Nút share tỉnh táo và trách nhiệm
Lâu nay việc cắt ghép, chia sẻ hình ảnh, âm thanh với những thông tin sai sự xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau, từ hạ bệ, làm mất uy tín đến... đòi nợ, thậm chí chỉ để câu like tăng tương tác. Không ít người bỗng nhiên bị cuốn vào những vụ việc trời ơi đất hỡi mà họ hoàn toàn vô can, chỉ vì một bức ảnh hay một đoạn clip đã bị cắt ghép có ý đồ, khiến cuộc sống đảo lộn, bị khủng bố tinh thần...
Sự việc của nữ đoàn viên ở Quảng Bình mới đây là một ví dụ. Clip một tiết mục văn nghệ của nữ đoàn viên này trong đại hội đoàn đã bị cắt ghép đăng tải trên mạng xã hội với thông tin cho rằng đây là nhân vật chính trong một vụ ngoại tình gây xôn xao ở một địa phương khác, cách xa hàng trăm km. Vậy mà ngay lập tức Clip được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội kèm những bình luận thô tục, ác ý, khiến cuộc sống, tinh thần của nữ đoàn viên này và người thân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hẳn nhiều bạn đọc chưa quên sự việc một nữ sinh tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, đã uống thuốc độc tự tử vì bị ghép ảnh mặc áo cổ rộng đăng trên Facebook vào năm 2013. Cái chết tức tưởi và đầy oan uổng của cô bé đã để lại sự xót xa, phẫn nộ trong dư luận. Một trò đùa thiếu suy nghĩ đã cướp mất sinh mạng của một cô bé đang ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời và nỗi đau khó xóa mờ trong lòng người thân của em. Thế nhưng, với những thủ thuật đơn giản trên điện thoại, trò ghép ảnh trở nên quá đơn giản, bất chấp những hậu quả và hệ lụy có thể xảy ra. Đây không còn là một trò tiêu khiển vô thưởng vô phạt nữa, bởi hậu quả gây ra cho nạn nhân không thể lường hết, nhẹ thì tổn thương tâm lý, nghiêm trọng hơn thì nảy sinh cách giải quyết tiêu cực như trường hợp nữ sinh ở Hà Nội kể trên.
Khi việc cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh cá nhân đăng tải trên mạng xã hội vượt qua ranh giới của một trò đùa, thì đó là vi phạm pháp luật với hành vi làm nhục người khác. Theo Điều 155 Bộ luật hình sự, tội làm nhục người khác có thể đối diện với xử phạt hành chính lên tới 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ 3 năm. Bên cạnh đó, hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác", cũng đã được quy định tại Nghị định số 174 với khung phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.
Với các quy định hiện hành, cả người cắt ghép, đăng tải và người chia sẻ hình ảnh, thông tin sai sự thật đều sẽ bị xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, việc xác minh, xử lý không hề dễ dàng, nhất là trên không gian mạng và nạn nhân không trình báo, tố cáo lên cơ quan công an. Một số vụ việc, kẻ ghép ảnh rồi đăng tải trên mạng xã hội dù đã bị cơ quan chức năng xử lý thì nạn nhân đã phải gánh chịu những tổn thương tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Ở đây, người viết nghĩ rằng bên cạnh việc tăng cường chế tài để ngăn chặn các hành vi nêu trên, thì trước hết và quan trọng nhất là ý thức của người dùng mạng xã hội.
Ngạn ngữ có câu "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" để nhắc nhở cần thận trọng khi phát ngôn. Trên mạng xã hội cũng vậy, sự lan tỏa nhanh chóng nhờ công nghệ khiến mỗi nút like, một bình luận hay một nút chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, danh dự, uy tín của người khác, thậm chí có thể đẩy nạn nhân vào bước đường cùng. Bởi vậy, người dùng mạng xã hội phải là người tỉnh táo để đánh giá, phân biệt được đúng sai, đồng thời hành xử văn hóa và có trách nhiệm với cộng đồng. Hãy sử dụng nút share tỉnh táo, nếu không rất có thể một lúc nào đó bạn chính là nạn nhân.
Tác giả: Hoàng Lam là phóng viên báo Dân Trí, thường trú khu vực Bắc miền Trung từ năm 2012. Chị gắn bó với mục Blog hai năm nay và thường viết về các đề tài xã hội.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!