Mẹ chồng "dắt" con dâu ra tòa sau hơn 20 năm chung sống

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Từ một đại gia đình hạnh phúc, biến cố ập tới sau sự ra đi của những người đàn ông. Những mâu thuẫn không thể hóa giải buộc nàng dâu phải gặp mẹ và các chị gái chồng tại chốn công đường.

TAND TP Hà Nội mới đây đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp chia thừa kế giữa nguyên đơn là bà N. (84 tuổi, mẹ chồng) và chị H. (48 tuổi, con dâu). Di sản thừa kế là quyền sử dụng nhà và đất tại quận Đống Đa, Hà Nội. 

Bất hạnh của một gia đình

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bắt đầu từ năm 2000, khi chị H. kết hôn và chuyển về chung sống cùng bố mẹ chồng tại một căn nhà cấp 4 thuộc quận Đống Đa. Cùng nhau, họ gây dựng nên một tổ ấm hạnh phúc, nơi các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, che chở và đùm bọc lẫn nhau.

Tuy nhiên, những biến cố bất ngờ liên tục ập tới trở thành đòn giáng mạnh, chia rẽ sâu sắc tình cảm của các thành viên và phá tan bầu không khí hạnh phúc nơi tổ ấm yêu thương này. Để giờ đây, con dâu cùng mẹ và các chị gái chồng phải gặp nhau tại chốn công đường.

Sóng gió bắt đầu xảy ra từ năm 2020, khi ông T. (bố chồng chị H.) lâm bệnh nặng và qua đời. Chỉ một năm sau, anh C. (chồng chị H.) cũng nối bước ông T. rời xa gia đình.

Sự ra đi của những người đàn ông, những trụ cột chính khiến bầu không khí gia đình trở nên u ám. Mối quan hệ giữa nàng dâu với mẹ chồng và các chị gái chồng trở nên sứt mẻ nghiêm trọng, mâu thuẫn ngày càng trở nên sâu sắc, trầm trọng và không thể giải quyết. Đỉnh điểm của mâu thuẫn tới vào ngày 29/8/2022, khi bà N. (84 tuổi, mẹ chồng chị H.) quyết định khởi kiện con dâu tại TAND thành phố Hà Nội, yêu cầu chia di sản thừa kế và đề nghị được giao quản lý toàn bộ khối tài sản bao gồm nhà và đất mà gia đình hiện sinh sống.

Theo Đơn khởi kiện, bà N. khẳng định là đồng sở hữu đối với nhà và đất nêu trên. Sau khi chồng và con trai mất, bà và con dâu sống không được hòa thuận, tuy sống chung một nhà nhưng không ai quan tâm tới ai.

Bởi vậy, theo bà N., để đảm bảo quyền và tài sản của tôi đối với mảnh đất và ngôi nhà, bà đề nghị TAND thành phố Hà Nội chia tài sản chung vợ chồng, chia thừa kế đối với phần tài sản của chồng và con trai để lại cũng như giao lại ngôi nhà mà bà và chị H. đang ở cho bà quản lý sử dụng. Bà sẽ trả phần thừa kế cho các đồng thừa kế bằng tiền.

Mẹ chồng dắt con dâu ra tòa sau hơn 20 năm chung sống - 1

Con ngõ dẫn vào căn nhà nơi mẹ chồng và nàng dâu hiện chung sống (Ảnh: Hoàng Diệu).

"Phận làm dâu, dù thế nào vẫn phải có trách nhiệm với gia đình nhà chồng"

Lá đơn khởi kiện của mẹ chồng khiến chị H. không khỏi bàng hoàng. Từ mối quan hệ bền chặt, khăng khít, coi nhau như máu mủ trong gia đình, giờ đây chị và mẹ chồng trở thành những bên đối tụng trước quan tòa. 

Bày tỏ quan điểm về yêu cầu khởi kiện, chị cho biết kết hôn và chung sống cùng bố mẹ chồng từ năm 2000 tại căn nhà khi đó còn là nhà cấp 4 thuộc địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Tới năm 2012, hai vợ chồng quyết định lấy tiền tiết kiệm, cộng với vay mượn anh em, bạn bè để xây lên căn nhà 5 tầng khang trang như hiện nay chị và mẹ chồng sinh sống. 

"Tôi thậm chí bỏ tiền túi để xây lên ngôi nhà khang trang như hiện nay để cả gia đình có một tổ ấm tốt hơn, đại gia đình có nơi rộng rãi để sum họp lại với nhau. Quãng thời gian đó là những ngày tháng tươi đẹp nhất khi có một gia đình trọn vẹn đầy đủ ông bà, bố mẹ, các bác, anh chị em. 

