"Cuộc chiến" vào cấp 3 công lập và sự mất cân bằng trong giáo dục

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Cấp 3 trường công thì thiếu, vậy mà trường đại học và cao đẳng nhiều quá, chẳng khác nào trồng cây nhưng lại buộc thắt giữa thân, có ngày bão to sẽ gẫy cây. Thiếu sự cân bằng trong giáo dục".

Kết thúc kỳ thi vào lớp 10 tại nhiều tỉnh, thành phố, có những giọt nước mắt đã rơi ngay trên sân trường. Nhiều sĩ tử đã "gục ngã" trước áp lực khổng lồ của kỳ thi và đối diện nguy cơ lỡ hẹn với ngôi trường mình mong ước.

Chứng kiến giọt nước mắt cùng ánh mắt thất thần của những cô bé, cậu bé mới chạm ngưỡng cửa của tuổi 15, nhiều người không khỏi xót xa. Số lượng trường cấp 3 công lập không theo kịp sự phát triển của mật độ dân số, đặc biệt tại các đô thị lớn, đang khiến kỳ thi vào lớp 10 ngày một trở nên khốc liệt. 

Trượt ngã tại một kỳ thi có thể mang tính bước ngoặt của cuộc đời sẽ là nỗi đau mà ở độ tuổi của các em khó có thể gồng gánh. Do đó, nhiều người tin rằng cần có những biện pháp cụ thể nhằm giảm tải gánh nặng lên các em cũng như tạo điều kiện để mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận với hệ thống giáo dục công lập. 

Cuộc chiến vào cấp 3 công lập và sự mất cân bằng trong giáo dục - 1

Giọt nước mắt của một thí sinh tại TPHCM sau khi rời phòng thi môn Toán (Ảnh: Hoài Nam).

Đâu phải ai cũng có điều kiện cho con học trường tư chất lượng cao?

Mang tâm trạng của một phụ huynh có con tham gia kỳ thi vào THPT, chị Nguyen Thi Tham trải lòng: "Đứng đón con ở cổng trường mới thấy được nhiều cung bậc cảm xúc. Rất nhiều bạn khóc từ phòng thi ra cổng trường và về đến nhà. Nhìn các con mà thương, tuổi các con không đáng chịu áp lực lớn như vậy. Buổi thi cuối, tôi đón con mà không kìm được nước mắt vì nghĩ đến những ngày các con căng thẳng ôn thi đến 1, 2 giờ sáng, rồi bao áp lực mà con và phụ huynh phải chịu trong suốt thời gian vừa qua. Các con quá thiệt thòi so với bố mẹ ngày xưa. Rất thương các con".

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự khốc liệt của kỳ thi vào lớp 10 công lập chính là sự khan hiếm lựa chọn. Trong khi số lượng trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt tại các đô thị lớn, thì đối với những cơ sở giáo dục tư thục, chi phí quá cao đang trở thành trở ngại với rất nhiều gia đình. 

Độc giả Vũ Ngọc Miên viết: "Giờ có xin đi làm công nhân cũng yêu cầu tốt nghiệp cấp 3, vậy nên mới phải cố cho con đi học. Trường tư cũng chẳng cần xây thêm vì trường tư không thiếu, có điều học phí quá cao, con nhà nghèo và trung bình không kham nổi. Nếu không xây được thêm trường công, hãy ban hành chính sách trợ cấp một phần học phí cho các em học trường tư để đỡ áp lực thi cấp 3 công lập".

Chung quan điểm, anh Nguyễn Đình Lâm bình luận: "Đâu phải ai cũng có điều kiện cho con em mình học trường tư, chất lượng cao. Hệ thống trường lớp hiện không được quy hoạch, chưa đủ phát triển để đáp ứng nhu cầu, phù hợp với thu nhập của phần đông người dân. Trượt lớp 10 là nỗi đau quá sức chịu đựng của một đứa trẻ mới 15 tuổi, sự thật đã được nói lên. Những áp lực quá lớn đã làm đau khổ biết bao thế hệ học sinh và phụ huynh".

"Để tránh những hậu quả đáng tiếc do áp lực học hành, đề nghị xây thêm trường tại những tỉnh, thành phố có mật độ dân số cao. Hàng năm các em đều phải gánh chịu muôn vàn áp lực, đã có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra. Tôi không muốn điều này tiếp diễn, bởi nó có thể xảy tới với chính con em chúng ta", anh Quản Khánh Toàn tiếp lời. 

"Nói là vậy nhưng hiện tại phần đông gia đình vẫn có thu nhập ở mức trung bình, chi phí để nuôi con ăn học vẫn chiếm phần lớn thu nhập. Không phải ai cũng dư dả để học trường tư. Trong khi trường tư đủ chất lượng thì ít và học phí cũng cao. Do vậy, trường công vẫn là lựa chọn hàng đầu cho số đông", anh Đỗ Ngọc Hải nêu ý kiến. 

Cuộc chiến vào cấp 3 công lập và sự mất cân bằng trong giáo dục - 2

Sự căng thẳng của một nam sinh tại Hà Nội trước giờ thi (Ảnh: Mạnh Quân).

Giải pháp nào cho bài toán giáo dục công lập? 

Từ thực trạng nêu trên, nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, việc gia tăng số lượng cơ sở giáo dục công lập là phương án được nhiều người nhắc tới. 

Độc giả Tâm Anh viết: "Cần xây dựng nhiều trường công lập hơn nữa vì nhu cầu và số lượng ngày càng tăng của học sinh nói riêng và dân số nói chung. Cần có quyết sách cho giáo dục phổ thông để tất cả các em có cơ hội học ở trường công lập vì thu nhập bình quân của người dân ta rất thấp, không thể có điều kiện để vào học trường dân lập được. Rất mong Nhà nước và Chính phủ giảm xây dựng các trường dân lập, để dành đất xây dựng các trường công lập nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của học sinh phổ thông.

Hiện nay, các trường công lập được xây dựng quá ít, không đủ chỗ học sinh dù các em có học lực khá. Quá bất cập, thiệt thòi và đáng tiếc với các em có học lực khá, điểm trung bình môn 7-8 điểm".

Trong khi đó, độc giả Nguyen Tran Thanh bình luận bằng giọng điệu buồn bã: "Đất quá nhiều nhưng chỉ để xây chung cư, quên mất xây trường phổ thông trong nội thành. Đặc biệt 4 quận nội đô lịch sử của Hà Nội, 30 năm nay không có ngôi trường nào được xây thêm".

Đặt ra một phép so sánh mang tính trực quan, anh Lê Hữu Tuân viết: "Cấp 3 trường công thì thiếu, vậy mà trường đại học và cao đẳng nhiều quá, chẳng khác nào trồng cây nhưng lại buộc thắt giữa thân thì có ngày bão to sẽ gẫy cây thôi. Thiếu sự cân bằng trong giáo dục". 

"Cái tuổi được đi học, cần đi học thì bị ách tắc. Số lượng trường THPT thì giữ nguyên, không mở rộng, trong khi đại học và cao đẳng thì đại trà, gần như phổ cập. Nghịch lý quá rõ của ngành giáo dục", độc giả có nickname Dân Ta nhấn mạnh.