28 năm trận hải chiến Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2016):
Những người lính Gạc Ma bất tử!
(Dân trí) - “Nhập ngũ được 6 tháng, nó được đơn vị cho về phép. Nó thủ thỉ với mẹ, con sắp lên đường ra đảo. Thấy mẹ buồn, lo lắng, nó vỗ vai an ủi, con đi chuyến này về học tiếp. Thế mà nó đi mãi không về. Đó cũng là bữa cơm cuối cùng út Cường được ăn cùng gia đình, cũng là lần cuối cùng nó được lội ruộng bắt cá rô đồng...”.
"Út Cường vẫn ngay trong tim mẹ"
Lần theo con đường bê tông liên thôn bé nhỏ, đi qua mấy lũy tre làng, chúng tôi tìm về nhà mẹ Ngò tại thôn Thanh Quýt 1, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường - người con duy nhất tại Quảng Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma, Trường Sa.
Trò chuyện với chúng tôi, mẹ đặt tay lên ngực mình nghẹn ngào: “Út Cường nó vẫn ở đây con ạ, ngay trong tim mẹ”.
Clip mẹ liệt sĩ Gạc Ma trò chuyện với PV Dân trí.
Giữa thời chiến tranh, mẹ sinh tất thảy 9 lần nhưng chỉ có 3 người con trai khỏe mạnh. Rồi lần lượt những đứa con của mẹ là Nguyễn Bá Xuân, Nguyễn Bá Hùng viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Người con trai út Nguyễn Bá Cường theo gương các anh viết đơn nhập ngũ. Năm 1988 anh được điều động ra Trường Sa canh giữ biển đảo.
Trước lúc lên đường, mẹ dúi vào tay cậu con trai mấy chục ngàn đồng dành dụm rồi dặn dò con: “Khó mấy cũng không được đầu hàng, không được đào ngũ”.
Rồi một ngày, tin sét đánh đưa về: con mẹ hy sinh, vĩnh viễn nằm lại với Trường Sa.
Những kỷ vật của liệt sĩ Gạc Ma Nguyễn Bá Cường
Thắp nén hương cho con trai, mẹ kể: “Thằng Cường là con út, nó ngoan ngoãn lắm. Năm 1980, thi đậu Đại học Tổng Hợp Đà Lạt ngành Vật Lý. Học được một năm, nó về xung phong đi bộ đội. Má khuyên nó cứ học hết đi đã vì hai anh cũng đang phục vụ quân ngũ nhưng nó cứ nằng nặc đòi đi. Má bán chục ang lúa, heo, gà gom góp tiền đưa con lên Đà Lạt xin hoãn học”.
Mẹ ngoảnh mặt, giấu giọt nước mắt nơi khóe mắt nhăn nheo: “Nhập ngũ được 6 tháng, nó được đơn vị cho về phép. Nó thủ thỉ với mẹ, con sắp lên đường ra đảo. Thấy mẹ buồn, lo lắng, nó vỗ vai an ủi, con đi chuyến này về học tiếp. Thế mà nó đi mãi không về. Đó cũng là bữa cơm cuối cùng út Cường được ăn cùng gia đình, cũng là lần cuối cùng nó được lội ruộng bắt cá rô đồng...”.
Mẹ vẫn nhớ như in ngày nhận được tin con hy sinh, khoảnh khắc đó mẹ như chết lặng, không tin được út Cường lại bỏ mẹ. Nghe mọi người bảo, con đã mất tích, không tìm được xác con, mẹ lại nuôi hy vọng con chỉ bị giặc bắt mà thôi, rồi con lại về.
Ngày ngày, mẹ lại ra ngõ ngóng tin con. Nhiều năm trôi qua, mẹ biết con đã nằm lại nơi Trường Sa thân thương, nơi biển cả quê nhà, cùng đồng đội của con. Nhưng sao mẹ vẫn có cảm giác con mẹ sẽ về. Con luôn là niềm tự hào của mẹ.
Mẹ Ngò kể: “Năm 1985, út Cường được giao về Lữ đoàn Bộ Binh 173 (Quân khu 5), một năm sau thì đi học lớp hoa tiêu ở Nga, nhưng khi biết được nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, Cường hủy khóa học để lên đường nhận nhiệm vụ”.
Từ ngày Út Cường ra đảo làm nhiệm vụ, mẹ Ngò chỉ biết tin tức của con theo từng lá thư ít ỏi gửi về. “Tết năm 1988, lá thư cuối cùng thằng út gửi về chúc mọi người vui vẻ, kể rằng ngoài đảo anh em vui lắm. Ba má và các anh đừng lo”. Rồi từ đó, mẹ không nhận được bất kỳ lá thư nào từ con, cho đến một ngày tin báo tử của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường gửi về.
Nhẹ nâng chiếc hòm mà mẹ đóng ngày nào cho cậu tân sinh viên lên Đà Lạt học, cẩn thận lật từng trang báo Nhân dân đã úa màu (năm 1988) có bài viết tuyên dương về những người lính Trường Sa, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, sổ đoàn viên, những tấm ảnh trắng đen thời sinh viên trong quân trường, chiếc ba lô màu xanh đã phai màu, bộ quần áo liệt sĩ Cường… chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.