Thậm chí, đến khi bố chồng và chồng tôi mất, tôi tự mình đứng ra tu sửa, cải tạo lại ngôi nhà nhằm phục vụ cho việc thờ cúng, chỗ sinh hoạt cho mẹ chồng cũng như mẹ con tôi, là nơi để hai chị gái của chồng đến gặp mẹ và các cháu", chị H. bộc bạch. 

Cũng theo chị H., trong quá trình chung sống với bố mẹ chồng, chị luôn hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ chồng, lo tiền thuốc men, viện phí khi ông bà ốm đau. Mặc kệ những lời chỉ trích, thái độ không tốt của mẹ và chị chồng sau khi chồng và bố chồng mất, chị nhận thức được phận làm dâu dù thế nào vẫn phải có trách nhiệm với gia đình nhà chồng. Bởi vậy, nàng dâu vẫn luôn chăm sóc, yêu thương mẹ chồng. 

"Khi nhận được thông báo việc bị mẹ N. khởi kiện tôi ra tòa để chia tài sản thừa kế, tôi thật sự đau đớn, chua xót. Những ngày tháng qua, tôi và các con luôn sống trong tâm trạng lo lắng, bất an khi phải đối diện với tương lai chẳng biết sẽ đi về đâu", người phụ nữ bày tỏ sự lo lắng. 

Nói về nguyện vọng của bản thân trước thềm phiên xét xử, chị H. khẳng định suốt hơn 20 năm qua, vợ chồng chị là những người trực tiếp bỏ tiền, thậm chí vay nợ của bạn bè để xây dựng căn nhà 5 tầng khang trang, bề thế như hiện nay và cũng là những người chung sống, trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Chị quả quyết căn nhà hoàn toàn được xây dựng bằng tiền của vợ chồng chị và hoàn toàn không có chuyện xích mích, bỏ bê chăm sóc bố mẹ chồng.

Bởi vậy, chị mong muốn được hội đồng xét xử ghi nhận một cách chính xác công sức của bản thân suốt thời gian chung sống với bố mẹ chồng và đưa ra phán quyết một cách công tâm, thấu tình, đạt lý. 

"Càng theo kiện càng mệt, có đáng phải dứt tình tới như vậy không?" 

Tại phiên tòa ngày 10/6, cụ N. cùng con gái cả ủy quyền cho con gái thứ 2 là bà B. tham dự trong khi phía chị H. có 2 người đại diện theo ủy quyền. Tại phiên tòa, bà B. tiếp tục trình bày rằng nhà và đất là của bố được phân và được bố mẹ bỏ tiền ra xây dựng, chị H. chỉ là người nhận tiền và làm hộ, không đóng góp công sức trong việc xây dựng nhà.

Đáp lại quan điểm trên, phía chị H. công khai hàng loạt bằng chứng mới bao gồm các hợp đồng liên quan tới việc xây dựng nhà và thi công các hạng mục trong ngôi nhà, có chữ ký của vợ chồng chị H. Với những tài liệu này, phía chị H. đề nghị Hội đồng xét xử công nhận ngôi nhà là của chị H. và buộc phía cụ N. cùng 2 con gái nếu muốn sử dụng ngôi nhà phải thanh toán toàn bộ chi phí thi công, lắp đặt cũng như giá trị các nội thất trong căn nhà với số tiền ước tính khoảng gần 2 tỷ đồng. 

Mâu thuẫn tiếp tục kéo dài và trầm trọng tại phiên tòa, buộc thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phải tiếp tục khuyên nhủ, đề nghị 2 bên suy nghĩ lại và cố gắng hòa giải, gạt bỏ cái tôi, hy sinh một chút quyền lợi của bản thân để giữ gìn tình cảm, vì những mục đích chung lớn lao hơn là việc tranh chấp. 

"Tòa đã rất tạo điều kiện để hòa giải, nếu có thể xử lý bằng tiền thì nên ngồi lại với nhau. Chị B. nên suy nghĩ lại, 2 chị em hãy chia sẻ để sau này các cháu còn qua lại, thăm nom họ hàng, gìn giữ tình cảm. Càng theo kiện các vị càng mệt, con số hòa giải cũng chỉ chênh nhau 200 triệu đồng (Nếu hòa giải, chị H. yêu cầu nhận được 2 tỷ đồng, phía cụ N. chỉ chấp nhận con số 1,8 tỷ), có đáng phải theo kiện ngày này tháng khác hay không?.

Có cần thiết phải dứt tình với nhau đến vậy không? Tôi biết cụ N. cũng đã ung thư giai đoạn cuối, các con hãy cho mẹ được yên lòng trong những ngày cuối đời trước khi nhắm mắt xuôi tay", thẩm phán khuyên nhủ. 

Sau khoảng 30 phút trao đổi và hội ý, các bên đồng ý đề xuất tạm ngừng phiên tòa để có thể hòa giải và được Hội đồng xét xử chấp thuận. Phiên tòa dự kiến sẽ được mở lại vào một thời điểm phù hợp.