"Du lịch đêm ở Việt Nam chỉ có ăn với đi bộ, sao mà phát triển được"

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Độc giả chỉ ra hàng loạt điểm yếu của du lịch Việt Nam như giờ giấc, văn hóa, dịch vụ. Từ đó, nhiều người đã hiến kế để xây dựng các khu kinh tế đêm riêng biệt.

Sau phiên chất vấn tại Quốc hội vừa qua, vấn đề phát triển mô hình "du lịch đêm" đã thu hút sự quan tâm lớn trong xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, du lịch đêm hiện nay nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi lại bỏ, chỉ phát triển được một thời gian rồi du khách không tới nữa. 

Ông Hùng nhấn mạnh, du lịch đêm tại Việt Nam được nhận định là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, sản phẩm còn nghèo nàn, cộng với các nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội tiềm ẩn khiến du lịch đêm trở thành vấn đề khó, không chỉ của ngành du lịch mà còn của rất nhiều ngành nghề khác. 

Ý kiến của Bộ trưởng Hùng nhận được sự hưởng ứng của nhiều độc giả. Hàng loạt nguyên nhân, vấn đề đã được chỉ ra dẫn tới sự yếu kém, nghèo nàn của "du lịch đêm" tại Việt Nam. 

Du lịch đêm ở Việt Nam chỉ có ăn với đi bộ, sao mà phát triển được - 1

Khu vực phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lúc về đêm, điểm đến quen thuộc của nhiều du khách khi tới Hà Nội (Ảnh: Tố Linh).

Du lịch đêm chỉ có ăn và đi bộ, sao có thể hút khách? 

Nói về du lịch đêm tại Việt Nam, một trong những điểm yếu cố hữu đầu tiên được chỉ ra chính là sự nghèo nàn về dịch vụ. Chủ tài khoản Dangiau viết: "Kinh tế đêm mà chỉ có ăn với đi bộ thì kinh tế gì ở trong đêm? Chưa kể nhiều người chưa làm đã lo phát sinh tệ nạn xã hội. Muốn người ta tới chơi thì phải có chỗ tiêu tiền, nhưng ăn xong mà không có chỗ chơi thì tiêu tiền vào đâu?". 

"Về cơ bản, du lịch gói gọn trong 4 hoạt động chính gồm tham quan, ăn, chơi và mua sắm. Chúng ta mới chủ yếu dừng lại ở 2 nhu cầu đầu của du khách mà thôi", độc giả có nickname TenMienNgon tiếp lời. 

"Tôi sống ở Hà Nội, nhưng khi bạn bè ra đây một tuần và hỏi tôi buổi tối chơi gì ở thì cũng thực sự bí ý tưởng, bởi chẳng lẽ tối nào cũng rủ họ lên Tạ Hiện uống bia xong đi về? Không chỉ Hà Nội, rất nhiều địa phương cũng rơi vào tình trạng như vậy. Thiên nhiên ban cho chúng ta những món quà về cảnh quan để thu hút, nhưng chúng ta lại không thể tạo ra những dịch vụ đủ hấp dẫn để níu chân khách du lịch, để họ mong muốn được quay lại. 

Tôi từng dẫn tour (dẫn đoàn du lịch - PV) cho rất nhiều người nước ngoài, đa phần khi tới Việt Nam đều hết lời ngợi ca về cảnh quan và con người chúng ta. Tuy nhiên, rất hiếm người quay lại lần 2, bởi chúng ta quá thiếu đi những dịch vụ đủ sức hấp dẫn, cuốn hút đối với họ", độc giả Hoàng Linh phân tích. 

Thậm chí dù chỉ chủ yếu là dịch vụ "ăn", song các trải nghiệm về ẩm thực tại những khu du lịch đêm của chúng ta cũng không hấp dẫn hay để lại ấn tượng. Anh Tuan Van chỉ ra rằng như tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, đồ ăn chủ yếu toàn kem, cá viên chiên, đồ khô... toàn những thứ không ai kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Tương tự là phố đi bộ hồ Gươm ở Hà Nội, đồ ăn cũng không có gì mới lạ, tạo ra sự thu hút đối với khách du lịch. 