Nói về con trai, mẹ Ngò không quên gửi lời thăm hỏi tới các chiến sĩ đang ngày đêm kiên cường canh giữ biển đảo quê hương: “Ngày xưa con mẹ và đồng đội đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, mẹ mong các con hãy cầm chắc tay súng tiếp tục bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Nay sức mẹ đã yếu không đi xa được, các con ngoài đó giúp mẹ thắp cho Út Cường và đồng đội nó, để ấm lòng người nằm lại dưới biển cả”.
"Anh Trừ luôn sống trong tôi, cả khi anh đã vĩnh viễn nằm lại với Trường Sa"
Ở Đà Nẵng có một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Tần, là vợ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng Tàu HQ 604 đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma và Cô Lin (thuộc quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988.
Ngày 12/3, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vừa quyết định bố trí căn hộ chung cư cho con trai thứ của liệt sĩ Vũ Phi Trừ là anh Vũ Xuân Khoa.
Vợ liệt sĩ Vũ Phi Trừ xúc động kể những kỷ niệm về người chồng đã anh dũng hy sinh ở Trường Sa ngày 14/3/1988
Chúng tôi tới thăm bà Tần và anh Khoa trong ngôi nhà anh vừa được cấp. Bà Tần bùi ngùi kể: “Anh Trừ nhà tôi đã là thuyền trưởng Tàu HQ 604. Thời ấy, đến một tấm ảnh kỷ niệm ngày cưới cũng không có, nhưng anh Trừ vẫn sống trong tôi, dù khi anh biền biệt đi làm nhiệm vụ ở đảo, hay khi anh đã mãi mãi nằm lại giữa biển nơi ấy - Trường Sa...
Năm 1983, tôi sinh Đăng; năm 1986, tôi sinh Khoa. Cả hai lần tôi vượt cạn sinh con, anh Trừ đều đang làm nhiệm vụ ở đảo. Lần cuối vợ chồng, cha con gặp nhau là khi anh Trừ được về phép vào năm 1987. Khoa, con trai thứ hai của vợ chồng tôi khi ấy mới lọt lòng mẹ. Khoa chỉ được gặp bố một lần duy nhất trong đời là lần ấy. Còn Đăng khi ấy mới khoảng 4 tuổi đã quấn quít, gọi bố suốt...”.
Người vợ liệt sĩ đã một mình vượt bao khó khăn của cuộc sống, nuôi hai con thơ suốt gần 30 năm qua, xúc động chia sẻ: “Đăng bây giờ đã nối nghiệp cha, là một người lính hải quân, công tác ở Lữ đoàn M125, trực tiếp bảo vệ quần đảo Trường Sa nơi bố đã nằm lại. Khoa công tác ở Công ty Tân Cảng chi nhánh Đà Nẵng, chuẩn bị cưới vợ đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng quan tâm bố trí căn hộ chung cư. Tôi mong ước giá anh Trừ được nhìn thấy các con khôn lớn, nên người”.
Nỗi đau mất chồng, mất cha mãi không nguôi, nhưng cạnh nỗi đau là niềm tự hào. Niềm tự hào ấy như một động lực để bà Tần vượt qua bao khó khăn mấy chục năm nay, để 2 người con trai trông vào phấn đấu. Người liệt sĩ ấy 28 năm nay luôn là thần tượng của các con.
Ngày Đăng báo tin anh sẽ nhập ngũ nối nghiệp cha, là một lính hải quân trực tiếp bảo vệ Trường Sa, bà Tần ngổn ngang trăm mối: “Anh Trừ ngày ấy đã hy sinh như thế. Khi nhà tôi hy sinh, Đăng chưa tròn năm tuổi, con cứ nhớ gọi cha suốt. Đăng vừa lớn đã đòi đi ra đảo nối nghiệp cha, lòng mẹ như tôi làm sao không lo sợ! Đăng trở thành một chiến sĩ hải quân, những chuyến công tác của Đăng có khi ròng rã hàng tháng trời...”.
Còn anh Khoa, khi cha hy sinh anh mới 15 tháng tuổi. Không biết nhiều về cha nhưng “tôi được nghe mẹ và anh kể cho tôi biết về bố. Lớn lên, tôi lại được nghe, được đọc về bố qua các bác đồng đội của bố, qua những bài báo về hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988 ấy. Tôi tự hào là con của bố!.
Bố hy sinh rồi, các cấp chính quyền, bà con làng xóm luôn quan tâm đến gia đình. Biết ơn sự quan tâm của mọi người, tôi luôn dặn lòng sẽ luôn cố gắng dù ở vị trí công tác nào cũng cống hiến sức trẻ của mình, sống có ý nghĩa, xứng đáng với sự hy sinh của bố và những vất vả lặng thầm của mẹ".
N.Linh - C.Bính - K.Hiền