiếc xe mà Vân điều khiển có trọng lượng khoảng 2 tấn, có thể tạo ra lực đâm rất lớn nếu di chuyển tốc độ cao. Trong clip được người dân ghi lại, có một số người đang đứng ở đuôi xe nhưng đã kịp thời bỏ chạy khi chiếc xe lao tới. Đây là tình tiết cần đặc biệt lưu tâm và sẽ được cơ quan công an tập trung làm rõ. 

"Cụ thể, cơ quan điều tra trước tiên sẽ làm rõ những người đứng ở đuôi xe có mối quan hệ như thế nào đối với Vân, có thuộc nhóm đối thủ và xảy ra mâu thuẫn, xô xát với nhóm của Vân hay không.

Tiếp đó, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là ý chí của Vân tại thời điểm đó như thế nào, việc cô gái này rồ ga, lao thẳng về phía trước nhằm mục đích gì, có ý chí chủ quan nhằm tước đoạt mạng sống người khác hoặc cố tình xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác hay không hay chỉ đơn thuần là muốn làm hư hỏng tài sản. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của nữ tài xế này", luật sư Trang phân tích. 

Từ cơ sở bình luận, nhận định nêu trên, luật sư cho rằng nếu nữ tài xế có đầy đủ năng lực hành vi, sử dụng ô tô và thốc ga lao vào người khác nhằm mục đích tước đoạt mạng sống những người đó hoặc nhận thức được điều đó nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Khi đó, cơ quan công an có thể xem xét chuyển tội danh đối với cô gái này. 

Trong trường hợp Vân không có ý chí xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe của người khác, việc lao xe chỉ nhằm làm hư hỏng tài sản, cô sẽ bị xử lý về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. 

Ngoài ra, do nguồn cơn vụ việc xuất phát từ vụ ẩu đả giữa các bên, cơ quan công an cũng sẽ xem xét dấu hiệu của hành vi Gây rối trật tự công cộng cũng như làm rõ tình trạng tinh thần của Vân tại thời điểm điều khiển phương tiện có thuộc trường hợp tinh thần bị kích động, kích động mạnh hay không để làm căn cứ xử lý nữ tài xế theo đúng quy định của pháp luật. 

Cũng theo dõi sự việc và đánh giá về hành vi của nữ tài xế, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết dưới góc độ giao thông, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện sau khi gây tai nạn có nghĩa vụ dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Ngoài ra, họ phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

"Như vậy, tài xế có 3 sự lựa chọn sau khi gây tai nạn là ở lại hiện trường, tới cơ sở y tế để cấp cứu hoặc tới cơ quan công an để trình báo. Trường hợp này, do nữ tài xế đã rời đi sau khi gây ra vụ va chạm, cần xác định cô có thuộc trường hợp bị đe dọa nguy hiểm đến tính mạng và cần tới cơ quan công an trình báo hay không. Nếu không, việc người này tự ý ra khỏi xe và bỏ đi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt với mức phạt cao nhất lên tới 16-18 triệu đồng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ", luật sư Hùng bình luận. 

Dấu hiệu 4 tội danh trong vụ hỗn chiến tại Đắk Lắk - 2

Khoảnh khắc Vân lao xe vào phương tiện khác (Ảnh cắt từ clip).

Nhóm người tham gia ẩu đả có thể bị xử lý ra sao? 

Công an TP Buôn Ma Thuột đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích. Việc khởi tố dựa trên kết quả giám định thương tật ở mức 9% của một người đàn ông đi cùng nhóm của Vân và đơn đề nghị khởi tố của người này. 

Đối với trường hợp này, luật sư Hùng cho rằng cơ quan công an sẽ tiến hành sàng lọc, phân loại đối tượng, từ đó làm rõ những người nào có hành vi trực tiếp hoặc giúp sức tích cực trong việc cố ý gây thương tích cho nạn nhân. Trong trường hợp bị hại có đơn đề nghị và hành vi được xác định thuộc các trường hợp như có tổ chức, có tính chất côn đồ hay dùng hung khí nguy hiểm... những người phạm tội có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. 

Đối với những người còn lại, cơ quan chức năng sẽ củng cố hồ sơ để xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.