Anh Đăng Lê cũng có chung cảm nhận như trên khi cho rằng du khách tới Việt Nam có mong muốn lớn nhất là thưởng thức ẩm thực 3 miền. Tuy nhiên, thực tế tại các khu chợ đêm hiện nay chỉ toàn bán đồ ăn, xiên "bẩn" cho trẻ con. Khách du lịch nếu không tới mức quá đói hay khát thì chắc chắn không bao giờ có nhu cầu sử dụng những sản phẩm này. 

Bên cạnh dịch vụ, giờ giấc cũng là một rào cản lớn. Đơn cử như trường hợp của anh Trung Vo, người này chia sẻ đã ra Hà Nội vài lần, đi nhậu cùng bạn bè nhưng chỉ đến 22h là các hàng quán đóng cửa, cũng không biết đi đâu nữa bởi các dịch vụ buổi đêm ở Hà Nội khá hạn chế. 

Tương tự, anh Thang Do Quoc viết: "Du lịch đêm mà đến 23h công an đi tuần bắt đóng cửa, du lịch mà bị quây bó hẹp vào 1-2 con phố ngắn củn, chỉ toàn ăn với uống thì đến khách Việt còn chán, huống chi khách Tây. Du lịch đêm như vậy chỉ hợp mấy ông bợm nhậu". 

Ngoài ra, nạn chặt chém cũng là một vấn đề, anh Nguyễn Trung Tín bình luận: "Quan trọng là giải quyết vấn đề chặt chém khách du lịch. Khách nội địa chúng ta còn sợ chặt chém, huống hồ khách du lịch nước ngoài. Khi muốn mua một thứ gì đó hay kể cả sử dụng phương tiện như xích lô, taxi, họ đều nơm nớp lo sợ sẽ bị "chặt chém". Với tâm lý không thoải mái như vậy, liệu họ có muốn quay lại Việt Nam hay không?". 

Du lịch đêm ở Việt Nam chỉ có ăn với đi bộ, sao mà phát triển được - 2

Phố đi bộ Bùi Viện (TPCHCM) vào buổi đêm.

Giải pháp nào cho "kinh tế đêm"? 

Từ những lo ngại nêu trên, nhiều người đã hiến kế để có thể phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam, trong đó phần lớn tập trung vào việc cần quy hoạch, xây dựng các khu kinh tế đêm tách biệt với khu dân cư như hiện nay. 

"Đặc thù ở Việt Nam là phố nhỏ ngõ nhỏ, mọi thành phần dân cư, mọi ngành nghề, mọi công năng sử dụng được xen kẽ. Nếu chỗ nào cũng kinh doanh ẩm thực, quán xá, vui chơi thâu đêm suốt sáng thì người buôn bán hưởng lợi, dân du lịch, dân chơi đêm thoải mái nhộn nhịp nhưng những người không tham gia vào chuỗi này thì suốt ngày không có không gian sống, nghỉ ngơi để hoạt động, làm việc vào ban ngày và sẽ diễn ra xung đột về lợi ích và quyền lợi chính đáng của họ", anh Le Hoang Long phân tích. 

Bởi vậy, độc giả LsPhan Chung nhìn nhận việc chia tách khu "kinh tế đêm" và "kinh tế ngày" là hết sức cần thiết: "Muốn phát triển kinh tế đêm, nên tạo ra một khu vực riêng, tách biệt với phần còn lại của dân cư. Những người không tham gia làm kinh tế đêm, họ đã tham gia làm kinh tế ngày. Không thể để kinh tế đêm làm ảnh hưởng đến kinh tế ngày và ngược lại". 

"Du lịch đêm phải được quy hoạch thành khu vực riêng biệt, xa khu dân cư để thuận tiện trong quản lý và không gây ảnh hưởng đời sống của người dân", người dùng Thiet Huu bình luận.